Vùng núi và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, sau khi đi vào phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), bão số 6 (tên quốc tế là Mangkhut) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Hồ chứa Ea Thu (xã Cư Bông, huyện Ea Kar, tỉnh Ðác Lắc) cạn gần hết nước. Ảnh: MINH THUẬN

Do ảnh hưởng hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 6, ngày 18-9, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to (lượng mưa phổ biến từ 40 đến 80mm/đợt); riêng khu vực Việt Bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to (từ 100 đến 150mm/đợt). Các khu vực khác thuộc Bắc Bộ và Hà Nội có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to (từ 20 đến 50mm/đợt). Ðây là tin cuối cùng về bão số 6.

* Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 6, từ ngày 17 đến 19-9, trên thượng lưu sông Thao, sông Lô, sông Kỳ Cùng và Bằng Giang, hệ thống sông Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2 đến 5 m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Lô, sông Thao ở mức BÐ1 - BÐ2; sông Kỳ Cùng và Bằng Giang ở mức BÐ1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ, nhất là các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, sạt lở đất: cấp 1.

* Ngày 17-9, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã kiểm tra hệ thống đê điều để đối phó hoàn lưu bão số 6. Trên địa bàn huyện hiện có một số điểm bị sạt lở, lún ở mức nghiêm trọng như tuyến đê Bùi 2 ở xã Hoàng Văn Thụ. Ngoài ra, 15,580 km thuộc đê Hữu Bùi đoạn qua thôn Mỹ Lương, xã Mỹ Lương; đê Ðồng Trối xã Thủy Xuân Tiên; đê bao Thuần Lương; đê bao thôn Hòa Bình xã Hoàng Văn Thụ... cũng đang sạt lở, đe dọa đến sản xuất và sinh hoạt của nhiều hộ dân. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn ra quân tu bổ các tuyến đê đã bị sạt lở sau đợt mưa, lũ. Tổ chức kiểm kê, bổ sung đủ vật tư dự trữ cần thiết cho việc xử lý tại chỗ.

* Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang cho biết, vụ hè thu 2018, các huyện: Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước, Châu Thành xuống giống được gần 41.000 ha trong đó có hơn 28.000 ha thu hoạch muộn. Ðáng lo là 7.769 ha thu hoạch trong tháng 10, có nguy cơ bị thiên tai đe dọa khi phải đối mặt lũ lụt sông Cửu Long từ thượng nguồn tràn về.

* Ở tỉnh Ninh Thuận đang diễn ra tình hình hạn hán nghiêm trọng. Lượng nước tại 21 hồ chứa trên địa bàn chỉ còn 49 triệu m3, bằng 1/4 dung tích thiết kế 14 hồ chứa ở dưới hoặc sắp đến mực nước chết. Hồ Ðơn Dương phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất cho tỉnh đã ở ngưỡng thấp nhất trong nhiều năm qua, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, các địa phương đã tổ chức nạo vét ao, giếng có sẵn để tăng nguồn nước ngầm; trồng cỏ và tận dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn gia súc...

* Hiện các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa, tuy nhiên tại các huyện M’Ðrắc, Ea Kar (tỉnh Ðác Lắc) lại đang bị khô hạn, hơn 100 ha lúa, ngô, cây trồng chết dần. Nguyên nhân là do từ cuối tháng 6 đến nay, ở đây không có mưa, nắng nóng kéo dài, khiến mực nước của nhiều công trình hồ đập đã cạn trơ đáy.

* Sáng 17-9, Công ty Trực thăng miền nam (Binh đoàn 18) đã cử tổ bay cùng kíp bác sĩ của Bệnh viện Quân y 175 cơ động từ Bà Rịa - Vũng Tàu ra đảo Phan Vinh (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), đưa hai ngư dân Quảng Ngãi bị tai nạn lao động vào đất liền điều trị. Trước đó, sáng 16-9, hai ngư dân Nguyễn Ngọc Ngãi (SN 1978) và Bùi Văn Ðô (SN 1994), cùng quê ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) là thuyền viên tàu cá QNg 95834 TS đã bị tai nạn khi đang đánh bắt cá. Hiện hai ngư dân đã được cấp cứu kịp thời.

* Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh kêu gọi cán bộ, chiến sĩ tham gia ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ngay sau khi phát động, Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị trực thuộc đã quyên góp được gần 500 triệu đồng tiền mặt, hơn 2.000 bộ quần áo, gần 2.000 bộ sách giáo khoa, cùng với 1.700 cuốn vở, đồ dùng học tập… Trong hai ngày 16 và 17-9, Bộ CHQS tỉnh đã thành lập hai đoàn công tác đến hỗ trợ người dân các huyện Mường Lát và Quan Hóa mỗi huyện 100 triệu đồng, cùng nhiều nhu yếu phẩm. Số tiền còn lại sẽ được chuyển đến Ủy ban MTTQ tỉnh để phân bổ cho những huyện bị thiệt hại khác.

Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo vừa có công điện gửi Sở Giáo dục và Ðào tạo các tỉnh, thành phố về việc ứng phó cơn bão số 6 năm 2018. Theo đó, các sở cần theo dõi chặt chẽ, thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến về cơn bão và tình hình mưa lũ, ngập lụt, sạt lở xảy ra trên địa bàn; phổ biến, tuyên truyền tới giáo viên, học sinh, phụ huynh về tình hình cơn bão để tăng cường sự an toàn cho học sinh cả trong và ngoài giờ lên lớp. Bảo đảm các hoạt động dạy và học an toàn; sẵn sàng phương châm "bốn tại chỗ" trong các trường học. Không tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh trong và sau khi thiên tai xảy ra. Cho phép học sinh nghỉ học tùy theo diễn biến của thiên tai, mưa lũ tại địa phương (nếu cần thiết). Thực hiện các phương án bảo đảm an toàn tài sản, cơ sở vật chất các công trình trường, lớp học, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, nhất là những nơi có nguy cơ ngập lụt.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/37651202-vung-nui-va-trung-du-bac-bo-cac-tinh-thanh-hoa-nghe-an-co-mua-to-den-rat-to.html