Vùng quê nghèo thay đổi diện mạo từ sự chung sức của bà con Phật tử

Xã Thạnh Lộc là xã vùng xa, vùng sâu của huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang), với dân tộc Khmer chiếm 41,5% dân số, cuộc sống người dân trước đây còn nhiều khó khăn, việc đi lại bị cách trở bởi kênh rạch chằng chịt. Từ sự chung sức xây dựng nông thôn mới, tham gia làm cầu đường nông thôn của bà con phật tử đã giúp vùng quê nghèo này thay đổi diện mạo, kinh tế hợp tác phát triển, đời sống người dân ngày càng khấm khá.

Từ chỗ việc đi lại ở xã Thạnh Lộc gặp nhiều khó khăn do kênh rạch chằng chịt, đến nay nhờ sự đóng góp của bà con Phật tử đã hỗ trợ cho xã xây dựng nhiều cây cầu nông thôn. Qua đó giúp cho người dân địa phương đi lại dễ dàng, giao thương hàng hóa thuận tiện...

Thiện nguyện làm cầu nông thôn

Như hồi tháng 12/2022, Hội từ thiện chùa Thôn Dôn (Keomunivansa) đã tổ chức lễ cắt băng khánh thành cầu Phước Đức 3, 4, 5 tại xã Thạnh Lộc. Những cây cầu có sự đóng góp lớn của chư tăng chùa Thôn Dôn vận động Phật tử xa gần cùng đóng góp.

Cầu nông thôn được xây dựng khang trang ở xã Thạnh Lộc có sự đóng góp lớn của bà con Phật tử.

3 cây cầu này được xây dựng theo kiến trúc Khmer, có kết cấu bê tông cốt thép, với tổng kinh phí 870 triệu đồng. Hội Đoàn kết Sư Sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang đã biểu dương và đánh giá cao Hội Từ thiện chùa Thôn Dôn và các nhà hảo tâm đã đóng góp, hỗ trợ địa phương xây dựng các cầu giao thông tại các xã khó khăn như Thạnh Lộc.

Ông Danh Tùng, Phó Chủ tịch xã Thạnh Lộc cho biết nhờ có Đại đức Danh Út (trụ trì chùa Thôn Dôn) và Hội Từ thiện chùa Thôn Dôn đã giúp cho xã xây dựng được 5 cây cầu nông thôn.

Theo ông Tùng, những cây cầu xây dựng rất chất lượng, đem lại điều kiện thuận lợi cho người dân và học sinh vùng nông thôn ở Thạnh Lộc và các xã lân cận. Địa phương rất trân trọng nghĩa cử của Phật tử chùa Thôn Dôn.

“Trong lúc thi công, Đại đức Danh Út còn vận động bà con phật tử tình nguyện hiến đất để làm cầu, đường lớn hơn mà không đòi bồi hoàn. Nhờ sự đóng góp của Đại đức, mà xã Thạnh Lộc hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới”, ông Danh Tùng chia sẻ.

Bên cạnh vận động kinh phí, vật liệu xây dựng cầu, đường giao thông, Đại đức Danh Út và Hội Từ thiện chùa Thôn Dôn còn vận động kinh phí xây dựng nhà cho người có hoàn cảnh khó khăn, vận động hỗ trợ trùng tu, các chùa Khmer với kinh phí hàng tỷ đồng… Ngoài ra, Hội Từ thiện chùa Thôn Dôn còn xây dựng Phòng Khám bệnh Y học cổ truyền cho người dân tại chùa Thôn Dôn…

Đạt thành quả xã nông thôn mới

Nhờ sự đóng góp trong xây dựng cầu nông thôn như vậy của bà con Phật tử đã góp phần giúp cho một xã khó khăn như Thạnh Lộc hoàn thành tiêu chí về giao thông trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Bà con Phật tử có nhiều đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới ở xã Thạnh Lộc.

Bà con Phật tử có nhiều đóng góp quan trọng vào xây dựng nông thôn mới ở xã Thạnh Lộc.

Đến nay, diện mạo giao thông ở Thạnh Lộc có sự thay đổi tích cực. Ngoài 5 cây cầu từ sự đóng góp của các Phật tử, xã đã xây dựng 3 tuyến đường trục xã được nhựa hóa, hàng chục km thuộc 5 tuyến đường trục ấp và đường ngõ xóm được bê tông hóa.

Các tuyến đường còn lại đều được đổ vật liệu cứng, không bị lầy lội, thuận lợi cho việc đi lại. Về thủy lợi, đã đảm bảo phục vụ tưới tiêu chủ động cho 83,63% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã.

Với phương châm: “Xây dựng nông thôn mới có khởi đầu, không có điểm dừng”, xã Thạnh Lộc đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy tinh thần chủ động của người dân và bà con Phật tử.

Cùng với đó, các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân và bà con Phật tử luôn được quan tâm thực hiện tốt. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định, tạo điều kiện cho địa phương phát triển toàn diện về mọi mặt.

Nhờ vậy đã góp phần giúp cho xã Thạnh Lộc được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới hồi năm 2021. Thu nhập bình quân từ cách đây 3 năm đã đạt 55 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 87 hộ (chiếm 2,02%), 70 hộ cận nghèo (chiếm 1,63%) theo chuẩn nghèo mới…

Nhắc đến xã Thạnh Lộc cũng cần ghi nhận sức phát triển kinh tế hợp tác với sự tham gia của đông đảo bà con Phật tử trong xã. Như cách đây 4 năm, trong xã đã thành lập HTX nông nghiệp Hòa Lợi. Hợp tác xã có 61 thành viên (chủ yếu là bà con theo Phật giáo), sản xuất trên diện tích 91,97ha.

HTX này thực hiện các dịch vụ cơ bản cho thành viên như: Bơm tát, làm đất; thu hoạch; cung ứng giống; tiêu thụ sản phẩm và ký hợp đồng mua phân bón cho thành viên.

Đưa kinh tế hợp tác đi lên

Thời gian qua, HTX nông nghiệp Hòa Lợi đã tạo được chuỗi liên kết với doanh nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ, giảm giá đầu vào và ổn định đầu ra sản phẩm cho thành viên. HTX còn giúp các thành viên giảm chi phí, tăng lợi nhuận, mở rộng sản xuất kinh doanh và phát triển các dịch vụ sau thu hoạch, vận động phát triển thành viên mới, tăng diện tích sản xuất…

Phát triển kinh tế hợp tác giúp đời sống nông dân xã Thạnh Lộc ngày càng khấm khá.

Lãnh đạo xã Thạnh Lộc cho rằng, hoạt động của HTX nông nghiệp Hòa Lợi là sự cần thiết đối với chính quyền địa phương nói chung và người nông dân nói riêng. HTX đã liên kết tạo thành sức mạnh tổng hợp, từng bước cải thiện sản xuất ngày một hiệu quả hơn. Hỗ trợ nhau đáp ứng nhu cầu chung là giảm chi phí đầu vào, tăng cao lợi nhuận cho thành viên.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến HTX Trồng rau sạch Thạnh Hưng ở xã Thạnh Lộc, có quy mô 5,7 ha, với 28 thành viên (đa phần là bà con Phật tử). HTX chuyên sản xuất các mặt hàng rau sạch như: Dưa leo, khổ qua, các loại rau cải, xà lách, rau gia vị…, bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 500 tấn sản phẩm rau tươi.

Ông Danh Phương, Chủ tịch HTX rau sạch Thạnh Hưng, cho biết: Từ khi thành lập HTX này thì các thành viên rất phấn khởi. Họ còn được chính quyền địa phương hỗ trợ đưa kỹ sư xuống để tập huấn trồng rau màu, bón đúng lúc, xịt đúng thuốc, chứ không bao giờ xịt thuốc ở ngoài.

Là một thành viên của HTX, Phật tử Danh Chạng, cho biết đã góp gần 3.000 m2 trồng rau vào HTX. Ông được hướng dẫn và tuân thủ quy trình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi ngày, ông cung cấp cho thị trường 250kg rau quả, mỗi năm, thu lợi hơn 100 triệu đồng.

Hoặc như gia đình ông Danh Ten cũng có khoảng 3.000 m2 đất và theo nghề trồng rau 25 năm nay. Theo ông, từ khi tham gia HTX trồng rau sạch, an toàn theo đúng quy trình thì năng suất cao hơn, chi phí đầu tư cũng thấp hơn, nên lợi nhuận tăng từ 15 - 25%.

Theo đánh giá, HTX Trồng rau sạch Thạnh Hưng đã giúp hạn chế được sâu bệnh phá hoại trong quá trình sản xuất của bà con trồng rau tại địa phương. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm rau sạch theo hướng an toàn, được người tiêu dùng ưa chuộng, giúp nông dân nâng cao thu nhập, đưa vùng quê từ chỗ có nhiều khó khăn đến nay ngày càng khởi sắc.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/vung-que-ngheo-thay-doi-dien-mao-tu-su-chung-suc-cua-ba-con-phat-tu-1092910.html