Vũng Tàu: Những rắc rối xung quanh cổ đông của công ty VCCT

Những tranh chấp giữa các Cổ đông của Công ty Cổ phần Du lịch Núi Lớn - Núi Nhỏ và Cáp treo Vũng Tàu (gọi là VCCT) đã diễn ra suốt hai năm nay. Tất cả chỉ vì những nguyên nhân mà đáng ra hai bên nên ngồi lại bàn tính với nhau cho đồng lòng.

Chỉ vì không chịu đóng cổ phần Một tranh chấp mà cho đến thời điểm bây giờ giữa hai bên đều phải đi hầu tòa và phải tốn rất nhiều thời gian cho những công việc vô bổ này. Theo như tường trình từ phía cổ đông Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thế Anh (viết tắt là cổ đông Thế Anh) thì tranh chấp bắt nguồn từ việc góp vốn điều lệ của công ty. Dự án Khu du lịch sinh thái Cáp treo Vũng Tàu với tổng số vốn là 1.400 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 300 tỷ đồng; giai đoạn 2 là 600 tỷ đồng và giai đoạn 3 là 500 tỷ đồng. Công trình này có sự tham gia của VCCT với 4 thành viên gồm Cổ đông Thế Anh; Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị Bà Rịa-Vũng Tàu (cổ đông UDEC); công ty TNHH Du lịch Sản xuất Thương mại Hương Phong (cổ đông Hương Phong); Công ty ứng dụng Kỹ thuật và Sản xuất - Bộ quốc phòng (Cổ đông Tecapro). Các cổ đông đồng ý góp vốn điều lệ lần đầu tiên là 100 tỷ đồng gồm Cổ đông Thế Anh 50 tỷ (50% vốn); cổ đông UDEC 30 tỷ đồng (30% vốn); cổ đông Hương Phong và Tecapro đều góp 10 tỷ đồng tương đương với 10% vốn điều lệ. Thế nhưng, sau đó các cổ đông đã nêu lên lý do khó khăn và xin điều chỉnh góp vốn điều lệ. Để khẳng định việc không thể góp vốn nên 2 cổ đông UDEC và Tecapro đã trả lời bằng văn bản rất rõ ràng là do điều kiện khó khăn, không thể góp vốn theo đúng như thỏa thuận ban đầu và yêu cầu VCCT kê khai lại vốn, đăng ký lại giá trị cổ phần trên giấy phép đăng ký kinh doanh. Còn cổ đông Hương Phong thì nhiều lần được thông báo góp vốn nhưng vẫn không nhận được sự hồi âm. Trong khi đại hội đồng cổ đông lần thứ 14, 16, 18, các cổ đông đã thống nhất tăng vốn điều lệ của công ty lên từ 100 tỷ đồng lên 146,117 tỷ đồng. Và bên trong đó, sự phân chia về vốn cổ đông được các bên đồng ý thỏa thuận, biểu quyết để đóng góp xây dựng rất rõ ràng. Bên cạnh đó, nếu không đầu tư thêm vốn thì coi như dự án cáp treo và công trình khu du lịch sinh thái này coi như bỏ không. Cổ đông Thế Anh đã chạy đôn, chạy đáo khắp nơi vay mượn tiền và huy động những nguồn vốn nào mà mình có thể để dự án được tiếp tục triển khai. Và mọi cố gắng của cổ đông Thế Anh cũng được đền đáp khi dự án cáp treo này đã bắt đầu được đưa vào khai thác. "Sự việc còn đang dang dở khi giai đoạn 1 vẫn còn chưa hoàn tất và nhiều chuyện vẫn còn phải làm thì bên phía cổ đông Thế Anh bỗng dưng bị ba cổ đông UDEC, Hương Phong, Tecapro khiếu nại lên các cơ quan chức năng. Và mới đây, cổ đông Thế Anh còn bị kiện ra TAND Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên khi TAND Bà Rịa Vũng Tàu đưa vụ án ra xét xử thì nhiều lần các cổ đông kia không đến đầy đủ khiến phải hoãn phiên tòa"- Ông Trần Mạnh Hùng - Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Chánh văn phòng hội đồng quản trị cho biết. Đã có những văn bản giải quyết Trước khi vụ việc được TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thụ lý giải quyết thì các cổ đông kia đã được các cơ quan chức năng của tỉnh trả lời bằng văn bản rõ ràng. Sau khi nhận được đơn khiếu nại của 3 cổ đông UDEC, Hương Phong, Tecapro thì UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã họp và giao Sở kế hoạch và Đầu tư làm việc cụ thể với VCCT, đồng thời báo cáo, đề xuất hướng giải quyết. Ngày 6.10.2009, sau khi làm việc và xác định rõ ràng: "Việc phòng đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch và đầu tư thực hiện đăng ký thay đổi lần thứ 7 theo đề nghị của VCCT là đúng quy định của Luật doanh nghiệp và Nghị định 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký kinh doanh. Còn về vấn đề tranh chấp quyền đóng cổ phần là của nội bộ các cổ đông trong công ty. Ngay sau đó Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản báo cáo rất rõ ràng với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu như sau: "do khó khăn về nguồn vốn, cổ đông UDEC đã có văn bản số 33/CV.UDEC ngày 23.01.2007 quyết định góp vốn ở mức 22,5 tỷ đồng, Cổ đông Tecapro có công văn số 11/06-CV ngày 6.1.2006 thông báo việc dừng việc góp vốn ở con số 4 tỷ đồng. Hai cổ đông này cùng đề nghị HĐQT công ty VCCT đang ký kinh doanh lại theo luật định. Riêng cổ đông Hương Phong góp được 2.869.957.500 đồng. Công ty VCCT đã có công văn số 02/CV-HĐQT-2007 ngày 12.01.2007 kêu gọi góp vốn cổ phần lần cuối đối với cổ đông Hương Phong...!. Qua đó đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UDEC, Hương Phong cần có tinh thần hợp tác cùng VCCT, bàn bạc tháo gỡ những khúc mắc của các nhà đầu tư nhằm đầu tư dự án sớm hoàn thành...". Không đồng ý với việc giải quyết của Sở kế hoạch và đầu tư, 3 cổ đông UDEC, Hương Phong, Tecapro đã đệ đơn lên HĐND tỉnh yêu cầu vào cuộc. Sau khi rà soát lại sự việc, Ban kinh tế ngân sách HĐND tỉnh cũng yêu cầu 3 cổ đông UDEC, Hương Phong, Tecapro phải có tinh thần hợp tác cùng VCCT bàn bạc tháo gỡ những khó khăn, khúc mắc trên... Hiện nay, mặc dù đã trải qua những quãng thời gian vô cùng khó khăn nhưng VCCT đã gần như hoàn thành giai đoạn 1 nên cũng không muốn mọi sự việc trở nên rắc rối hơn nữa. Chính vì thế mà ban lãnh đạo VCCT mong muốn các cổ đông Thế Anh, UDEC, Hương Phong và Tecapro cần ngồi lại bàn bạc cụ thể, tháo gỡ khó khăn để cùng nhau phát triển mang lại lợi ích cho tỉnh nhà. Hà Sơn Bình

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=3489&lang=vn&zone=3&zoneparent=0