Vững tay chèo

Dưới sự 'chèo lái' của Tổng thống E.Macron, nước Pháp vừa vượt qua một cuộc khủng hoảng chính trị khi cuộc biểu tình của lực lượng 'áo vàng' không ngừng leo thang trong gần một tháng qua, gây ra những hậu quả nặng nề. Những giải pháp và phát biểu thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm của Tổng thống Pháp đã giúp làm làn sóng biểu tình lắng xuống. Nhưng phía trước vẫn còn không ít khó khăn.

Gần một tháng qua, nước Pháp chìm trong bất ổn với làn sóng biểu tình rộng khắp, xuất phát từ việc phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu. Nhiều người biểu tình quá khích đã phóng hỏa đốt ô-tô, cướp phá các cửa hàng và thậm chí bôi bẩn cả Khải hoàn môn, công trình biểu tượng nổi tiếng của nước Pháp. Hơn 200 người đã bị thương trong các cuộc biểu tình, trong đó có nhiều nhân viên an ninh. Làn sóng biểu tình dẫn tới tình trạng bạo loạn đã khiến cộng đồng doanh nghiệp Pháp quan ngại, thiệt hại lên tới hàng tỷ euro.

Các cuộc biểu tình kéo dài lần này là một thử thách chính trị vô cùng lớn với Tổng thống E.Macron và chính phủ của ông. May mắn là những giải pháp mà Tổng thống Pháp đưa ra để giải quyết khủng hoảng, cuối cùng đã “hạ nhiệt” làn sóng phản đối của dân chúng. Ðầu tuần vừa qua, nhằm nhanh chóng giải quyết “tình trạng khẩn cấp về kinh tế và xã hội” mà nước Pháp đang phải đối mặt, Tổng thống E.Macron đã thông báo hàng loạt biện pháp cụ thể. Theo đó, sẽ nâng lương cho người lao động và mức lương tối thiểu từ năm 2019 được tăng thêm 100 euro mỗi tháng; tiền làm thêm giờ sẽ không phải chịu bất cứ thuế hoặc phí nào. Liên quan đến “thuế nhà giàu” (ISF), Tổng thống E.Macron tuyên bố sẽ không nhượng bộ, vì khôi phục lại thuế này “sẽ làm suy yếu nước Pháp”, nhưng sẽ tăng cường các biện pháp chống trốn thuế và kiểm soát tốt hơn chi tiêu công. Ngoài ra, ông E.Macron cam kết không tăng giá nhiên liệu, tiếp tục ứng phó biến đổi khí hậu, xem xét lại cách thức tổ chức Nhà nước, cũng như vấn đề nhập cư... Quốc vụ khanh Bộ Tài chính công O. Dussopt cho biết, Chính phủ Pháp sẽ phải chi trả từ 8 đến 10 tỷ euro để thực hiện những cam kết của Tổng thống. Trong khi đó, điện Elysee thông báo không xem xét lại mục tiêu kiểm soát chi tiêu công và thâm hụt ngân sách năm 2019.

Dư luận Pháp đã phản ứng tích cực sau bài phát biểu của Tổng thống E.Macron. Nghị sĩ B.Questel vùng Eure nhận xét rằng, các giải pháp mà ông Ma-cron đề xuất cho thấy ông đã “lắng nghe sự tức giận bùng nổ” của người dân trong những tuần gần đây. Trong bài phát biểu, ông Macron được đánh giá đã nêu ra hàng loạt biện pháp cụ thể nhằm cố gắng làm dịu cơn giận dữ của người dân. Nhiều nghị sĩ thuộc đảng Nền Cộng hòa tiến bước (LRM) cho biết, họ nhận thấy những “liều thuốc” mà ông Macron đưa ra đã đủ mạnh để có thể đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Nghị sĩ L.Avia của Paris đánh giá những thay đổi liên quan đến mức lương cơ bản và tăng thuế đóng góp xã hội trích từ lương hưu là một bước tiến lớn hướng tới người dân và sẽ thay đổi rõ rệt cuộc sống của họ.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, dù “sóng đã yên, nhưng biển chưa lặng”, bởi dù làn sóng biểu tình đã hạ nhiệt, nhưng ông E.Macron và Chính phủ Pháp hiện vẫn đối mặt không ít khó khăn. Các cuộc biểu tình vừa qua đã gây thiệt hại kinh tế lớn cho nước Pháp. Bộ trưởng Tài chính Pháp B.Marie khi tới thị sát các cửa hiệu ở thủ đô Paris chịu nạn cướp bóc trong cuộc bạo loạn vừa qua đã khẳng định “đây là thảm họa cho thương mại, thảm họa cho nền kinh tế Pháp”. Các lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch của Pháp đang bị ảnh hưởng nặng nề vì bạo loạn và nước Pháp phải mất thời gian để lấy lại được hình ảnh của một điểm đến đầu tư, du lịch hòa bình, ổn định. Việc khôi phục uy tín của cá nhân Tổng thống và Chính phủ Pháp đòi hỏi bản thân ông Ma-crông phải nỗ lực thực hiện các cam kết.

Ngoài ra, các cuộc biểu tình vừa qua sẽ khiến Chính phủ Pháp khó khăn hơn trong việc thực hiện các chính sách và mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh nêu trên, có thể thấy những thách thức với Tổng thống E.Macron trong năm 2019 là không nhỏ. Tuy nhiên, với những gì qua việc ông Macron ứng phó với bạo loạn vừa qua, người dân Pháp có thể tin rằng vị Tổng thống trẻ tuổi, có thể “vững tay chèo” đưa nước Pháp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

TRUNG NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/38556202-vung-tay-cheo.html