Vùng Vịnh 'Đi dễ khó về'

Hồi năm 2017, kênh truyền hình BBC của Anh đã phát đi hình ảnh rúng động dư luận về một người phụ nữ trẻ bị rơi khỏi tầng 7 của một tòa nhà cao tầng tại Kuwait. Người phụ nữ này đã cố bám lấy khung cửa sổ phía bên ngoài và van xin được cứu giúp trong sự dửng dưng của người quay đoạn video...

Trước đó 2 năm, một câu chuyện tương tự xảy ra với một người giúp việc Ấn Độ ở Arab Saudi. Không thể tiếp tục sống trong nhà chủ, Kusturi Munirathiram đã van xin được ra đi, nhưng người chủ đã khóa tất cả các cánh cửa. Kusturi dùng tấm sari của mình làm thừng để ra ngoài bằng đường cửa sổ, và đã rơi từ tầng 3 xuống mặt đất khi người chủ nhà chặt đứt lìa cánh tay của bà.

Đây là những câu chuyện khiến dư luận phẫn nộ, nhưng vẫn xảy ra khá thường xuyên ở các quốc gia vùng Vịnh.

Năm 2010, một người giúp việc Indonesia bị chủ nhà người Arab Saudi rạch mặt bằng kéo và đốt bằng bàn là, để lại trên mặt cô những vết thương nghiêm trọng. Năm 2014, một người giúp việc Phillipine bị chủ nhà hắt nước sôi lên người, để lại những vết bỏng lớn. Những câu chuyện về nạn bạo hành cực đoan đối với người giúp việc tại vùng Vịnh cứ lặp đi lặp lại năm nay qua năm khác, bất chấp sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế.

Theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền - HRW, có hơn hai triệu phụ nữ đang hành nghề giúp việc gia đình tại các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), bao gồm Oman, Kuwait, Arab Saudi, Qatar, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE. Do hoàn cảnh khó khăn, những người phụ nữ phần đông đến từ Đông Phi và Nam Á đã tới vùng Vịnh để làm người giúp việc gia đình. Họ được hứa hẹn lương cao, ăn uống đầy đủ và chỗ ở tử tế. Tuy nhiên, thực tế mà họ phải đối mặt là sự cô lập, tù túng và bạo hành thể chất.

Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế - ILO, có tới 20% người giúp việc gia đình trên toàn thế giới đang làm việc tại vùng Vịnh - nơi các luật bảo vệ quyền lợi của người lao động được đánh giá là “có vấn đề”. Một báo cáo gần đây của ILO khẳng định tình trạng bạo hành người giúp việc đang xảy ra rộng rãi tại các quốc gia vùng Vịnh có nguyên nhân từ việc thiếu các quy định về bảo vệ người lao động trong lĩnh vực giúp việc gia đình, cũng như từ hệ thống quy định Kafala được áp dụng tại khu vực này.

Các quốc gia GCC và các nước láng giềng như Jordan và Lebanon áp dụng hệ thống Kafala - một chương trình bảo trợ cho phép công dân thuê người giúp việc gia đình và công nhân xây dựng nước ngoài.

Hệ thống Kafala cho phép người tuyển dụng toàn quyền trong việc giám sát điều kiện sống, tình trạng nhập cư và tiền lương của người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người tuyển dụng bóc lột người làm thuê cho mình mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bị ràng buộc với người tuyển dụng, những phụ nữ người nước ngoài làm giúp việc gia đình ở vùng Vịnh không có lựa chọn nào khác ngoài chịu đựng.

Bà Susheelama, một phụ nữ Ấn Độ 47 tuổi, kể về trải nghiệm của mình khi tới Arab Saudi làm người giúp việc năm 2015. Chủ nhà đã “bán” người giúp việc của mình cho nhiều gia đình khác, và bà phải phục vụ 11 gia đình tất cả. Bà thường bị nhốt vào một căn phòng tối không có đèn và chỉ được ngủ 5 tiếng mỗi ngày. Người chủ cũng thường xuyên đánh đập Susheelama vì những lý do nhỏ nhặt. Và điều đặc biệt là trong hơn một năm làm việc quần quật, bà không được trả đồng lương nào. Bà may mắn được các nhân viên Đại sứ quán Ấn Độ và cảnh sát Arab Saudi phối hợp giải cứu.

Hãng truyền hình Al Jazeera mới đây kể câu chuyện về Trịnh Thị Linh - một người giúp việc đến từ Việt Nam làm việc cho một gia đình ở Arab Saudi.

Ngày đầu tiên làm việc, cô bị lục soát hành lý, nhốt trong phòng và tịch thu hộ chiếu. Những ngày sau đó, chủ nhà khóa toàn bộ hành lý của Linh vào kho, không cho cô sử dụng điện thoại di động và không cho phép cô nấu đồ ăn riêng của mình. Chủ nhà sẵn sàng đổ thức ăn thừa chứ không cho người giúp việc của mình ăn. Chỉ sau 3 tháng, Trịnh Thị Linh bị sụt gần 20 kg. Cô thường xuyên bế tắc, hoảng loạn, mất ngủ, nhưng không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu. Linh thậm trí còn không có băng vệ sinh để sử dụng.

Câu chuyện của Susheelama và Trịnh Thị Linh không khác biệt so với tình cảnh của một phần lớn các nữ giúp việc người nước ngoài đang làm việc ở vùng Vịnh.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố năm 2017 chỉ ra nhu cầu cấp thiết cần có những quy định về quyền của người lao động nhập cư, đặc biệt là phụ nữ, tại vùng Vịnh - nơi quyền phụ nữ là một lĩnh vực còn nhiều tranh cãi. Báo cáo này đưa ra ví dụ về Oman, quốc gia đã bắt đầu áp dụng những biện pháp giải quyết vấn đề này nhưng thiết lập ủy ban giám sát và đường dây nóng cho phép lao động nhập cư khiếu nại vể các vi phạm của chủ lao động như bạo hành, bóc lột, trả lương không đầy đủ hoặc tịch thu trái phép hộ chiếu của người lao động. Dù các biện pháp Oman đang áp dụng mang lại hiệu quả cao, nhưng đất nước này lại là cá biệt tại vùng Vịnh. Đa số các quốc gia còn lại không có hệ thống tư pháp công bằng cho phép lao động nhập cư bảo vệ quyền lợi trước các chủ lao động người địa phương.

Một nghiên cứu do HRW tiến hành năm 2019 trên 99 người giúp việc gia đình tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất - UAE cho thấy, có tới 24 người bị chủ lao động lạm dụng tình dục, và hầu như toàn bộ 99 người giúp việc này đều bị chủ lao động tịch thu hộ chiếu, không trả đủ lương và bị buộc làm việc lên tới 21 giờ đồng hồ mỗi ngày.

Dù việc xem xét điều chỉnh hệ thống Kafala được cho là lối thoát cho tình trạng bạo hành người giúp việc nước ngoài tại vùng Vịnh, nhưng những điều chỉnh về quy định tại một số quốc gia cho thấy điều này vẫn là chưa đủ để đối phó với thực trạng bạo hành đang diễn ra quá tràn lan.

Năm 2017, UAE đã thông qua phiên bản quốc gia của Công ước Lao động Nhập cư ILO với mục đích cải thiện điều kiện sống của người lao động nhập cư, bao gồm các quy định như số ngày nghỉ ốm được trả lương và 12 giờ nghỉ ngơi mỗi ngày.

Tuy nhiên, các quy định này dường như chỉ “để cho có” khi không được thực thi đầy đủ và gần như không có hiệu quả. Số trường hợp bạo hành người giúp việc gia đình ở UAE vẫn ở mức cao. Thay vì áp dụng công ước của ILO một cách hời hợt, khối GCC cần thiết lập một Công ước Lao động Nhập cư riêng của khu vực với trọng tâm là xử lý nguồn gốc vấn đề và đảm bảo việc thực thi diễn ra nghiêm túc, thực chất.

Bên cạnh việc thiếu các quy định pháp lý cần thiết, tình trạng bạo hành người giúp việc nước ngoài còn được cho là có nguyên nhân từ phân biệt chủng tộc. Người Nam Á và Đông Phi được xem là thua kém người Arab và sống trong điều kiện yếu thế hơn tại các quốc gia GCC. Sự phân biệt chủng tộc này được thể hiện rõ trong ngành nghề giúp việc gia đình, và gián tiếp thể hiện qua hệ thống y tế của quốc gia này.

Hệ thống chăm sóc y tế công của khối GCC thường cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí hoặc giảm giá cho công dân, và khối tư nhân cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe với giá cao hơn cho các chuyên gia phương Tây làm việc tại đây. Người giúp việc gia đình không nằm trong hai nhóm này và thường gặp khó khăn khi tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế do giá quá cao, trong khi hệ thống Kafala không yêu cầu người sử dụng lao động phải mua bảo hiểm y tế cho người giúp việc của mình.

Dù đã gần 10 năm trôi qua, nhưng dư luận chưa quên vụ việc một người giúp việc Sri Lanka bị chủ sử dụng lao động người Arab Saudi đóng 24 chiếc đinh sắt lên thân thể. Người phụ nữ 49 tuổi này đã phải trải qua các cuộc phẫu thuật để lấy những chiếc đinh này ra sau khi trở về nước. Lý do của hành động man rợ này là vì bà đã phàn nàn vì phải làm việc quá giờ.

Câu chuyện bi thảm về người phụ nữ Sri Lanka với 24 chiếc định trên người là một trong số rất nhiều minh chứng cho một cuộc khủng hoảng có tính hệ thống đang diễn ra trong ngành giúp việc gia đình ở vùng Vịnh. Các quốc gia GCC cần phải cải thiện hệ thống Kafala, đương đầu với tệ nạn phân biệt chủng tộc và thực thi nghiêm túc các quy định liên quan đến bảo vệ quyền lợi người lao động nhập cư để đảm bảo rằng người sử dụng lao động tại nước này hành xử phù hợp với người giúp việc của mình.

Thiết kế: Mẫn San

Minh Châu

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/special-today/vung-vinh-di-de-kho-ve-129961.html