'Vùng xanh' mở rộng, nhiều địa phương Tây Nguyên cho học sinh đến trường

Sau khi nhiều khu vực kiểm soát được dịch bệnh, nhiều huyện, thành phố thuộc tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk quyết định cho học sinh đến trường học trực tiếp, kể cả trẻ mầm non, tuy nhiên phải đảm bảo quy định phòng chống dịch COVID-19.

Học sinh Đắk Nông được đến trường từ ngày 27/9

Tại Đắk Nông, UBND tỉnh vừa quyết định cho học sinh mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên tại huyện Cư Jút được đi học trực tiếp từ ngày 27/9 sau khi địa phương này kiểm soát được dịch bệnh.

Đây là địa phương thứ 6 được UBND tỉnh Đắk Nông cho phép học sinh đến trường. Trước đó, UBND tỉnh cho phép các huyện, thành phố gồm: Đắk Song, Đắk G’long, Tuy Đức, Krông Nô, Gia Nghĩa được dạy học trực tiếp.

Tại Đắk Lắk, huyện Krông Pắc cũng vừa quyết định cho học sinh bậc THCS và THPT đến trường từ ngày 27/9, cấp tiểu học tiếp tục học trực tuyến đối với học sinh lớp 3,4,5; khối lớp 1 và 2 học qua truyền hình; bậc mầm non tiếp tục nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk có công văn về việc dạy học trong tình hình dịch COVID-19. Theo đó, những địa phương được xác định "vùng xanh" căn cứ vào tình hình, điều kiện cụ thể cho học sinh đến trường học trực tiếp. Nhà trường phải đảm bảo các quy định phòng chống dịch, bố trí lịch học, hình thức học phù hợp...

Hơn 120 công nhân cạo mủ cao su được hỗ trợ về quê

Sáng 26/9, đại diện UBND huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) cho biết, đơn vị cùng với UBND huyện Bù Đăng (Bình Phước) đã bố trí xe đưa 124 công nhân người Mông của tỉnh Nghệ An về quê từ tối 25/9.

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, những công nhân này đã tự chạy xe máy từ tỉnh Bình Phước về quê Nghệ An theo quốc lộ 14. Tuy nhiên, khi qua địa bàn Đắk Nông do vướng quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19 nên lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) đã yêu cầu nhóm trên dừng lại để xin ý kiến của chính quyền địa phương.

Theo những người dân đi trong đoàn, họ đều từ tỉnh Nghệ An vào tỉnh Bình Phước để cạo mủ cao su thuê từ năm ngoái đến nay. Do giá mủ cao su thấp, thu nhập từ nghề cạo mủ không ổn định nên họ quyết định về quê sinh sống.

Trước tình hình đó, lãnh đạo hai huyện Bù Đăng (Bình Phước) và Đắk R’lấp (Đắk Nông) đã vận động người dân tạm thời dừng nghỉ tại chốt kiểm soát dịch, đồng thời thông tin đến chính quyền tỉnh Nghệ An để phối hợp hỗ trợ đưa công dân của mình về. Trong thời gian chờ quyết định của tỉnh Nghệ An, phía huyện Đắk R'lấp hỗ trợ cơm và nước uống cho các công dân trên. Hai huyện cũng bố trí sẵn phương tiện, chờ phía tỉnh Nghệ An phản hồi sẽ đưa công dân lên xe về quê.

Được biết, từ đợt dịch lần thứ 4 đến nay, huyện Đắk R'lấp đã bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhiều đoàn người về quê khi đi ngang qua địa bàn.

(Huỳnh Thủy-Vũ Long)

Huỳnh Thủy-Vũ Long

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vung-xanh-mo-rong-nhieu-dia-phuong-tay-nguyen-cho-hoc-sinh-den-truong-post1379736.tpo