Vườn lan khoe sắc đón xuân…

Xuân đã về! Trong không khí xuân náo nức, tiết trời se lạnh, bên chén trà ấm nóng, giữa trăm ngàn loài hoa lan bừng nở, đua sắc, khoe hương, câu chuyện về quá trình khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong trồng và chăm sóc hoa lan của Phan Thanh Sang (ảnh bên) khiến ai cũng ngưỡng mộ. Từ hai bàn tay trắng, dám nghĩ, dám làm, theo đuổi niềm đam mê, đến nay anh không chỉ là ông chủ của trang trại 10ha hoa lan, anh còn là người luôn đi đầu với những ý tưởng sáng tạo, giúp thanh niên cùng khởi nghiệp, có nhiều đóng góp cho hoạt động cộng đồng…

Hành trình khởi nghiệp

Sinh ra và lớn lên ở xứ sở hoa nên từ nhỏ Phan Thanh Sang đã luôn mê mẩn với các loại hoa, nhất là với những giò lan kiêu sa, đài các. Nhà làm nghề trồng rau, đã đủ vất vả nhưng cứ hễ có thể là Sang lại dành cho vườn hoa nhỏ anh tự trồng quanh nhà. Chính niềm đam mê ấy đã khiến chàng trai có biệt danh “Sang còi” thi vào Khoa Nông lâm, Trường Đại học Đà Lạt với mục tiêu nâng cao kiến thức về nông nghiệp, nhất là nghề trồng hoa. Nhận thấy, TP. Đà Lạt là thành phố du lịch nổi tiếng, khí hậu thích hợp cho việc trồng hoa lan, anh đã bắt đầu nghiên cứu, trồng những cây lan đầu tiên từ những ngày còn ngồi trên ghế giảng đường. Ngoài thời gian đi học, Sang đến các trang trại trồng hoa làm thêm để nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm. Anh thường dành dụm tiền để mua, sưu tầm và xây dựng một vườn lan nhỏ tại nhà. Hành trình khởi nghiệp của Sang bắt đầu từ năm thứ hai đại học chỉ với diện tích 20m2 và khoảng 50 chậu hoa lan. Đến năm cuối đại học, vườn lan mang thương hiệu “Sang còi” mở rộng khoảng 2.000m2, được tiêu thụ tại chỗ và một số tỉnh, thành khác. Để có đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường, Sang ký kết thu mua lan của hơn 10 hộ nông dân khác và phối hợp tiêu thụ sản phẩm với một số công ty sản xuất hoa tại Đà Lạt.

Năm 2007, tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, “Sang còi” quyết định về nhà làm nông dân trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, người thân. Nhiều người băn khoăn: Đã chọn nghề nông cần gì phải học đại học cho tốn công sức, tiền bạc? Sao không xin vào các cơ quan nhà nước hoặc công ty?… Áp lực đè nặng lên đôi vai cậu sinh viên vừa mới ra trường không chỉ ở vốn hay kinh nghiệm. Nhưng chí đã quyết, Sang “còi” vẫn kiên định theo đuổi đam mê. Xác định phát triển vườn lan theo hướng làm nông nghiệp sạch, sinh thái, gắn với công nghệ cao nên Sang mạnh dạn mượn sổ đỏ của cha mẹ đi vay ngân hàng 200 triệu để xây dựng phòng thí nghiệm, với đầy đủ thiết bị kỹ thuật phục vụ việc nghiên cứu và lai tạo giống.

Khó có thể kể hết những khó khăn của chàng trai trẻ những ngày đầu khởi nghiệp. Kiến thức đã học là một chuyện, nhưng khi bắt tay vào công việc thực tế lại là chuyện khác. Quá trình lai giống mới rất dài, gặp nhiều khó khăn nên phải kiên trì. Việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa lan lúc bấy giờ chưa phổ biến. Một số loài hoa lan sinh trưởng trong tự nhiên đã khó, để phát triển trong ống nghiệm còn khó hơn. Mỗi cây, mỗi hoa là một đặc tính, cần cách chăm sóc khác nhau. Lúc cây ra hoa lại phải có chế độ chăm sóc riêng, chỉ cần một chút sơ sẩy là thất bại ngay. Thời gian đầu, vì không có kỹ thuật nên lan hư nhiều. Nhiều chậu lan trồng cả năm vẫn không ra hoa. Sang phải tự mày mò tìm hiểu qua in-tơ-nét, sách vở, học hỏi từ những người có kinh nghiệm. Nhiều đêm Sang thức trắng lúi húi bên máy tính chỉ để tìm hiểu về một căn bệnh nhỏ của loài hoa này.

Nhận thấy khâu giống rất quan trọng, Sang không chỉ tự sản xuất giống lan bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào để tiết giảm chi phí mà với sự sáng tạo của mình, anh còn lai tạo ra nhiều giống lan hoàn toàn mới, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của Đà Lạt như: Lan hài, lan hoàng thảo, lan vũ nữ, lan hồ điệp… và một số giống phong lan rừng đặc trưng tại Việt Nam. Đặc biệt, không vừa lòng với việc chỉ kinh doanh giống lan sẵn có, Sang còn mua một số giống lan ở nước ngoài về trồng, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao để nhân giống mới với nhiều mùi hương khác nhau, đem lại giá trị kinh tế lớn hơn. Anh cười chia sẻ: Để loài hoa thanh cao này ra hoa, nở lâu, phải hiểu được đặc tính của nó, rồi chiều chuộng, chăm sóc nó như chăm sóc một cô gái… đỏng đảnh. Có loại mất 3-4 năm nhưng cũng có loại phải mất tới 6-7 năm mới cho hoa đẹp...

Không ngừng sáng tạo

Với Phan Thanh Sang trồng lan không chỉ là đam mê bất tận mà còn là sự sáng tạo không ngừng. Vùng đất đầy nắng gió Ninh Thuận vốn không mấy ai nghĩ có thể trồng lan theo hướng công nghiệp nhưng Phan Thanh Sang đã biến điều không thể thành có thể. Đầu năm 2015, sau nhiều lần xuôi ngược khảo sát ở các tỉnh miền Trung, Sang quyết định trồng thử nghiệm một số giống lan nhiệt đới tại xã Lâm Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận) trên diện tích 1ha. Sau gần một năm theo dõi khả năng sinh trưởng, anh nhận thấy vùng đất Lâm Sơn có nhiệt độ không quá nóng hay lạnh thích hợp với hầu hết giống lan nhiệt đới. Các giống hoa này phải lạnh mới ra hoa được nên cây con sau khi trồng khoảng 15-18 tháng được đưa lên Đà Lạt dưỡng thêm 4-5 tháng thì cho hoa, xuất bán. Nhưng nếu trồng ở Đà Lạt phải có hệ thống sưởi ấm trong những ngày lạnh, quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cũng không bằng các vùng khí hậu ấm nóng. Từ đó, năm 2016, anh đầu tư 15 tỉ đồng để mở rộng quy mô lên 5ha với hàng trăm nghìn chậu hồ điệp, mokara, ngọc điểm, lan trầm… Đây đang là điểm được nhiều nông dân, thanh niên khởi nghiệp đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm trồng các giống hoa lan nhiệt đới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, kinh tế.

Nhận thấy khách du lịch hay đến các vườn rau, hoa để du lịch, học hỏi kinh nghiệm, Sang nảy ra ý tưởng làm du lịch nông nghiệp. Anh dành 3.000m2 đất xây khu giới thiệu, mua bán hoa lan, xương rồng, sen đá, phòng nuôi cấy mô để phục vụ du khách. Anh vận động hơn chục hộ nông dân khác thành lập Làng du lịch nông nghiệp Xuân Hương, tạo ra chuỗi liên kết phục vụ du khách trải nghiệm. Mô hình này được tỉnh Lâm Đồng chọn làm mô hình điểm để phát triển du lịch nông nghiệp, mỗi tháng có khoảng 1.000 du khách đến tham quan. Để đa dạng hóa các sản phẩm của Làng du lịch nông nghiệp Xuân Hương, anh dành một diện tích làm vườn ươm khởi nghiệp, trưng bày 6 sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên. Đây là cách làm mới để giới thiệu các sản phẩm có chất lượng đến khách hàng và các nhà đầu tư, tạo ấn tượng tốt cho du khách. Đây cũng là nơi để các bạn trẻ đến chia sẻ học tập, trao đổi trong quá trình khởi nghiệp.

Được Trung ương Đoàn chọn là một trong những thanh niên ưu tú ra thăm đảo Trường Sa trong hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2017”, Sang ấp ủ ý tưởng làm gì đó để giúp quân và dân Trường Sa bớt khó khăn. Trường Sa cần gì nhất, cách gì giúp quân dân trên đảo có thêm rau xanh, nước ngọt - Sang cứ trăn trở, nghĩ suy. Và rồi, trong chuyến đi ấy, anh đã chuyển giao và phổ biến cho quân dân trên đảo phương pháp trồng rau mới bằng cách sử dụng rêu rừng để tăng độ ẩm cho đất, kết hợp sử dụng mảng phủ đen và lưới xám che mát, cung cấp lượng ánh sáng vừa đủ để giúp rau tránh nắng, hạn chế thoát hơi nước. Áp dụng mô hình này giúp tiết kiệm lượng nước ngọt tưới rau lên tới 50-70%. Anh đã thiết kế vườn rau theo phương pháp mới và trực tiếp tham gia lắp đặt mô hình nhà kính 3 lớp được thiết kế thích ứng với điều kiện hai mùa mưa nắng ở Trường Sa. Ngoài ra, bằng kiến thức nông học, anh còn hướng dẫn quân dân ngăn ngừa tình trạng sâu ăn lá trên cây bàng vuông, cách thu gom lá bị sâu hại và đốt để diệt triệt để, tư vấn cách bón phân cho cây ra lá mới.

Xây dựng thương hiệu

Sống cảnh nhà nông, nhiều lần Sang chứng kiến nỗi “được mùa mất giá”. Tìm hiểu, Sang thấy mấu chốt của vấn đề là sản phẩm chưa có thương hiệu. Vì vậy, Sang xem thương hiệu như chuyện sống còn của sản phẩm. Khi chất lượng hoa lan mang thương hiệu “Sang còi” được thị trường ghi nhận và đánh giá cao, năm 2010 anh quyết định xây dựng thương hiệu mới để thuận tiện hơn trong giao dịch, nhất là với nước ngoài – YSA Orchid. Anh cho biết: Đây là kết hợp tên anh, tên vợ anh là Yến và Orchid là hoa phong lan. Sau hơn 10 năm dành trọn tình yêu cho hoa lan, từ vườn lan 20m2 đến nay YSA Orchid Farm đã là 3 khu trang trại hiện đại theo hướng nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích hơn 10ha, trồng các loại hoa lan hợp với khí hậu từng vùng: Ninh Thuận trồng lan hồ điệp và các giống lan nhiệt đới, Đơn Dương (Lâm Đồng) trồng hồ điệp và các loại lan với nhiệt độ ấm hơn; Đà Lạt là hoa lan xứ lạnh đồng thời làm du lịch nông nghiệp. YSA Orchid Farm hiện nay có hệ thống hơn 30 cửa hàng, đại lý phân phối trên toàn quốc. Hằng năm mang doanh thu về hàng chục tỷ đồng từ cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước hàng trăm ngàn chậu lan các loại cùng với lan cắt cành và bán cây giống, tạo việc làm cho khoảng 50 lao động là người dân tộc thiểu số tại các địa phương.

Tại YSA Orchid Farm, hoa được áp dụng quy trình chăm sóc, thu hoạch khoa học, hiện đại. Trong khi hầu hết các cơ sở sản xuất hoa lan theo mô hình công nghiệp tại địa phương hiện phải nhập khẩu giống từ nước ngoài thì tại YSA Orchid Farm, một phần giống hoa do trang trại tự sản xuất bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào.

Không chỉ là một thanh niên khởi nghiệp thành công, Phan Thanh Sang còn là một chàng trai năng nổ trong hoạt động đoàn và phong trào thanh niên. Anh là Bí thư Chi đoàn phố Hồ Xuân Hương, ủy viên BCH Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Lâm Đồng, đại biểu HĐND và Chủ tịch Hiệp hội Hoa TP. Đà Lạt. Sang thường xuyên phối hợp cùng Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Nông dân tỉnh và Hiệp hội Hoa tổ chức cho nông dân, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên đến tham quan, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lập thân, lập nghiệp, nhằm phát triển nghề trồng hoa và du lịch cho thành phố. Bước qua tuổi 34 nhưng Sang đã có những thành tích đáng nể: Giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn năm 2009, “Khi Tổ quốc cần” năm 2012, một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2015, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014. Sang cũng là gương mặt trẻ duy nhất được Trung ương Đoàn đề xuất và được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017 cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Tết đã về trên khắp mọi miền đất nước, dù bộn bề công việc cuối năm Sang vẫn không quên cùng các đơn vị trong tỉnh chuẩn bị cho chuyến hàng ra đảo Trường Sa. Tết này anh gửi tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa món quà rất đặc biệt là 400 giò phong lan. Như ước mơ bay cao, vươn xa, những nhành hoa lan Phan Thanh Sang ươm tạo cũng vươn lên khoe sắc, tỏa hương khắp mọi miền, biển đảo của đất nước. Xuân về, chúc Phan Thanh Sang thêm sung sức, giữ mãi đam mê, chinh phục mọi thử thách, tiếp tục gặt hái những thành công trên chặng đường theo đuổi khát khao “tạo hướng đi mới trong khởi nghiệp, công ăn việc làm cho bà con, góp phần lan tỏa niềm đam mê phát triển nông nghiệp bền vững đến mọi người”.

Diệp Chi

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/dang-vien-phan-dau-tot/2018/11305/vuon-lan-khoe-sac-don-xuan.aspx