Vươn lên thành những công dân có ích

Để tiếp cận với họ, tôi đã phải sử dụng điện thoại di động để nhắn tin trao đổi. Tuy không nghe, nói được nhưng họ luôn nỗ lực khẳng định giá trị bản thân, vươn lên sống bình đẳng và mong muốn mọi người hiểu rằng họ là một cộng đồng có nền văn hóa riêng, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu là phương tiện để giao tiếp. Họ là những người Điếc - chữ Điếc viết hoa.

Ảnh hưởng của điếc đối với sự phát triển ngôn ngữ nói rất lớn. Người Điếc bị suy giảm khả năng hoạt động ngôn ngữ, do vậy các hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn so với người bình thường. Họ thường mặc cảm về khuyết tật của mình, ít giao tiếp. Tuy nhiên, nếu người Điếc được trang bị những kỹ năng cần thiết cùng với ý chí của bản thân thì vẫn có thể theo kịp và hòa nhập tốt. Trần Đình Lợi, Vũ Thị Bình, Văn Khắc Huấn... là 3 trong số những trường hợp như vậy.

Với sự nỗ lực vươn lên, Trần Đình Lợi có công việc, thu nhập ổn định và tích cực tham gia công tác xã hội.

Với sự nỗ lực vươn lên, Trần Đình Lợi có công việc, thu nhập ổn định và tích cực tham gia công tác xã hội.

Trần Đình Lợi sinh năm 1995, hiện là Phó Chủ nhiệm CLB Người Điếc Quảng Ninh. Bị điếc bẩm sinh, cuộc sống của Lợi cũng như bao người điếc khác là sống trong sự lặng lẽ, ít giao tiếp với bên ngoài, khả năng sử dụng ngôn ngữ không linh hoạt. Sau một thời gian học tập tại Trường Khiếm thính Hải Phòng, năm 2015, Lợi về Hạ Long theo học nghề cắt tóc ở Salon Á Đông của anh Văn Khắc Huấn - cũng là một người Điếc. Học nghề 2 năm, Lợi đã thành thạo các kỹ thuật làm tóc và mở một salon riêng mang tên Trần Lợi ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long. Hiện, Lợi và người yêu cùng làm việc, thu nhập ổn định từ 300-500.000 đồng/ngày.

Bị điếc bẩm sinh, Vũ Thị Bình (sinh năm 2000, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) được gia đình gửi vào học tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt Quảng Ninh. 16 tuổi, Bình tìm cho mình một hướng đi phù hợp để có công việc, có thu nhập nuôi sống bản thân. Bình chọn học nghề làm móng, tóc và về mở tiệm “Bình nail” với thu nhập ổn định. Người yêu Bình cũng điếc, làm nghề xây dựng. Hai người dự định năm sau sẽ kết hôn.

Tiệm "Bình Nail" của Vũ Thị Bình (bên trái) được nhiều khách hàng tin tưởng chọn đến làm đẹp.

Lựa chọn công việc phù hợp và theo đuổi, tìm tòi, nỗ lực trau dồi, vươn lên sống bằng nghề là cách mà nhiều người Điếc ở Quảng Ninh đang hướng tới. Khi họ đã thành công, họ lại tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ người cùng cảnh ngộ. Điển hình như anh Văn Khắc Huấn, chủ Salon tóc Á Đông tại số 40 Lê Lai, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long.

“Việc khởi nghiệp của một người Điếc khó khăn, nhưng tôi vẫn luôn nỗ lực hết mình để thành công. Tôi muốn thành công để cộng đồng người Điếc cũng có thể tự tin về tương lai của mình, nếu mình cố gắng” - anh Văn Khắc Huấn chia sẻ. Hiện Salon tóc Á Đông của anh có nhiều bạn trẻ người Điếc đang học nghề và làm việc rất hiệu quả.

Để giúp người Điếc có thể trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, năm 2016, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thành lập Câu lạc bộ (CLB) Người Điếc Quảng Ninh. Hiện CLB có hơn 30 thành viên, thường xuyên tổ chức gặp mặt, sinh hoạt định kỳ hàng tháng; tổ chức dạy chữ và ngôn ngữ ký hiệu cho hội viên; kết nối các tổ chức, cá nhân hỗ trợ người Điếc học nghề, tạo việc làm; tổ chức các buổi tọa đàm mời các chuyên gia chia sẻ kỹ năng sống cho hội viên CLB.

Thành viên CLB Người Điếc Quảng Ninh tham gia tập huấn nâng cao năng lực với chủ đề: "Việc làm với người Điếc và vấn đề phân biệt đối xử".

Anh Trần Đình Lợi, Phó Chủ nhiệm CLB Người Điếc Quảng Ninh, chia sẻ: CLB là nơi người Điếc có thể trao đổi, chia sẻ với nhau trong cuộc sống, thậm chí nhờ có sự đồng cảm, nhiều cặp đôi đã thành vợ chồng, thành những người bạn thân thiết. Với sự hỗ trợ của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, CLB có nhiều hoạt động ý nghĩa giúp người Điếc từng bước xóa bỏ những rào cản, hòa nhập cộng đồng.

Chị Đỗ Thị Lệ, Trưởng Phòng Truyền thông - Đào tạo, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, đồng thời là Chủ nhiệm CLB Người Điếc Quảng Ninh, cho biết: Tham gia CLB, hội viên được trang bị các kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập. Một số hội viên khi mới tham gia mô hình chưa được học chữ và ngôn ngữ kỹ hiệu, nay đã biết đọc, viết và bước đầu sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với các hội viên khác trong cộng đồng người Điếc. Bên cạnh đó, hoạt động nâng cao năng lực đã giúp các thành viên dần xóa bỏ được rào cản, xóa bỏ được sự tự ti về khuyết tật của bản thân. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã kết nối cho rất nhiều thành viên học nghề và hỗ trợ tạo việc làm, giúp họ vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.

Thành viên CLB Người Điếc Quảng Ninh tự tin, tích cực tham gia các buổi tập huấn.

Ông Nguyễn Tuấn Linh, Trưởng ban Ban Vận động thành lập Hội Người Điếc Việt Nam:

Người Điếc (viết hoa, tiếng Anh là Deaf) chỉ một cộng đồng có nền văn hóa riêng, sử dụng ngôn ngữ kí hiệu là phương tiện để giao tiếp. Đây là cách tiếp cận theo quan điểm văn hóa tôn trọng người Điếc và nền văn hóa của họ.

Quan điểm dùng từ “Khiếm thính” thay cho từ “Điếc” nhằm mục đích nói giảm, nói tránh là quan điểm đã lỗi thời và chưa chính xác.

Hoàng Quý

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202003/vuon-len-thanh-nhung-cong-dan-co-ich-2476582/