Vươn lên vững chắc cùng cây nhãn trên đất dốc Sông Mã

Trong khi nhiều diện tích trồng nhãn trên địa bàn tỉnh Sơn La mới đang trong giai đoạn dưỡng trái non, thì tại vườn nhãn của các thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã đã bắt đầu cho thu hoạch. Đang là đầu vụ, nên nhãn bán được giá, trung bình 60.000/kg, cao gấp nhiều lần so với nhãn chính vụ, mang lại niềm vui và kỳ vọng vụ mùa bội thu cho người trồng…

Những năm qua, huyện Sông Mã đã có nhiều giải pháp chuyển đổi những diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc, sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế, trong đó chú trọng cây nhãn, nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bước ngoặt từ chuyển đổi tư duy

Những năm gần đây, xã Chiềng Cang đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, chuyển diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế; ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Cây nhãn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Sông Mã, cho năng suất và chất lượng vượt trội (Ảnh: Int)

Cây nhãn phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Sông Mã, cho năng suất và chất lượng vượt trội (Ảnh: Int)

Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh, xã đã chỉ đạo các bản hướng dẫn nhân dân lựa chọn cây trồng, huy động nguồn lực để cải tạo vườn tạp. Các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho hội viên, đoàn viên tham gia các lớp tập huấn, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng mô hình kinh tế.

Chỉ tính riêng năm 2022 vừa qua, nhân dân trong xã đã chuyển đổi 107 ha đất trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. Đến nay, toàn xã có trên 1.328 ha cây ăn quả các loại, trong đó, hơn 1.000 ha nhãn, sản lượng dự kiến đạt 8.500 tấn quả.

Bản Tre là một trong những bản có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả của xã Chiềng Cang. Cả bản có 119 hộ, cuộc sống của bà con có nhiều đổi thay. Các diện tích đất bạc màu dần được thay thế bằng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Chi bộ, Ban quản lý bản tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân dồn điền đổi thửa và được nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất trí cao. Đến nay, bản có 150 ha cây ăn quả các loại. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 25%.

Điển hình như hộ gia đình anh Lò Văn Miên, với diện tích cây ăn quả lên tới 5 ha. Nhờ trồng cây ăn quả, gia đình anh đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. “Gần 2 tháng nữa là đến vụ thu hoạch nhãn, xoài. Thời điểm này, tôi cũng như các hộ khác trong bản tập trung tỉa quả và bón phân cung cấp dinh dưỡng cho cây. Đồng thời, chăm sóc diện tích cam vừa cho thu hoạch xong. Năm 2022, gia đình thu lãi 250 triệu đồng từ cây ăn quả”, anh Miên phấn khởi nói.

Đáng chú ý, các hộ dân trong xã đã liên kết thành lập được 9 HTX trồng cây ăn quả, với tổng diện tích 330 ha. Trong đó, có 160 ha đạt tiêu chuẩn sản xuất VietGAP; có 4 HTX được cấp 9 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Australia, Mỹ, với diện tích là 89,5 ha nhãn. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp hữu cơ Trung Dung, bản Anh Trung, thành lập năm 2019 với 14 thành viên; chăm sóc 36 ha cây ăn quả các loại, trong đó 20 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. HTX đã vận động thành viên chuyển đổi trồng 15 ha nhãn chín sớm. Thu nhập bình quân đạt trên 300 triệu đồng/thành viên/năm. Hiện nay, HTX đang kết nối với một số bạn hàng đưa sản phẩm nhãn vào các siêu thị ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng và một số chợ đầu mối ở Hà Nội, Quảng Ninh.

“Trồng cây ăn quả cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng ngô, sắn. Những diện tích được đầu tư thâm canh cao, sử dụng giống mới và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP có thể đạt từ 200-500 triệu đồng/ha”, ông Nguyễn Hữu Dậu, thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Trung Dung chia sẻ .

Năm 2023, xã Chiềng Cang phấn đấu trồng mới 20 ha cây ăn quả các loại. UBND xã tập trung sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp. Vận động thành lập HTX để liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP, tìm đầu mối bao tiêu sản phẩm. Phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn xây dựng mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao... Đồng thời, chú trọng mở rộng diện tích cây quế, cây mắc ca, góp phần nâng cao tỷ lệ phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Thu “trái ngọt” nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật

Theo chia sẻ của Giám đốc Lường Văn Mười, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười hiện có 14 thành viên, canh tác 30 ha nhãn. Nhằm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, trong quá trình sản xuất, các thành viên HTX đã chuyển sang sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dạng sinh học và phân bón hữu cơ. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật trồng rải vụ cho quả chín sớm hoặc muộn hơn lịch thường kỳ nên giá trị, thu nhập tăng gấp nhiều lần so với trước đây.

Thương hiệu nhãn Sông Mã đã được nhiều người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biến đến (Ảnh: TL)

Gia đình Giám đốc Lường Văn Mười hiện đang áp dụng kỹ thuật rải vụ cho hơn 1 ha nhãn thành 4 lứa quả khác nhau, lứa thứ nhất bắt đầu thu hoạch đầu tháng 4, lứa thứ 2 thu vào cuối tháng 5, lứa thứ 3 ra quả tự nhiên theo mùa vụ thường kỳ, thu hoạch vào tháng 7 và lứa nhãn muộn thu vào tháng 9, 10.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao vượt trội, nhiều hộ dân áp dụng kỹ thuật hạ cành, tỉa tán, kích cho nhãn ra hoa sớm, ra hoa muộn để rải vụ. Cùng với đó, nhiều nông dân còn đầu tư hệ thống tới ẩm tự động, nâng cao năng suất, chất lượng cho quả nhãn. Theo thống kê, huyện Sông Mã hiện có 500 ha nhãn chín sớm. Bằng kỹ thuật rải vụ, nên nông dân không phải lo lắng nhiều về vấn đề tiêu thụ, thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua đến đó.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Sông Mã, toàn huyện hiện có hơn 7.500 ha cây nhãn, sản lượng đạt 60.000 tấn/năm. Trước đây, vụ thu hoạch nhãn chỉ kéo dài hơn một tháng, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu nên nông dân luôn bị ép giá thấp, trung bình 10.000 - 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật rải vụ, nông dân có thu nhập cao hơn rất nhiều. Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nhãn, huyện còn phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng chăm sóc cây nhãn, cách thức giúp cây nhãn ra quả trái vụ, chất lượng, bán với giá cao.

Thực hiện rải vụ đối với các loại nông sản là giải pháp làm giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm chính vụ, giúp nông dân có cơ hội bán các loại nông sản giá cao, ít cạnh tranh, tăng hiệu quả sản xuất, thuận lợi đẩy mạnh xuất khẩu, đáp ứng nông sản liên tục cho thị trường.

Sản xuất cây ăn quả rải vụ giúp nông dân có cơ hội bán các loại nông sản với giá cao, ít cạnh tranh, tích lũy nhiều kinh nghiệm và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu cung cấp nông sản liên tục cho thị trường. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các ngành chức năng cần quản lý chặt và hướng dẫn nông dân, các HTX thực hiện các giải pháp, quy trình kỹ thuật đảm bảo đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Lan Phương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/vuon-len-vung-chac-cung-cay-nhan-tren-dat-doc-song-ma-1092517.html