Vườn quốc gia Phước Bình lấy tuyên truyền làm trọng tâm bảo vệ đa dạng sinh học

Vườn quốc gia Phước Bình thường xuyên diễn ra hành vi khai thác, săn bắt động vật, thực vật trái phép. Vì vậy, tăng cường tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học được Vườn quốc gia Phước Bình chú trọng.

Vườn quốc gia Phước Bình (huyện Bắc Ái, Ninh Thuận) được hình thành năm 2006, thuộc phần cuối của dãy Trường Sơn Nam. Vườn đặc trưng vì trải dài từ vùng cao nguyên Lâm Đồng xuống vùng khô hạn Ninh Thuận. Diện tích gần 20.000 nhưng lại có nhiều hệ sinh thái khác nhau. Các loại động vật, thực vật đều đại diện cả vùng á nhiệt đới và nhiệt đới.

Hệ thực vật, Vườn có 1300 loài thực vật với 75 loài thực vật quý hiếm, 36 loài ghi trong Sách đỏ Việt Nam (Pơ Mu, cẩm lai, thông 5 lá, thông hai lá dẹt, hoàng đàn) và 58 loài trong Sách đỏ thế giới.

Vườn quốc gia Phước Bình còn có hệ động thực vật đa dạng với 327 loài, trong đó có 50 loài trong sách đỏ Việt Nam, 29 loài nằm trong Sách đỏ của thế giới, nhiều loài thú, chim, bò sát quý hiếm như gấu chó, báo lửa, bò rừng, chà vá chân đen, chà vá chân sám… Đây là nơi cư trú của nhiều động vật bộ linh trưởng như khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, khỉ mặt vàng, cu li lớn, cu li nhỏ. Nhiều sinh cảnh quan trọng quý hiếm cho nghiên cứu khoa học. Vườn quốc gia Phước Bình được đánh giá là nơi cư ngụ của nhiều thú lớn như bò rừng, nai.

Tăng cường tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh: Phương Anh.

Với hệ sinh vật đa dạng, tình trạng lâm tặc xâm hại rừng diễn ra phổ biến. Lực lượng bảo vệ rừng rất vất vả trước tình trạng khai thác gỗ trộm, săn bắt động vật hoang dã trái phép. Nhiều năm trở lại đây, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình đã thường xuyên tổ chức tuần tra để chống lại các hiện tượng khai thác trái phép. Hàng năm, Vườn đều tiến hành điều tra, khảo sát các loài động, thực vật đánh giá có sự tác động của con người hay không.

Nhằm đẩy mạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống tội phạm đa dạng sinh học, Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường Rừng, Vườn quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, chính sách pháp luật về Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học.

Các hoạt động tuyên truyền cho trẻ em là học sinh, sinh viên nhằm truyền đạt cho các em học sinh về tầm quan trọng của việc bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học, tẩy chay lên án các hành động mua bán, khai thác trái phép lâm sản bao gồm cả động vật và thực vật.

Cũng trong dịp Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 2023, các cán bộ của Vườn quốc gia đã tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp cho người dân sinh sống tại 03 thôn nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Phước Bình: Hành Rạc 1, Bố Lang, Gia É. Việc tuyên truyền trực tiếp, hướng dẫn cách nhận biết các loài động thực vật quý hiếm, động và thực vật trong Sách Đỏ của Việt Nam và trên thế giới giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học.

Ngoài ra, Vườn quốc gia Phước Bình cũng hướng dẫn, tư vấn người dân các biện pháp bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên tự nhiên một cách bền vững, từ đó góp phần vào công cuộc bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học trong khu vực.

Nhằm thực hiện chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh, trong đó tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, các tổ chức, cơ quan về chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn hệ sinh thái, hệ động vật, thực vật, nguồn gen...

Theo kế hoạch, UBND tỉnh giao Công an tỉnh Ninh Thuận lồng ghép trong các đợt mở cao điểm đấu tranh, trấn áp tội phạm nói chung, để tăng cường đấu tranh phòng, chống đối với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong bảo vệ đa dạng sinh học: Khai thác, mua bán, tiêu thụ, vận chuyển, nuôi, trồng các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và quản lý nguồn gen. Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm, triệt để các vụ án, đường dây tổ chức tội phạm liên tỉnh tác động xấu đến đa dạng sinh học. Khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học, nhất là hành vi mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ, săn bắt, bẫy động vật hoang dã, đồng thời công khai thông tin về kết quả xử lý tăng tính răn đe cho cộng đồng.

Phương Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vqg-phuoc-binh-lay-tuyen-truyen-lam-trong-tam-bao-ve-da-dang-sinh-hoc-2222154.html