Vươn tới cuộc sống ấm no

Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, quan tâm giới thiệu hội viên vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm, giúp kinh tế gia đình ngày thêm khởi sắc. Qua đó, chị em từng bước vươn lên làm chủ cuộc sống, phát huy bình đẳng giới trong gia đình, xã hội.

Phụ nữ phường Thường Thạnh tham gia học nghề nấu ăn.

Chúng tôi đến nhà lúc chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, ở khu vực Thạnh Thắng, đang may gia công giỏ du lịch. Trúc chia sẻ, chị nhận ráp hàng gần 3 năm nay và mỗi ngày may trên 10 giỏ, thu nhập khoảng 100.000 đồng. “Công việc này giúp tôi có điều kiện chăm sóc ông bà ngoại già yếu và phụ chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. Tôi dự định rèn thêm tay nghề để sắp tới nhờ các cô trong Hội giới thiệu làm công nhân may, ổn định cuộc sống sau này” - chị Trúc nói.

Chị Thanh Trúc là thành viên Tổ may giỏ khu vực Thạnh Thắng gồm 25 chị, hoạt động năm 2017. Các thành viên tự liên hệ cơ sở sản xuất nhận nguyên liệu để may, giao thành phẩm, thỏa thuận giá cả. Chị Phạm Thị Ánh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ (CHPN) khu vực, cho biết: “Nghề này duy trì lâu nay, giúp nhiều phụ nữ trung niên thêm thu nhập lúc nhàn rỗi”. Với nghề may gia công cùng vốn vay ưu đãi, chị Nguyễn Thị Nhiều, hội viên nghèo, có điều kiện chăm lo hai con học hành, sửa chữa nhà, sắm máy may công nghiệp để tăng năng suất, thêm thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Theo chị Phạm Thị Ánh, với 110 hội viên tham gia sinh hoạt, Chi hội duy trì hoạt động tổ hùn vốn có 60 thành viên. Mỗi tháng họp tổ 3 lần, góp vốn 12 triệu đồng/lần (200.000 đồng/chị), giúp 1 chị vay để giải quyết khó khăn tạm thời, đột xuất. Nhờ vậy, các chị có thể mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình hay phục vụ sản xuất. Qua đó, thể hiện tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tương trợ, giúp nhau vượt khó. Chi hội có Tổ tiết kiệm và vay vốn với 55 thành viên, vay trên 1,788 tỉ đồng vốn ưu đãi để cải tạo vườn trồng chanh không hạt, mít Thái. Chị Ánh vay 30 triệu đồng trồng 3 công chanh không hạt. Sau 3 năm, chị bán trái hằng tháng, thu nhập trên 30 triệu đồng/năm. Hiện CHPN khu vực Thạnh Thắng không có hội viên nghèo, chỉ còn 4 hội viên cận nghèo.

Chị Trần Thị Ý Như, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Thường Thạnh, cho biết, 11 CHPN khu vực trong phường hoạt động đều tay. Trong đó, nổi bật là hoạt động hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm. Hiện phường có 18 nhóm phụ nữ tiết kiệm, huy động 1,450 tỉ đồng, giúp 265 lượt chị vay; 5 tổ hùn vốn, số tiền 175,95 triệu đồng, giúp 93 chị vay xoay vòng. Song song đó, Hội giới thiệu 570 chị vay trên 17 tỉ đồng vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, mua bán nhỏ. Qua đó, các Chi hội nỗ lực duy trì những mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế, như: trồng chanh không hạt (khu vực Thạnh Lợi), trồng mít Thái (khu vực Thạnh Hòa), đan giỏ dây nhựa (khu vực Yên Thạnh)…

Năm qua, bên cạnh quan tâm tư vấn, giới thiệu 117 chị làm việc tại các công ty, cơ sở trong thành phố, mức lương từ 3,5-4 triệu đồng/tháng, Hội LHPN phường phối hợp mở lớp nghề nấu ăn theo nhu cầu của 30 chị, với kết quả thi kiểm tra tay nghề cuối khóa cả lớp đạt loại Giỏi. Các chị tự mở quán bình dân hay làm phụ bếp các tiệm ăn, dịch vụ nấu ăn lưu động. Chị Trần Thị Kim Màu, khu vực Thạnh Phú, cho biết: “Tham gia lớp nghề, tôi được hướng dẫn kỹ thuật nấu ăn bài bản, cân đối thực phẩm đủ dinh dưỡng; bày bàn tiệc, giao tiếp, ứng xử... Qua đó, tôi phụ giúp mẹ chồng phát triển dịch vụ nấu ăn lưu động”.

Khi ổn định việc làm, thu nhập, đời sống ngày càng khởi sắc, chị em tích cực hưởng ứng phong trào Hội, địa phương, như: mô hình “Heo đất tiết kiệm”, “Địa chỉ tin cậy”, Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng phường văn minh đô thị, tham gia bảo hiểm y tế... Thời gian tới, cùng với tăng cường giới thiệu chị em vay vốn ưu đãi để sản xuất, mua bán, Hội LHPN phường Thường Thạnh phối hợp mở lớp nghề gắn với việc làm tại chỗ; giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp… Qua đó, giúp kinh tế gia đình hội viên ngày thêm phát triển, hướng đến cuộc sống ấm no, sung túc.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/vuon-toi-cuoc-song-am-no-a118442.html