Vướng chính sách, nhà đầu tư kiến nghị đưa vào Luật PPP để 'khai thông' các dự án

Một số nhà đầu tư cho rằng, thực tế hiện nay cho thấy sẽ rất khó để triển khai các dự án PPP trong thời gian tới khi còn nhiều bất cập về chính sách. Luật PPP được kỳ vọng sẽ khắc phục được những khó khăn cho nhà đầu tư.

Tại Hội nghị tham vấn các doanh nghiệp, chuyên gia về một số nội dung chính sách tại Luật PPP, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 12/4/2019, ông Nguyễn Đức Trung - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, đã có 336 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), chủ yếu trong các lĩnh vực: Giao thông (220 dự án), năng lượng (18 dự án), cấp nước, xử lý nước thải, chất thải (18 dự án). Trong đó, chiếm phần lớn vẫn là dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với 188, BOT (xây dựng- kinh doanh - chuyển giao) là 140 dự án và một số dự án khác.

Theo Thứ trưởng Trung, bên cạnh những mặt tích cực mà các dự án mang lại, thực tế cho thấy vẫn còn có những hạn chế. Trong đó, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt là phát triển hệ thống đường cao tốc Việt Nam.

Tại hội nghị tham vấn

Những tồn tại, hạn chế này đặc biệt liên quan tới chính sách, đòi hòi phải xây dựng Luật PPP, để PPP đi vào hiệu quả và đảm bảo khung pháp lý tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung nêu.

Tổng hợp và nêu 9 nhóm vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện dự án PPP, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT) cho biết, thứ nhất là chưa có định hướng, chiến lược dài hạn, rõ ràng và thống nhất về PPP.

Thứ hai là việc nhận thức chưa đúng về PPP, “làm PPP chỉ vì “thiếu tiền”, còn tư tưởng nóng vội trong triển khai; Nhà nước chưa chủ động chuẩn bị dự án”, ông Trương nêu.

Pháp lý về PPP cũng chưa đầy đủ, rõ ràng và ổn định; thiếu cơ chế hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh mạnh mẽ từ phía của nhà nước, còn vướng một số pháp luật liên quan. Thiếu nguồn lực và công cụ tài chính để thực hiện dự án (chuẩn bị, tham gia, đầu tư và dự phòng cho bảo lãnh).

Trong quá trình thực hiện dự án PPP còn chưa đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh (chủ yếu vẫn áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư), hệ số tín nhiệm thị trường thấp, chưa tạo lòng tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài.

Các đối tác trong nước trực tiếp liên quan (nhà đầu tư, ngân hàng thương mại, đơn vị tư vấn) chưa có nhiều kinh nghiệm, năng lực tài chính chưa đủ mạnh. Cơ chế phối hợp, hỗ trợ liên ngành chưa kịp thời, hiệu quả.

“Chồng lấn về phạm vi triển khai PPP với các dự án “xã hội hóa” đầu tư (trong y tế, giáo dục, môi trường) hay các dự án đầu tư tư nhân nhưng có sự hỗ trợ, cam kết từ phía Nhà nước (dự án điện độc lập, cấp nước sách, xử lý rác thải…)”, ông Trương nói.

“Nhà nước áp đặt cách thức quản lý nên cản trở PPP rất nhiều”

Nêu những vướng mắc về cơ chế góp vốn, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về quy chế quản lý, sử dụng vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP. Trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền đang áp dụng cơ chế kiểm soát, quản lý nguồn vốn đầu tư tại các dự án này như đối với quản lý đầu tư công. Thực tế này đã gây không ít khó khăn cho nhà đầu tư trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư của mình, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị: Cơ quan nhà nước cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước tham gia trong các dự án PPP trên cơ sở đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu quản lý nhà nước đối với dự án và đảm bảo quyền chủ động của nhà đầu tư trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư vào các dự án PPP.

PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng

Góp ý một số nội dung cho Luật PPP, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nêu, chính những công trình PPP vừa qua đã thành công và đã xóa đi được căn bệnh “nan y” của ngành xây dựng Việt Nam, đó là kéo dài thời gian vô thời hạn, giá tăng vượt mức, chất lượng công trình làm xong thì lo lắng.

“Chúng tôi cũng đã tổng kết rất nhiều công trình làm vượt sớm hơn về tiến độ; giá thành thấp hơn tổng mức đầu tư ban đầu…”, GS. Chủng nói và nêu ví dụ: Nhiều dự án đầu tư gần đây chất lượng khá yên tâm, như dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; dự án Đèo Cả (hoàn thành sớm hơn 4 tháng và tổng mức đầu tư từ 15 nghìn tỷ đồng xuống còn 11 nghìn tỷ đồng).

GS. Chủng cũng chỉ rõ nguồn vồn đầu tư PPP phần lớn của các nhà đầu tư nhưng nhà nước lại đang coi như nguồn vốn của mình, áp đặt cách thức quản lý của nhà nước nên cản trở PPP rất nhiều.

GS Chủng đề xuất: "Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng với nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP nhưng có nhiều nội dung không rõ ràng, thậm chí không bình đẳng. Trong điều khoản, nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro, trong khi nhà nước lại rất nhiều quyền lực, chịu ít rủi ro. Trong Dự án luật PPP này, tôi kiến nghị vấn đề hợp đồng phải được thảo luận kỹ để làm thế nào cơ quan nhà nước là đối tác, ký hợp đồng hợp tác với nhà đầu tư chứ không phải trở thành người quản lý".

Làm rõ trách nhiệm của tỉnh khi giải ngân vốn ngân sách chậm hoặc làm mất vốn

Thời gian qua, khi địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phát huy tính chủ động trong việc triển khai đồng bộ với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tháo gỡ các khó khăn vướng mắc từ khâu xác định giá vật liệu, lãi vay, kiểm soát an ninh thu phí của dự án…

Nêu thực tế, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, khi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận gặp nhiều khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về UBND tỉnh Tiền Giang với kỳ vọng Tiền Giang sẽ tích cực chủ động xử lý các vấn đề vướng mắc nhằm sớm hoàn thành dự án, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long.

Tuy nhiên, đã có những vướng mắc khi chính sách tới cấp tỉnh. Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, dự án Trung Lương - Mỹ thuận được Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo giải quyết cụ thể, đồng thời hỗ trợ cả ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, việc thực hiện tại địa phương lại thiếu quyết liệt và không cụ thể.

“Các yêu cầu hỗ trợ của nhà đầu tư hiện nay để kịp đưa dự án vào cuộc đã không được địa phương giải quyết cụ thể, thường đùn đẩy, hứa hẹn xem xét nhưng không chốt được thời gian, tình trạng “xôi đỗ” của việc giải phóng mặt bằng, giá vật liệu cát tại địa phương chưa được xác định…sẽ dẫn đến việc nhà đầu tư không có cơ sở cam kết thông tuyến dự án vào cuối năm 2020”, đại diện Tập đoàn Đèo Cả nói.

Ông Hồ Minh Hoàng Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả

Theo ông Hồ Minh Hoàng, cần làm rõ trách nhiệm của tỉnh, các cơ quan liên quan khi giải ngân phần vốn ngân sách chậm hoặc làm mất vốn, cần bổ sung điều khoản xử lý vi phạm tại hợp đồng điều chỉnh dự án và lấy ý kiến kiểm toán độc lập để làm cơ sở chế tài xử lý vi phạm năng lực của bên A khi chậm trễ giải ngân gây ra thất thoát tiền của nhà nước và gây tổn thất cho dự án như bên B (Ví dụ như Công ty CP ĐT Đèo cả cũng đã bị Bộ KHĐT xử phạt trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án vì lý do chậm báo các các hạng mục bổ sung …).

Kiến nghị đối với các dự án PPP đã triển khai, đã chuyển giao vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tổ chức giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư đặc biệt khi phần vốn đã được phân bổ hỗ trợ cho dự án mà tỉnh sẽ tiếp quản giải ngân, qua đó sẽ xác định trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đảm bảo thủ tục đầu tư, thực hiện giải ngân tránh gây thất thoát lãng phí khi nguồn vốn nhà nước đang hạn hẹp.

Cần có giải pháp bình ổn lãi suất trong thực hiện hợp đồng PPP

Thảo luận về nhóm nội dung chính sách về sự tham gia của bên cho vay, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, mức lãi suất cho vay của các Ngân hàng ở Việt Nam cao hơn rất nhiều so với mặt bằng thế giới. Trong quá trình triển khai dự án, các Ngân hàng thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất, nhưng hợp đồng dự án không được điều chỉnh, do đó cần có giải pháp bình ổn lãi suất đảm bảo việc thực hiện hợp đồng.

Nêu cụ thể, ông Hồ Minh Hoàng cho biết, mặc dù cùng một Ngân hàng đầu mối nhưng với từng dự án lại có các chính sách cho vay khác nhau. Điển hình như dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, mặc dù đã ký hợp đồng tín dụng nhưng Ngân hàng đặt ra hàng loạt điều kiện giải ngân khó khăn không thể thực hiện được khiến dự án không có nguồn vốn và chậm tiến độ.

Đại diện Tập đoàn Đèo cả kiến nghị: Cần có ý kiến tham gia cụ thể của Ngân hàng cho vay từ bước nghiên cứu khả thi của dự án, đặc biệt đối với các dự án đã được Chính phủ hoặc Quốc hội đã có ý kiến cần xác định cụ thể quyền lợi và trách nhiệm cụ thể của Ngân hàng tài trợ, cần xác định việc kinh doanh gắn liền với trách nhiệm chia sẻ khó khăn từ nguồn vốn đầu tư các dự án PPP hiện nay và đồng hành xử lý các cơ chế bất cập đang là rào cản cho hoạt đầu tư hạ tầng.

Tiến Vinh

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/kinh-te/201904/vuong-chinh-sach-nha-dau-tu-kien-nghi-dua-vao-luat-ppp-de-khai-thong-cac-du-an-631244/