Vướng đủ đường, nông sản bí lối ra

TP.HCM là đầu mối lưu thông lượng lớn thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu, nhưng khả năng đáp ứng nông sản do thành phố tự nuôi trồng còn hạn chế. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh trên chính sân nhà đang đặt ra các yêu cầu cấp thiết.

Gặp khó trên sân nhà

TP.HCM là nơi tập trung đông đảo người dân và lực lượng lao động ngoại tỉnh. Thế nhưng, theo đánh giá của Sở Công Thương TP.HCM, phần lớn người dân còn quan tâm đến thực phẩm giá thấp và được cung cấp bởi những người buôn bán tại các chợ tự phát.

Các sản phẩm nông nghiệp an toàn luôn được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: N.V

Theo Sở Công Thương TP.HCM, mỗi năm TP.HCM tiêu thụ khoảng 825.000 tấn gạo, 330.000 tấn thịt các loại, gần 1 tỷ quả trứng gà, vịt; gần 2 triệu tấn rau củ quả các loại, 450.000 tấn thủy hải sản... Tuy nhiên, nguồn nông sản do thành phố tự nuôi trồng còn hạn chế. Việc kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối còn nhiều khó khăn khi những sản phẩm có thế mạnh vẫn chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn... để tham gia cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại.

Ông Huỳnh Công Năm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho rằng, vẫn còn tình trạng vì lợi nhuận nên sản xuất chế biến các sản phẩm, thực phẩm không đảm bảo, bất chấp tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. “Nông dân thành phố đang đối diện nhiều thách thức cạnh tranh, sản lượng tiêu thụ không ổn định, giá bán thường biến động, giá bán sản phẩm sạch không khác sản phẩm rau thông thường” - ông Năm nói.

Việc thâm nhập vào các kênh phân phối siêu thị còn hạn chế, thậm chí có tình trạng rau bán cho siêu thị nước ngoài thì được mà vào Co.opMart thì vẫn “vướng” nhiều vấn đề. HTX Sản xuất dịch vụ Nông nghiệp Tân Đức là một ví dụ.

Cụ thể, ông Ngô Văn Đức - Giám đốc HTX này kể, sản phẩm rau mầm của mình có mặt thường xuyên trên kệ hàng của siêu thị Aeon (Nhật Bản), nhưng khi “chào hàng” vào Co.opMart thì rất khó. “Họ cứ yêu cầu phải có thêm chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm trong khi rau VietGAP của chúng tôi đã đáp ứng được tiêu chí này” - ông Đức phân trần.

Ông Võ Thành Dũng - Phó Giám đốc HTX Trường Thịnh (quận Bình Tân) cho biết, sản phẩm của ông sản xuất theo hướng hữu cơ. Tuy nhiên trong thời gian chờ đợi được cấp chứng nhận, các cơ sở phân phối yêu cầu ông Dũng phải có chứng nhận… VietGAP !

Cần xem lại chuỗi phân phối?

Nhiều ý kiến rằng, nông sản TP.HCM dù có nhiều điểm mạnh nhưng vẫn không thể sánh với rau ôn đới Đà Lạt; heo, gà thì khó bì với Đồng Nai, Bình Dương về cả lượng và chất; chi phí lao động cũng không rẻ bằng các tỉnh… Do đó, việc cạnh tranh khá gay gắt. Ông Nguyễn Nguyên Phương - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương TP.HCM) cho rằng, việc không chỉ cạnh tranh với hàng xuất khẩu mà còn cạnh tranh với các tỉnh bạn cũng khiến nông sản TP.HCM đối mặt thêm nhiều bất lợi. Trong khi đó, trên thực tế, sản xuất và tiêu thụ nông sản tại TP.HCM vẫn còn nhiều điểm mâu thuẫn.

Ví dụ như mới đây, hệ thống Saigon Co.op đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hữu cơ organic, tuy nhiên ở TP.HCM đâu dễ tìm ra đất 3 năm liền không sử dụng hóa chất để sản xuất hữu cơ. Hay như nhiều HTX chăn nuôi lợn vì phải thu gom từ nhiều nông hộ nên không đáp ứng được yêu cầu phải có hóa đơn của siêu thị…

Còn theo ông Dũng, cần giúp thêm các đơn vị sản xuất nông nghiệp ở TP.HCM có điều kiện phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu của đơn vị tiêu thụ, phân phối, như giao thuê đất nông nghiệp phải ổn định, lâu dài. Có như vậy, nông dân mới an tâm đầu tư.

Ngoài ra, cần có hình thức phân phối tiện lợi theo chuỗi giá trị khép kín. Ví dụ như ở Hàn Quốc có trung tâm phân phối nông sản, nông dân sản xuất ra chỉ việc đem sản phẩm tập trung đến đây, trung tâm sẽ chịu trách nhiệm phân phối. Tiền lương của mạng lưới trung tâm phân phối nông sản này do chính nông dân trích vốn ra chi trả, khác với mô hình chợ đầu mối của TP.HCM hiện nay, là chỉ do Ban quản lý chợ tổ chức.

Ông Phạm Văn Khưng - Chủ trang trại Tư Khưng (huyện Củ Chi):

Sản xuất – tiêu thụ vẫn còn “lạc nhịp”

Ngành hàng nông sản thực phẩm sản xuất trong nước tuy đã thay đổi nhiều theo chuẩn VietGAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tuy nhiên thị trường tiêu thụ và hoạt động sản xuất chưa đồng bộ, chưa “khớp” với nhau. Những vụ ngộ độc thực phẩm vẫn còn diễn ra hàng ngày khiến người tiêu dùng chưa thật sự an tâm và luôn đặt ra câu hỏi cho việc lựa chọn mặt hàng sản xuất trong nước: đâu mới là sản phẩm sạch, an toàn và mua ở đâu… 
Người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn hàng ngoại mà ít chú ý đến sản xuất trong nước dù giá cả có thể rẻ hơn 50% so hàng ngoại nhập.

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM: 

Nông dân phải tự cứu mình!

Nhiều ý kiến cho rằng người tiêu dùng đang quay lưng với nông sản Việt, tuy nhiên, phải chấp nhận một thực tế là có cung thì có cầu. Mình không trồng được lê, táo, nho… thì việc nhập khẩu là bình thường. Vấn đề là phương thức sản xuất của chúng ta phải làm sao để người dùng không quay lưng.
Để tránh vòng luẩn quẩn giải cứu nông sản, nông dân phải tự cứu mình trước bằng cách thay đổi nhận thức sản xuất sạch và sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Đừng nghĩ mình chỉ bán chứ không ăn rau quả phun thuốc do mình trồng thì không sao. Biết đâu chính con em mình học ở trường đó, làm ở xí nghiệp đó ăn chính sản phẩm do mình làm ra!

Nguyên Vỹ (ghi)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/vuong-du-duong-nong-san-bi-loi-ra-796529.html