'Vương khuyển' ở Phú Quốc

Từ xa xưa, chó Phú Quốc đã được coi là 'vương khuyển' bởi hình dáng đẹp, khôn, dũng mãnh, trung thành của nó. Và trong lịch sử đã từng có 4 con chó Phú Quốc được vua Gia Long sắc phong.

Các du khách tham quan một cuộc đua chó Phú Quốc tại trang trại nuôi chó Thanh Nga. Ảnh: Lạc Âu Thành

Các du khách tham quan một cuộc đua chó Phú Quốc tại trang trại nuôi chó Thanh Nga. Ảnh: Lạc Âu Thành

Từ được sắc phong đến “gia nhập” quân đội

Theo sách Nguyễn Phúc tộc đế phả tường giải đồ, vua Gia Long nuôi 4 con chó Phú Quốc (2 đực, 2 cái). Bốn con chó này đã theo ông trong suốt những năm bôn tẩu, từ miền biển lên miền núi, từ nơi bình an đến chốn hiểm nghèo. Và 2 lần chúng đã giải vây, cứu ông thoát khỏi sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Sau khi lên ngôi, trong dịp bình công phong thưởng cho tướng sĩ, vua Gia Long đã sắc phong cho 4 con chó Phú Quốc mà ông đã nuôi danh hiệu: “Cứu khổn phò nguy Tá quốc huân thần Thần khuyển đại tướng quân”. Sau khi 4 con chó qua đời, ông đã cho an táng và lập miếu thờ.

Cũng theo cuốn sách trên, không chỉ vua Gia Long nuôi chó Phú Quốc để phò tá mình, mà quân đội nhà Nguyễn còn dùng chó Phú Quốc làm quân khuyển, vô cùng lợi hại. Vì chó Phú Quốc có những điểm ưu việt mà các giống chó khác không có như: Khi xác định được lãnh địa thì chúng hoàn toàn làm chủ lãnh địa của mình. Nghĩa là chúng không sợ bất cứ kẻ thù nào, kể cả cọp, beo. Chúng lại có khả năng tuân thủ mệnh lệnh một cách chính xác mà không tốn nhiều công huấn luyện. Trong điều kiện chiến đấu bằng giáo mác, cung tên và súng ống thô sơ, chó Phú Quốc có thể hỗ trợ, phối hợp với chủ trong tấn công đối phương và phòng thủ bảo vệ chủ, đặc biệt hữu hiệu trong phục kích và đoạn hậu.

Chó Phú Quốc có thể phát hiện nơi nào “đất lành”, nơi nào “đất dữ” và khả năng phát hiện bệnh tật của chủ, tìm cây lá thuốc về cho chủ ăn để chữa bệnh. Đây còn là giống chó săn tài ba, có khả năng truy tìm đến cùng dấu vết con mồi và rất ít khi bỏ cuộc... Từ ngày xưa, những khả năng nói trên của chó Phú Quốc được cha ông ta phát hiện, khai thác và phát huy. Ngày nay, chó Phú Quốc đang dần trở thành “thương hiệu” đặc biệt cho đảo Ngọc thân yêu.

Phát triển thương hiệu chó Phú Quốc

Cho đến bây giờ, người ta vẫn chưa xác định được nguồn gốc chính xác của loài chó xoáy Phú Quốc. Người dân bản địa cho rằng, loài chó này đã xuất hiện cách đây hàng nghìn năm. Theo những cư dân bản địa ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), loài chó Phú Quốc thuần chủng có vòng xoáy trên lưng với bốn màu cơ bản: Đốm, đen, vàng và vện, đầu nhỏ, cổ dài, mõm dài, tai dài, mỏng và có những chấm trên lưỡi, biết đào hang để đẻ và có biệt tài săn thú, bơi dưới nước giỏi như rái cá nhờ chân có màng như chân vịt và bộ lông mượt sát (1–2cm) nên khi ướt, chó Phú Quốc chỉ cần lắc mình vài lượt là nước bắn đi hết, lông sẽ nhanh khô.

Trước nguy cơ bị lai tạp và thoái hóa nguồn gen tốt, đã có nhiều người dân ở Phú Quốc nói riêng và trên cả nước nói chung đang dành tâm huyết, nỗ lực trong việc bảo tồn và phát triển thương hiệu của giống chó này.

Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: “Ông Tuấn không chỉ góp phần thiết thực bảo tồn chó Phú Quốc, mà còn tạo thêm điểm đến hấp dẫn cho du khách đến với đảo Ngọc. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Kiên Giang thành lập một trung tâm bảo tồn giống chó Phú Quốc để bảo tồn và phát triển những gen chó Phú Quốc tốt. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy thêm một “thương hiệu” đặc biệt nữa của đảo Ngọc để thu hút du khách đến với Phú Quốc”.

Năm 2000, ông Lê Quốc Tuấn (51 tuổi, quê ở huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) đã bán đất, cầm cố nhà để mở trang trại chó Thanh Nga tại ấp Cây Thông Ngoài, xã Cửa Dương (Phú Quốc) với diện tích 8.000m2. Trang trại của ông hiện đang nuôi dưỡng, bảo tồn gần 200 con chó Phú Quốc. Khuôn viên trang trại được thiết kế theo dòng đời là sinh - lão - bệnh - tử, gồm: Khu hoang dã, khu chuồng giống, khu sinh sản, khu huấn luyện, khu biểu diễn leo vượt rào, trường đua, nhà nấu ăn, khu điều dưỡng, trị bệnh và khu nghĩa trang cho chó.

Đến tháng 5-2016, ông Tuấn đưa vào hoạt động khu bảo tồn chó Phú Quốc thứ hai, với tổng diện tích 4,8ha tại Tiểu khu 77, ấp Suối Mây, xã Dương Tơ. Theo ông Tuấn, từ khi mở cửa đến nay, trang trại chó Thanh Nga trên đảo Phú Quốc đã đón hơn vạn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu và mua, nhân giống. Ông kể, có một người khách ở thành phố Hồ Chí Minh, khi ra Phú Quốc chơi đã tìm mua bằng được một con chó Phú Quốc thuần chủng. Nhưng khi ra sân bay thì chú chó này bị từ chối vận chuyển. Vì quá yêu thích giống chó Phú Quốc nên ông đã bỏ vé máy bay, chuyển qua đi tàu thủy vào Rạch Giá rồi bắt xe khách về thành phố Hồ Chí Minh. “Tôi rất hạnh phúc vì đam mê của mình được truyền cho nhiều người”, ông Lê Quốc Tuấn chia sẻ.

Lạc Âu Thành

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vuong-khuyen-o-phu-quoc/