Vướng lao lý vì lệnh miệng: Để tránh bài học đau xót

Ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh, tập trung, dân chủ chính là kim chỉ nam để giữ cho các cá nhân, tập thể không sai phạm.

Tại phiên tòa xét xử các cựu quan chức Đà Nẵng liên quan đến sai phạm đất đai hay vụ MobiFone mua AVG, nhiều cán bộ khai họ buộc phải làm theo chỉ đạo của lãnh đạo, không có lợi ích gì nhưng vẫn lãnh trách nhiệm hình sự.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định, một bài học xương máu được rút ra từ những đại án này đó là không thể ra lệnh miệng được.

Phân tích cụ thể, ông Vũ Quốc Hùng cho hay, đã có nguyên tắc "tập trung, dân chủ" và phải thực hiện cho thật nghiêm chỉnh. Theo đó, mọi việc phải bàn bạc, hỏi ý kiến trước khi người có trách nhiệm ký.

Trong biên bản đã nêu rõ là đã thảo luận như thế nào, không thể có kiểu cấp trên lại hạ lệnh cho cấp dưới ký, cấp dưới cũng nhắm mắt ký, đó là vi phạm nguyên tắc "tập trung, dân chủ" nghiêm trọng. Nguyên tắc "tập trung, dân chủ" chính là kim chỉ nam để giữ cho các tổ chức, cá nhân không sai phạm.

Về mặt quản lý nhà nước cũng không thể có kiểu ra lệnh miệng, tất cả mọi việc phải giấy trắng mực đen.

Hai cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn tại tòa

Hai cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn tại tòa

"Lệnh miệng sai luật, khi bị truy cứu thì giấy trắng mực đen, ai ký người đó phải chịu trách nhiệm, nhưng như vậy cũng phải xem xét cả trách nhiệm của người ra lệnh.

Tới đây không thể tiếp tục quản lý theo kiểu ấy được. Còn đối với các vụ việc, người ký đương nhiên không thể thoát, nhưng phải tiếp tục xem xét những người đã ra lệnh sai luật một cách khách quan, trung thực. Vấn đề là làm thế nào để các cơ quan có thẩm quyền đồng tình và thực hiện cho tốt", ông Vũ Quốc Hùng nói.

Cũng theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trương ương, trong thời đại công nghệ 4.0 có thể có nhiều biện pháp để mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động tự bảo vệ mình trước những lệnh miệng sai luật, thế nhưng không phải vì thế mà không có rủi ro bởi người ta không dùng giấy trắng mực đen nữa.

"Quan trọng là phải thực hiện một cách nghiêm ngặt các nguyên tắc quản lý nhà nước và nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, mà nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng là nguyên tắc "tập trung, dân chủ" - mọi việc đều phải bàn bạc tập thể trước khi đi đến một quyết định và ý kiến tập thể phải được ghi vào biên bản rõ ràng, người đứng đầu ký vào văn bản ấy để thành chủ trương. Việc thực hiện chủ trương phải rõ ràng: cá nhân nào phụ trách, ở lĩnh vực nào...

Khi cần xem xét thì rõ ngay: nghị quyết ấy người chủ trì đã ký, phải chịu trách nhiệm chính, không thể mù mờ", ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh.

Về mặt Nhà nước, theo ông, đã có các quy phạm pháp luật nhưng chúng chưa được thực hiện đầy đủ thì phải xem lại. Có như vậy mới không tái diễn những chuyện đau xót như vừa qua: đổ vấy cho nhau, người chủ mưu hay chịu trách nhiệm lại thoát.

"Thời gian qua nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra: có những cán bộ lãnh đạo hôm trước còn rao giảng đạo lý làm người, hôm sau đã đứng trước vành móng ngựa. Pháp luật không thiên vị một ai, vì thế, từ những vụ việc này phải rút ra bài học đáng suy nghĩ, trên cơ sở đó bổ sung hệ thống pháp luật nếu chỗ nào có sơ hở.

Phải có một quá trình lựa chọn cán bộ. Trước tiên phải trong sạch, năng lực đến đâu thì phải tiếp tục học tập, nghe dân thì sẽ có năng lực.

Cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đã có từ lâu nhưng đó không phải chỉ là khẩu hiệu mà phải đưa vào chương trình hoạt động trước khi ra một chủ trương, đường lối, chính sách của tất cả các cấp.

Tin dân, dựa dân, nghe dân, dân là sức mạnh chính là quy luật và có tuân theo quy luật ấy thì chính trị mới bền vững, kinh tế, xã hội mới phát triển", nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương phân tích.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/vuong-lao-ly-vi-lenh-mieng-de-tranh-bai-hoc-dau-xot-3394965/