Vướng loạt sự cố, 'biểu tượng của nước Mỹ' ngày càng thất thế

Loạt sự cố liên tiếp xảy ra khiến nhà sản xuất máy bay hàng đầu nước Mỹ đang ngày càng tụt hậu so với đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình ở châu Âu, Airbus.

Sau khi giá cổ phiếu giảm 29% từ đầu năm đến nay, định giá thị trường của Boeing hiện ở khoảng cách thấp kỷ lục so với Airbus.

Với mức vốn hóa 112 tỷ USD, công ty Mỹ đang gặp khó khăn này hiện có giá trị thấp hơn 24 tỷ USD so với Airbus, tại thời điểm thị trường đóng cửa vào ngày 12/3.

Số lượng máy bay được giao của Boeing ít hơn nhiều so với Airbus vào tháng 2.

Khoảng cách này cho thấy vận may dường như là điều quá xa xỉ với Boeing ở thời điểm hiện tại. Một loạt vụ tai nạn và rủi ro trong năm nay đã khiến các hãng hàng không phải suy nghĩ lại về kế hoạch mở rộng của mình.

Vốn hóa Boeing luôn lớn hơn Airbus kể từ khi Airbus lên sàn chứng khoán vào tháng 7/2000. Tuy nhiên, điều đó đã đảo chiều vào giữa năm 2022, sau triển vọng đặc biệt đáng thất vọng từ nhà sản xuất máy bay Mỹ.

Ngày càng nhiều hãng hàng không lựa chọn Airbus thay vì Boeing. Giám đốc điều hành United Airlines Holdings, ông Scott Kirby, mới đây cho biết ông đang tìm kiếm một thỏa thuận với Airbus cho chiếc A321 của họ. Delta Air Lines cũng vừa mua thêm 30 chiếc máy bay này từ Airbus.

Nhà phân tích Kenneth Herbert của RBC Capital Markets cho biết: “Airbus có thể sẵn sàng giành thêm thị phần từ Boeing, đặc biệt nếu họ gây thêm áp lực cho khách hàng của Boeing”.

Số lượng máy bay được giao của Boeing ít hơn nhiều so với Airbus vào tháng trước. Airbus đã bàn giao 27 máy bay cho khách hàng vào tháng 2, trong khi Airbus giao 49 chiếc.

Sự cố nối tiếp sự cố

Kể từ đầu năm tới nay, hàng loạt sự cố xảy ra liên tiếp khiến Boeing đối mặt với khủng hoảng.

Đầu tuần qua, một chiếc 787 Dreamliner bất ngờ lao xuống giữa hành trình, đẩy hàng chục hành khách bay lên đụng trần, bị thương. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến chuyến bay của hãng LATAM từ Úc đến New Zealand bị rơi nghiêm trọng như vậy.

Tấm cửa sổ bị bung của máy bay Boeing 737 MAX 9.

Ủy ban Điều tra tai nạn giao thông (TAIC) của New Zealand ngày 12/3 thông báo cơ quan này đang giữ thiết bị ghi âm buồng lái và thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay của chiếc máy bay Boeing 787 để tiến hành điều tra.

Trước đó, một máy bay của United Airlines cất cánh từ San Francisco, Mỹ đã buộc phải chuyển hướng sau khi một bánh rơi từ máy bay, đè bẹp nhiều ô tô ở bãi đậu xe bên dưới.

Ngay những ngày đầu tháng 1, cửa của chiếc Boeing 737 Max thuộc hãng hàng không Alaska Airlines bị nổ tung ngay sau khi cất cánh. Sự cố đó đã buộc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp. Rất may, tất cả 174 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn đều an toàn.

Một cuộc điều tra sơ bộ của Mỹ cho thấy Boeing có thể đã không lắp các bu lông vào cái gọi là nút chặn cửa vốn được thiết kế để ngăn bộ phận này bay khỏi máy bay.

Sự cố đó đã dẫn đến việc một số máy bay phản lực 737 Max bị đình chỉ hoạt động tạm thời trên nước Mỹ, sau đó là các phiên điều trần quốc hội, sự chậm trễ trong sản xuất và giao hàng, nhiều cuộc điều tra liên bang, bao gồm cả điều tra hình sự.

Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã cho Boeing 90 ngày để đưa ra kế hoạch giải quyết các vấn đề kiểm soát chất lượng và yêu cầu Boeing phải “cam kết cải tiến thực sự và sâu sắc”.

Mới đây, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg từ chối cho biết khi nào FAA có thể cho phép các máy bay tiếp tục hoạt động, nhưng cho biết Boeing phải đảm bảo máy bay của họ "an toàn 100%".

Ở động thái liên quan mới nhất, cơ quan quản lý hàng không của Trung Quốc cũng đã tạm thời dừng vô thời hạn quá trình khởi động lại việc đặt mua và giao hàng máy bay B737 Max cho quốc gia này.

Minh Đăng

Theo Bloomberg, Reuters

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/vuong-loat-su-co-bieu-tuong-cua-nuoc-my-ngay-cang-that-the-20180504224296274.htm