Vướng mắc pháp lý khiến 12 đại dự án thua lỗ ngành công thương chưa có lối ra

Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hầu hết dự án trong nhóm 12 dự án thua lỗ ngành công thương đều đang gặp phải những vấn đề pháp lý nên rất khó thu hút các nhà đầu tư lớn bỏ tiền vực dậy.

Trong số 12 dự án yếu kém ngành công thương, hiện mới chỉ có 2 dự án bắt đầu có lãi, số còn lại vẫn đang chật vật để khắc phục. Tổng lỗ lũy kế các dự án này đến hết năm 2017 đã lên đến gần 18.700 tỷ đồng.

Đó là thông tin đã được ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tiết lộ tại tọa đàm "Nâng hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị" do Cổng thông tin Chính phủ vừa tổ chức.

Theo ông Tiến, sau khi tiến hành rà soát, trong 6/12 dự án nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ của Bộ Công thương đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động có lãi là DAP 1 và Nhà máy gang thép Lào Cai.

4 dự án đã bắt đầu giảm lỗ nhưng vẫn còn lỗ gồm Nhà máy phân đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP số 2 Lào Cai và Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

3 dự án trước đây dừng sản xuất hiện đã bắt đầu sản xuất trở lại, trong đó có nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ.

Cuối cùng là 3 dự án xây dựng dở dang, Chính phủ, các bộ ngành đã tính toán lại và kiên quyết sẽ bán nhà máy giấy Phương Nam, không đưa ra các giải pháp khắc phục. Dự án Ethanol ở Phú Thọ hay dự án Gang thép Thái Nguyên cũng sẽ rà soát lại, tìm các nhà đầu tư, ông Tiến cho hay.

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, việc tái cơ cấu 12 doanh nghiệp nêu trên vẫn đang tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, để xử lý các tồn tại là vô cùng khó khăn, Chính phủ và các bộ, ngành đều kiên quyết xử lý theo thị trường nên có những vấn đề phải chấp nhận.

Những dự án không bán được sẽ phá sản, những dự án không khởi động được, không bán được sẽ phải chuyển sang hình thức khác.

"Ngay cả phá sản, giải thể cũng là một giải pháp tích cực nếu duy trì dự án không mang lại hiệu quả", Chính phủ đang kiên quyết thực hiện việc này, trong lộ trình thực hiện, các doanh nghiệp phải nói thẳng nói thật, công khai tình hình doanh nghiệp hằng năm, báo cáo tiến độ để Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành đưa ra giải pháp, ông Tiến nhấn mạnh.

Đối với việc nhiều tập đoàn lớn kiến nghị được dùng vốn của tập đoàn để cứu các dự án thua lỗ, ông Tiến cho rằng, việc bỏ vốn ra phải đánh giá được rủi ro. Nếu không tính toán cẩn thận, doanh nghiệp sản suất ra sản phẩm không bán được khiến "lỗ mẹ đẻ lỗ con" thì rất nguy hiểm.

Ngược lại nếu có phương án hoạt động hiệu quả thì không có lý do gì không đầu tư tiếp để giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển và thu hồi vốn về.

Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ở góc nhìn khác, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại cho rằng, đối với 12 dự án hoạt động yếu kém của ngành công thương, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt xử lý làm sao để đạt hiệu quả cao nhất.

Trong khi đó, có thể thấy các nhà máy này đều nằm trong lĩnh vực nhà nước không cần thiết nắm giữ do đó, làm thế nào để cổ phần hóa, thoái vốn càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất trong thu hồi vốn.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, hầu hết các dự án này đang gặp những vấn đề pháp lý như xác định giá doanh nghiệp, xử lý quyền sử dụng đất, xác định giá đất. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nên giải quyết dứt điểm những vướng mắc này trước khi tiến hành cổ phần hóa hay thoái vốn. Còn nếu như bối cảnh hiện tại, sẽ rất khó thu hút các nhà đầu tư để vực dậy doanh nghiệp.

Minh Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/vuong-mac-phap-ly-khien-12-dai-du-an-thua-lo-nganh-cong-thuong-chua-co-loi-ra-1537428565245.htm