Vướng mắc thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án

Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp nước CHXHCN Việt Nam và nước ngoài chưa ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế có quy định về tương trợ tư pháp (TTTP) thì việc TTTP được chấp nhận trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không được trái pháp luật Việt Nam, pháp luật và tập quán quốc tế. Từ thực tiễn trong thực hiện TTTP về dân sự trong thi hành án ở TP Cần Thơ cho thấy còn một số vướng mắc, khó khăn.

Vấn đề thực tiễn địa phương

Theo báo cáo của Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Cần Thơ, sau khi Nghị định số 62/2015/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật, lãnh đạo Cục THADS đã quán triệt và triển khai đầy đủ các nội dung về công tác thi hành án, trong đó có liên quan đến TTTP trong lĩnh vực dân sự đến toàn thể cán bộ, chấp hành viên nắm vững để vận dụng có hiệu quả trong hoạt động TTTP, có ý nghĩa rất quan trọng góp phần giải quyết các vụ việc có liên quan yếu tố nước ngoài.

Có thể khẳng định, sau khi Luật TTTP và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật được ban hành, hệ thống các quy định của pháp luật về TTTP được hoàn thiện một bước đáng kể, quy định thống nhất về phạm vi TTTP, quy trình, thủ tục thực hiện các yêu cầu TTTP giúp cho việc xử lý các ủy thác tư pháp giữa các cơ quan được nhanh chóng, kịp thời và đạt hiệu quả, hoạt động nghiệp vụ đơn vị trong thực hiện TTTP được nâng cao.

Trong ba năm (2015-2018), Cục THADS TP Cần Thơ đã thực hiện ủy thác tư pháp đối với một việc với số tiền là 900 triệu đồng (đương sự là bà Nguyễn Thị Cẩm Vân có địa chỉ tại San Francisco, Hoa Kỳ - hiện vụ việc đã được giải quyết xong).

Nghị định 62/2015/NĐ-CP đã cụ thể hóa được các quy định của pháp luật về TTTP trong THADS. Cụ thể: theo quy định tại Điều 50 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, TTTP trong thi hành án dân sự đã quy định về thẩm quyền tương trợ tư pháp, trình tự, thủ tục thực hiện TTTP, xử lý kết quả ủy thác tư pháp… đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ quan THADS lập hồ sơ về TTTP trong THADS phù hợp tình hình thực tế hiện nay nhất là bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước, công dân và pháp nhân.

Chuyện thụ lý về ủy thác tư pháp

Trong thời gian thực hiện công tác ủy thác tư pháp theo quy định của Nghị định 62/2015/NĐ-CP tại Cục THADS TP Cần Thơ, tổng số việc thụ lý giải quyết là không nhiều. Tuy nhiên, có một số khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng kết quả THADS. Điển hình vụ việc có thể sẽ phát sinh việc ủy thác tư pháp trong thời gian tới như việc tổ chức thi hành Bản án số 03/2016/KDTM-PT ngày 4-3-2016 của Tòa án nhân dân TP Cần Thơ về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Cụ thể, người được thi hành án: Ngân hàng TMCP phát triển TP Hồ Chí Minh (Ngân hàng); Người phải thi hành án: Công ty TNHH Thanh Xuân II (đại diện theo pháp luật là bà Bùi Thị H.L.). Nội dung phải thi hành án: Công ty TNHH Thanh Xuân II phải trả cho Ngân hàng tổng số tiền gốc và lãi là bảy tỷ đồng. Nếu không thanh toán nợ thì phát mãi tài sản đã thế chấp là quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất.

Cục THADS TP Cần Thơ cho biết, quá trình thi hành án, Chi cục THADS quận Ninh Kiều tổ chức thi hành án đến giai đoạn cưỡng chế kê biên tài sản thế chấp thì phát sinh khiếu nại, đồng thời chấp hành viên tiến hành xác minh thì được biết bà Bùi Thị H.L. đại diện Công ty Thanh Xuân II đã xuất cảnh đi nước ngoài (chưa rõ đi đâu).

Việc hoạt động kinh doanh của Công ty Thanh Xuân II cũng ngưng và tài sản thế chấp tại thời điểm kê biên được bà L. cho một công ty mua bán nội thất thuê và kinh doanh.

Chi cục tạm dừng việc xử lý tài sản thế chấp và báo cáo đề xuất Cục THADS rút toàn bộ hồ sơ để tổ chức thi hành do vụ việc có phát sinh tình tiết có yếu tố nước ngoài, các thông báo, quyết định về thi hành án trong các giai đoạn tiếp theo không thể tống đạt trực tiếp cho người phải thi hành án tại Việt Nam và trong trường hợp thực hiện việc ủy thác tư pháp thì thẩm quyền đề nghị thuộc về Cục THADS cấp tỉnh (theo khoản 1 Điều 50 Nghị Định số 62/2015/NĐ-CP).

Khó xác minh địa chỉ người phải thi hành án

Thực tế cho thấy, chấp hành viên đã tiến hành xác minh nhiều lần về địa chỉ cũng như nơi đến của người phải thi hành án tại nước ngoài nhưng rất khó khăn để tìm kiếm thông tin, trong khi địa chỉ mới của người phải thi hành án tại nước ngoài là cơ sở then chốt để thực hiện việc ủy thác tư pháp hoặc gửi thư tín, bưu cục…

Tuy nhiên, khi tiến hành xác minh thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh chỉ cung cấp được thông tin về thời gian người phải thi hành, nhưng thông tin quan trọng là đi đến nước nào và thời hạn cấp phép xuất cảnh là bao lâu quay về Việt Nam thì cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cho biết, do quy định hiện hành không yêu cầu đương sự ghi trong tờ khai vì vậy không nắm giữ thông tin này.

Ước tính sơ bộ về thời gian thực hiện thủ tục hồ sơ ủy thác tư pháp và quá trình ủy thác tư pháp theo quy định hiện hành, thì đến khi có kết quả ủy thác tư pháp là hơn 06 tháng (Điều 50, Nghị định 62), chưa kể trong quá trình ủy thác vì lý nào đó, cơ quan nhận ủy thác không nhận được thì cơ quan ủy thác tư pháp phải thực hiện lại lần hai theo quy định và thời gian thực hiện lần hai là thêm 3 tháng, như vậy tổng thời gian thực hiện cả hai lần là khoảng 9 tháng và nếu sau việc ủy thác tư pháp lần thứ hai mà cơ quan thi hành án không nhận được thông báo kết quả ủy thác tư pháp thì cơ quan THADS căn cứ vào những tài liệu đã có để giải quyết theo quy định.

Một nguyên do khác dẫn đến khó khăn là chi phí thực hiện một vụ ủy thác tư pháp, bao gồm cần có như: chi phí dịch thuật văn, chi phí ủy thác theo quy định của Bộ Tài chính và chi phí phát sinh nếu có. Thực tế, có nhiều hồ sơ cần ủy thác tư pháp nhưng chi phí ủy thác tư pháp và các chi phí liên quan lại nhiều hơn nghĩa vụ phải thi hành án, điều này gây khó khăn trong việc thu hồi các chi phí liên quan ủy thác tư pháp. Như vậy, quyền và lợi ích của đương sự sẽ bị ảnh hưởng thời gian tổ chức thi hành án sẽ kéo dài dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo của đương sự.

THÁI ANH và MINH TRANG (Tổng hợp)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/cai-cach-tu-phap/item/38411402-vuong-mac-thuc-hien-tuong-tro-tu-phap-ve-dan-su-trong-thi-hanh-an.html