Vướng mắc trong áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú

Biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú được quy định tại Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS). Tuy nhiên, quá trình thực hiện có một số vướng mắc như sau:

Thứ nhất: Việc quản lý người bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú của chính quyền địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Theo quy định tại Điều 32 Luật cư trú, khi đi khỏi nơi cư trú 1 ngày trở lên thì bị can, bị cáo tại ngoại phải khai báo tạm vắng tại Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú.

Đồng thời, theo quy định của Điều 123 BLTTHS thì họ còn phải có giấy cho phép của người đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú thì mới được phép tạm thời đi khỏi nơi cư trú vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan.

Tuy nhiên, hiện tại không có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, biện pháp quản lý người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn này cũng như quy định về trách nhiệm của người quản lý bị can, bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú nên trên thực tế, có nhiều trường hợp chính quyền địa phương không biết việc bị can, bị cáo đi khỏi nơi cư trú do bị can, bị cáo không khai báo, chính quyền địa phương không kiểm tra, cũng không có ai biết để báo với chính quyền địa phương. Khi cơ quan tố tụng triệu tập không được mới phát hiện bị can, bị cáo đã đi khỏi nơi cư trú.

Công an hướng dẫn thủ tục xác nhận nơi cư trú cho công dân. Ảnh minh họa

Thứ hai: Khi bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì bị áp dụng biện pháp tạm giam, nhưng thời hạn tạm giam là bao lâu, có được quá thời hạn điều tra không?

Điều 123 BLTTHS chỉ quy định trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì bị tạm giam mà không quy định thời hạn tạm giam như thế nào. Tất nhiên, thời hạn tạm giam phải tuân theo quy định của BLTTHS.

Thời hạn tạm giam trong giai đoạn truy tố, xét xử được quy định rõ ràng là không quá thời hạn truy tố (Điều 241 - thời hạn tạm giam trong giai đoạn truy tố; khoản 5 Điều 249 - thời hạn tạm giam để phục hồi vụ án trong giai đoạn truy tố) hoặc không quá thời hạn chuẩn bị xét xử (khoản 2 Điều 278 - thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử sơ thẩm; khoản 4 Điều 283 - thời hạn tạm giam để phục hồi vụ án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm).

Nhưng trong giai đoạn điều tra chỉ quy định về “thời hạn tạm giam để phục hồi điều tra, điều tra bổ sung” là không được quá thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 174 BLTTHS. Còn thời hạn tạm giam để điều tra được quy định tại Điều 173 BLTTHS không quy định có được quá thời hạn điều tra hay không? Do đó, dẫn đến có nhiều cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau.

Cách hiểu thứ nhất: thời hạn tạm giam để điều tra được phép quá thời hạn điều tra bởi các lý do sau:

- Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định “thời hạn tạm giam để điều tra không được quá thời hạn điều tra” giống như đã quy định trong giai đoạn truy tố hay xét xử.

- Đối với biện pháp ngăn chặn là bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm thì Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS đều có hướng dẫn thời hạn tạm giam trong trường hợp bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan là “Cơ quan điều tra phải ra lệnh bắt bị can để tạm giam và có văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn; thời hạn tạm giam trong trường hợp này không được quá thời hạn điều tra vụ án”. Nhưng đối với người vi phạm nghĩa vụ cam đoan khi đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú thì pháp luật chỉ quy định họ sẽ bị tạm giam mà không quy định thời hạn tạm giam trong trường hợp này có được quá thời hạn điều tra vụ án hay không.

- Điều 17 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS có đưa ra ví dụ: “Ví dụ 2: Trần Thị B bị tạm giữ 6 ngày, từ 14 giờ 00 phút ngày 5/3/2018 đến 14 giờ 00 phút ngày 11/3/2018 thì được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Đến ngày 11/4/2018, bị can B bị bắt để tạm giam thời hạn là 2 tháng, thì thời hạn tạm giam đối với bị can B là 1 tháng 24 ngày (đã trừ 6 ngày tạm giữ). Do đó, thời hạn trong lệnh bắt bị can để tạm giam, quyết định phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam ghi là: tạm giam trong thời hạn 1 tháng 24 ngày, kể từ ngày 11/4/2018 đến hết ngày 3/6/2018 đối với bị can Trần Thị B”.

Trường hợp này, nếu như B phạm tội ít nghiêm trọng thì thời hạn điều tra vụ án là từ ngày 11/3/2018 đến ngày 11/5/2018. Đến ngày 11/4/2018 là ngày B bị bắt tạm giam, thời hạn điều tra vụ án đã là 1 tháng. Tuy nhiên, theo ví dụ trên thì B vẫn bị tạm giam đến ngày 3/6/2018, tức là đã quá thời hạn điều tra vụ án.

Cách hiểu thứ hai cho rằng: thời hạn tạm giam trong trường hợp bị can bị áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú mà vi phạm nghĩa vụ cam đoan cũng không được quá thời hạn điều tra vụ án vì những lý do sau:

- Mặc dù BLTTHS không quy định cụ thể trường hợp này nhưng theo quy định về bảo lĩnh, về đặt tiền để bảo đảm đều có quy định nếu vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì đều bị áp dụng biện pháp tạm giam và thời hạn tạm giam không được quá thời hạn điều tra vụ án nên có thể áp dụng tương tự đối với trường hợp cấm đi khỏi nơi cư trú mà vi phạm nghĩa vụ cam đoan.

- Trong trường hợp phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, phục hồi truy tố, phục hồi xét xử hay trong giai đoạn truy tố, giai đoạn xét xử, Luật đều quy định thời hạn tạm giam không được quá thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, phục hồi truy tố, phục hồi xét xử hay thời hạn truy tố, thời hạn xét xử.

- Điều 14 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP nêu trên có quy định: “Trường hợp đang điều tra vụ án mà quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về một tội phạm khác, thì thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam được tính theo tội nặng nhất. Tổng thời hạn điều tra không vượt quá thời hạn quy định tại Điều 172 BLTTHS; tổng thời hạn tạm giam theo quy định tại Điều 173 BLTTHS nhưng không vượt quá thời hạn điều tra”.

Từ đó, có thể hiểu rằng, mọi trường hợp tạm giam thì thời hạn tạm giam đều không được vượt quá thời hạn điều tra. Do đó, khi bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan thì cũng bị áp dụng biện pháp tạm giam và thời hạn tạm giam cũng không được vượt quá thời hạn điều tra.

Thứ ba: Trong vụ án có nhiều bị can phạm nhiều loại tội khác nhau thì thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với từng bị can được áp dụng như thế nào?

Khoản 4 Điều 123 BLTTHS quy định: “Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này”. Thời hạn điều tra, truy tố, xét xử ở đây được hiểu là thời hạn áp dụng đối với vụ án. Tuy nhiên, trong vụ án có nhiều bị can phạm nhiều loại tội khác nhau, trong đó có tội ít nghiêm trọng, có tội nghiêm trọng, có tội rất nghiêm trọng và có tội đặc biệt nghiêm trọng thì thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ áp dụng đối với từng bị can, bị cáo hay là áp dụng chung cho tất cả các bị can, bị cáo theo thời hạn của vụ án?

Quan điểm thứ nhất: thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ áp dụng đối với từng bị can, bị cáo. Bị can, bị cáo phạm loại tội nào thì thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ áp dụng theo loại tội đó, thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ không được quá thời hạn điều tra đối với tội mà người đó bị khởi tố, cụ thể sẽ là 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng tương ứng với từng loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng và có thể gia hạn tùy theo tính chất của vụ án.

Quan điểm thứ hai: thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ áp dụng chung đối với tất cả các bị can, bị cáo, có nghĩa là dù bị can, bị cáo phạm loại tội nào thì thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú cũng đều được tính theo thời hạn điều tra đối với tội nặng nhất trong vụ án đó và thời hạn này sẽ không được quá thời hạn điều tra của tội nặng nhất.

Thứ tư: Khi gia hạn thời hạn điều tra vụ án thì thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú sẽ dựa trên căn cứ nào? Về thực tế cũng như lý luận thì thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không được quá thời hạn điều tra và trong mẫu Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cũng ghi rõ thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của thời hạn này. Khi thời hạn điều tra kết thúc thì thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú cũng kết thúc. Khi vụ án được gia hạn thời hạn điều tra mà cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú thì cơ quan tố tụng vẫn áp dụng biện pháp này đối với bị can và thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú trong trường hợp này cũng không được quá thời hạn gia hạn điều tra vụ án. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra sẽ ban hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú mới hay ban hành Quyết định gia hạn thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú thì chưa có hướng dẫn cụ thể. Hiện tại, chỉ có mẫu Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú nên Cơ quan điều tra vẫn sử dụng mẫu này.

Trên cơ sở vướng mắc nêu trên, đề nghị các cơ quan thẩm quyền có hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

Nguyễn Thị Hằng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/vuong-mac-trong-ap-dung-bien-phap-cam-di-khoi-noi-cu-tru-77699.html