Vướng mắc trong xây dựng các trạm y tế sử dụng nguồn vốn ODA của Italia

Sau gần 6 năm triển khai thực hiện, dự án Nâng cấp cơ sở vật chất ngành y tế tỉnh Quảng Trị sử dụng vốn ODA do Chính phủ Italia (gọi tắt là Dự án) tài trợ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Dự án gồm hai hợp phần là xây mới Nhà xét nghiệm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, 7 trạm y tế xã thuộc huyện Hải Lăng và mua sắm trang thiết bị y tế cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế Hải Lăng và 20 trạm y tế xã thuộc huyện Hải Lăng. Dù thời hạn phải hoàn thành dự án là trước 31/12/2022, tuy nhiên đến nay, có 3 trạm y tế chưa thi công, 2 trạm y tế hoàn thành từ 65% khối lượng và đang tạm dừng vì thiếu vốn.

Việc vệ sinh các dụng cụ y tế tại Trạm Y tế xã Hải Trường được thực hiện trong gian phòng chật chội này - Ảnh: T.T

Dở dang các công trình trạm y tế xây mới

Nằm trong diện hưởng lợi của Dự án, Trạm Y tế xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng được triển khai xây dựng từ năm 2020 ở vị trí cách trạm cũ hơn 1 km. Dự kiến công trình được bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng 11/2022, tuy nhiên đến nay khối lượng thi công mới đạt 65% hợp đồng, chủ thầu cũng đã tạm dừng việc xây dựng do thiếu vốn. Trong khi đó, trạm y tế hiện tại xuống cấp nghiêm trọng, không đủ phòng để phục vụ công tác chuyên môn.

Chị Hồ Xuân Nga, nhân viên Trạm Y tế xã Hải Chánh cho biết: “Trạm chỉ có 4 phòng làm việc, do đó phải kết hợp sử dụng nhiều chức năng. Phòng làm việc của trưởng trạm vừa kiêm thêm chức năng phòng theo dõi sau tiêm chủng, phòng khám bệnh đồng thời là phòng trực của nhân viên y tế. Do điều kiện chật chội nên đến lịch tiêm chủng, trạm phải chia thành nhiều ngày mới hoàn thành tiêm chủng cho số trẻ em của xã. Chưa kể do trạm nằm ở địa điểm thấp trũng nên mùa mưa, tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra, rất bất tiện, khó khăn cho người dân đến thăm khám và cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ”.

Tương tự, Trạm Y tế xã Hải Trường xây dựng dở dang, cỏ dại mọc um tùm trong khuôn viên do hụt vốn giữa chừng dù đã đạt khối lượng 85%. Chị Nguyễn Thị Trà My, nhân viên Trạm Y tế xã Hải Trường cho biết, công trình này được xây dựng từ hơn ba năm trước nhưng mãi vẫn chưa hoàn thành. Hiện tại việc khám bệnh và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, nhân viên gặp rất nhiều khó khăn do chỗ làm việc được bố trí tạm chật chội, cơ sở vật chất không đảm bảo.

Còn đối với Trạm Y tế xã Hải Lâm, nhiều năm nay làm việc trong điều kiện nhà trạm xuống cấp, mùa mưa nước tràn vào phòng làm việc, trần nhà dột nhiều chỗ, trần nhà mối mọt ăn mòn xà gỗ. Trạm trưởng Trạm Y tế Hải Lâm Hồ Thị Thu Vân chia sẻ: “Khi hay tin trạm là một trong 7 đơn vị được dự án đầu tư xây mới nhà trạm, chúng tôi mừng lắm. Tuy nhiên chờ đợi nhiều năm đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện. Chúng tôi mong muốn có nguồn vốn bố trí để xây dựng nhà trạm đảm bảo triển khai công tác chuyên môn được thuận lợi cũng như phục vụ tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân địa phương”.

Dự án Nâng cấp cơ sở vật chất ngành y tế tỉnh Quảng Trị sử dụng vốn ODA của Chính phủ Italia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án tại Quyết định số 2243/TTg-QHQT ngày 9/12/2010. Thời gian thực hiện dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 810/ QĐ-TTg ngày 12/7/2022 là đến hết ngày 31/12/2022. Dự án được phê duyệt có tổng mức đầu tư là 73,7 tỉ đồng, trong đó, vốn ODA do Italia tài trợ là 57,7 tỉ đồng, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là hơn 16 tỉ đồng.

Quy mô đầu tư của Dự án gồm 2 hợp phần là xây mới Nhà xét nghiệm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và 7 trạm y tế xã, thị trấn thuộc huyện Hải Lăng (thị trấn Hải Lăng, các xã Hải Chánh, Hải Lâm, Hải Xuân, Hải Sơn, Hải Trường, Hải Quy). Hợp phần mua sắm trang thiết bị y tế cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế Hải Lăng và 20 trạm y tế xã thuộc huyện Hải Lăng.

Đến ngày 30/8/2022, dự án mới giải ngân được hơn 12,1 tỉ đồng, bằng 16,46% kế hoạch vốn đã bố trí. Trong đó, nguồn vốn của nhà tài trợ giải ngân được hơn 7,7 tỉ đồng, vốn đối ứng giải ngân hơn 4,4 tỉ đồng.

Quy trình thủ tục phức tạp ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện

Theo đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, quá trình thực hiện, dự án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục từ tháng 12/2010. Sau khi phê duyệt danh mục, phía Italia cử chuyên gia vào nhận diện dự án, hoàn thành các thủ tục để ký kết Biên bản ghi nhớ và Hiệp định dự án.

Tuy nhiên phải đến ngày 26/6/2015, các bên liên quan mới hoàn tất thủ tục chuẩn bị, tổ chức hội thảo khởi động dự án và thống nhất quy trình thực hiện dự án. Dự án thuộc Chương trình Cải thiện các dịch vụ y tế ở các vùng được chọn của miền Trung Việt Nam bao gồm các đơn vị, địa phương: Đại học Y Dược Huế, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Do không có ban điều phối chương trình nên quá trình triển khai thực hiện rất khó khăn, việc trao đổi, liên hệ với nhà tài trợ chỉ thực hiện thông qua Cơ quan Hợp tác Phát triển Italia tại Hà Nội nên chậm trễ, thiếu kịp thời và bị động.

Về quy trình thủ tục theo yêu cầu của nhà tài trợ rất phức tạp. Theo quy định của nhà tài trợ, tất cả các thủ tục như hồ sơ mời thầu, đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu, hợp đồng thi công, mua sắm thiết bị... phải gửi đến nhà tài trợ (trụ sở tại Roma, Italia) thông qua trước khi thực hiện. Thủ tục mất rất nhiều thời gian mới được chấp thuận, điển hình như: tạm ứng tiền của các nhà thầu mất hơn 6 tháng mới được chấp thuận, hợp đồng ký tắt của các gói thầu xây dựng gửi đến nhà tài trợ hơn 10 tháng mới có thư không phản đối, thẩm định về hồ sơ năng lực của đơn vị trúng thầu sau 18 tháng mới được chấp thuận, hợp đồng ký tắt của gói thầu thiết bị sau hơn 4 tháng mới được nhà tài trợ cho ý kiến không phản đối…

Bên cạnh đó, một số yêu cầu về biểu mẫu tạm ứng theo quy định của nhà tài trợ có sự khác biệt so với quy định của Chính phủ Việt Nam nên mất nhiều thời gian điều chỉnh. Do thời gian thực hiện dự án kéo dài, một số nhà thầu không thực hiện hợp đồng do không tạm ứng được vốn, thủ tục quá phức tạp, dự toán công trình tăng quá cao so với thời điểm trúng thầu năm 2016 do ảnh hưởng của COVID -19.

Tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Dự án đã được UBND tỉnh bố trí đủ vốn đối ứng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 theo tổng mức đầu tư được duyệt (hơn 16 tỉ đồng), vì vậy không bố trí vốn đối ứng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Vì chưa hoàn thành giải ngân trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016- 2020 nên vốn đối ứng ngân sách trung ương đã giao trong kế hoạch năm 2019 được kéo dài sang thực hiện trong năm 2021 nhưng chưa giải ngân hết đến ngày 31/12/2021 của Dự án là hơn 5,7 tỉ đồng.

Số vốn này đã được UBND tỉnh tổng hợp, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài sang thực hiện, giải ngân trong năm 2022. Do đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đối ứng ngân sách trung ương sang năm 2022 đối với phần vốn chưa hoàn thành giải ngân chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận nên việc triển khai thực hiện, giải ngân vốn nước ngoài ngân sách trung ương đã giao cho Dự án trong kế hoạch năm 2022 gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, Dự án phải hoàn thành trước thời điểm ngày 31/12/2022.

Ngày 19/8/2022, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, đồng ý kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 đối với phần vốn đối ứng nguồn ngân sách trung ương của Dự án với tổng vốn hơn 5,7 tỉ đồng. Trường hợp không được phép kéo dài sang năm 2022 đối với phần vốn ngân sách trung ương nêu trên, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép hủy dự toán và giao bổ sung vốn ngân sách trung ương kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để bố trí kế hoạch năm 2022 cho Dự án tương ứng với số vốn ngân sách trung ương không thể giải ngân hoàn thành.

Vì những khó khăn, vướng mắc không thể tháo gỡ trong quá trình thực hiện Dự án nên các nhà thầu từ chối không thực hiện thi công theo hợp đồng đã ký kết đối với 3 công trình trạm y tế xã các Hải Lâm, Hải Sơn và thị trấn Hải Lăng. Chủ đầu tư đã thực hiện các thủ tục chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu thi công xây dựng công trình theo quy định hiện hành, chưa phát sinh các chi phí tài chính liên quan. Sở Y tế (chủ đầu tư) và UBND huyện Hải Lăng (địa phương hưởng lợi từ dự án) đã đề xuất cho phép lập dự án đầu tư mới từ các nguồn vốn khác để kịp triển khai xây dựng 3 công trình này.

Ngày 6/5/2022, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương xin dừng sử dụng vốn ODA của Chính phủ Italia để đầu tư 3 công trình trạm y tế nói trên. UBND tỉnh chủ động cân đối, bố trí các nguồn vốn khác thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương để đầu tư 3 công trình này nhằm hoàn thành tiêu chí về đích nông thôn mới và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hải Lăng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=171853&title=vuong-mac-trong-xay-dung-cac-tram-y-te-su-dung-nguon-von-oda-cua-italia