Vướng mặt bằng, lo chậm tiến độ cao tốc qua Khánh Hòa

Quan điểm đoàn công tác của Quốc hội khi đi khảo sát để tháo gỡ khó khăn về mặt bằng trên cao tốc Vân Phong – Nha Trang và cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.

Đề nghị ủy quyền cho địa phương chuyển đổi đất rừng theo trình tự của Luật Lâm nghiệp

Ngày 9/3, tại Khánh Hòa, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội dẫn đầu đoàn kiểm tra dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Cùng đi, phía Bộ GTVT, có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy.

Đoàn công tác của Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa để tháo gỡ vướng mắc trên các tuyến cao tốc.

Đoàn trực tiếp kiểm tra vị trí vướng hơn 4,2ha đất rừng tại Km347 trên cao tốc Vân Phong – Nha Trang; làm việc với địa phương về công tác GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật, đất rừng tự nhiên; đề xuất xây dựng nút giao QL26 với cao tốc Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột của tỉnh Khánh Hòa...

Ghi nhận nỗ lực Khánh Hòa trong việc hỗ trợ triển khai các công trình cao tốc trên địa bàn xong ông Lê Quang Huy đề nghị địa phương làm rõ các vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để đoàn công tác có ý kiến với các bộ, ngành, Chính phủ để giải quyết.

Về di dời hạ tầng kỹ thuật điện 110kV, 220kV, đoàn công tác đồng thuận cần có sự đôn đốc của Chính phủ với các bộ ngành, đề nghị sửa một số văn bản liên quan, để sớm tạo điều kiện di dời nhanh đường điện trên tuyến lấy mặt bằng thi công.

Ngoài khó khăn về chuyển đổi đất rừng, đoàn công tác cũng đề nghị Khánh Hòa làm rõ đơn giá vật liệu xây dựng, quy chuẩn liên quan mỏ vật liệu xây dựng, tập hợp các bất cập phát sinh thực tiễn để đoàn làm việc với Chính phủ và các bộ ngành trung ương...

Đoàn công tác của Quốc hội khảo sát vị trí Km347 (cao tốc Vân Phong - Nha Trang) vướng hơn 4,2ha đất rừng chưa chuyển đổi.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho hay, địa phương nỗ lực vào cuộc GPMB, nhân dân vùng dự án đồng thuận cao.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho hay: Việc lập thủ tục tiền khả thi chắc chắn sẽ không thể chính xác đối với diện tích và từng loại rừng so với thực tế. Vì vậy, với diện tích rừng thay đổi trong quá trình thực hiện dự án trọng điểm quốc gia đã được phê duyệt, đề nghị Quốc hội nên ủy quyền cho UBND tỉnh để thực hiện chuyển đổi theo trình tự của Luật Lâm nghiệp.

Về việc giao mỏ vật liệu cho nhà thầu, Thứ trưởng nhấn mạnh, mục tiêu là để giảm chi phí so với dùng vật liệu ở mỏ thương mại, tránh tình trạng giá vật liệu bị nâng giá, ép giá. Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định, phần đất trong mỏ vật liệu không được thu hồi mà thuê lại của người dân.

Do đó, có tình trạng chủ đất "hô giá cao" khiến việc thuê đất mỏ khó khăn. "Cơ chế hiện nay chưa có quy định thu hồi đối với mỏ theo Luật Khoáng sản, nên Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn này", Thứ trưởng Huy thông tin.

Liên quan đến đề xuất xây dựng nút giao liên thông giữa cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và QL26 của Khánh Hòa, Thứ trưởng Huy cho hay, Bộ GTVT rất quan tâm với địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cần xem xét, đánh giá lưu lượng xe từ quốc lộ này khi chuyển sang đi cao tốc. Từ đó, đề xuất với Bộ GTVT để có phương án xử lý tiếp theo. Đồng thời đảm bảo hài hòa đầu tư giữa các công trình hiện hữu.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy ghi nhận những ý kiến về những vướng mắc mặt bằng trên cao tốc Vân Phong - Nha Trang.

Nguy cơ chậm tiến độ cao tốc

Trước đó, báo cáo với đoàn công tác, ông Lê Quốc Dũng, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA 7 (chủ đầu tư cao tốc Vân Phong - Nha Trang) cho biết, Khánh Hòa đã nỗ lực tích cực để bàn giao đạt 99,6%, đã cơ bản hoàn thành.

Hiện, trên tuyến chính có vướng mắc hơn 4,2ha rừng. Do chưa chuyển mục đích sử dụng rừng phần chân ta luy nên chưa có đủ mặt bằng để triển khai đồng loạt trên phạm vi 2,2km.

Cũng theo ông Dũng, hiện, các nhà thầu mới triển khai thi công được một số cống thoát nước, mở đường công vụ dọc tuyến phục vụ vận chuyển vật tư, vật liệu và lao lắp dầm cầu Khánh Bình, chưa đào mái ta luy đủ nền đường để lấy đất điều phối cho các đoạn nền đắp (khối lượng đào khoảng 900.000m3).

Nhà thầu Sơn Hải thi công nút giao giữa cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và cao tốc Vân Phong - Nha Trang.

Đối với 11 vị trí đường điện 220 kV do Bộ Công thương thẩm định, đến nay đã có báo cáo thẩm định của 10/11 vị trí. Trong đó, 6 vị trí đã phê duyệt thiết kế, đang lựa chọn nhà thầu thi công; 4 vị trí chưa phê duyệt thiết kế, dự toán (đang rà soát lại); 1 vị trí đã trình hồ sơ nhưng chưa có ý kiến thẩm định của cấp thẩm quyền.

"Công tác di dời đường điện rất chậm khiến một số cầu đã thi công xong mố trụ, đúc xong dầm nhưng chưa lao lắp được dầm do vướng đường điện. Nhiều đoạn tuyến đã nhận mặt bằng nhưng không thể triển khai thi công hoặc đã thi công nửa chừng phải dừng lại do không đảm bảo an toàn lưới điện. Tổng số có khoảng 20 vị trí, với chiều dài khoảng 3,4 km", ông Dũng nói.

Ông Phạm Văn Hòa, Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh Khánh Hòa (Ban Giao thông tỉnh Khánh Hòa, chủ đầu tư cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột) cho biết, đến nay, đoạn đi qua tỉnh Khánh Hòa có tổng diện tích GPMB gần 229ha, hiện đã kiểm đếm được 972 trường hợp (đạt 100%).

Một đoạn tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Trên tuyến có tổng số 69 vị trí công trình HTKT (gồm: 3 vị trí điện 220kV, 1 vị trí điện 110Kv,1 vị trí điện 35kV, 20 vị trí điện trung, hạ áp…) đang triển khai di dời. Riêng hạng mục di dời đường dây 220kV, ngày 15/1, Ban QLDA đã trình Bộ Công thương thẩm định.

Ông Hòa đề nghị, thủ tục chuyển đổi mục đích một số diện tích rừng trên tuyến mất nhiều thời gian. Mặc dù, được Thủ tướng chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng từ ngày 15/12/2023, nhưng phải đang hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi nên còn chậm bàn giao mặt bằng cho dự án.

"Đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, xem xét, báo cáo Thủ tướng việc đầu tư xây dựng nút giao liên thông giữa cao tốc Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột và QL26 ngay trong giai đoạn 1 của dự án (trước năm 2026 theo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa). Qua đó, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045", ông Hòa nói thêm.

Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang qua địa bàn Khánh Hòa có điểm đầu kết nối phía nam hầm Cổ Mã (huyện Vạn Ninh). Điểm cuối kết nối cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (huyện Diên Khánh).

Chiều dài tuyến 83,35km (qua địa bàn huyện, thị: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh và Khánh Vĩnh).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.808 tỷ đồng, do Ban QLDA 7 làm chủ đầu tư.

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, dài 117 km với 32,7 km đi qua địa phận Khánh Hòa và 84 km đi qua địa phận Đắk Lắk.

Đoạn qua tỉnh Khánh Hòa có điểm đầu Km 0+00 (xã Ninh Đa, TX Ninh Hòa); điểm cuối tại Km32+00 (xã Ninh Tây, TX Ninh Hòa).

Đường có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h.

Dự án có tổng mức đầu tư (sơ bộ) hơn 5.600 tỷ đồng, được khởi công ngày 18/6/2023. Chủ đầu tư là Ban Giao thông tỉnh Khánh Hòa.

Tưởng Cao Sơn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vuong-mat-bang-lo-cham-tien-do-cao-toc-qua-khanh-hoa-192240309200839048.htm