'Vương quốc cà-phê' Đà Nẵng

Thương hiệu thành phố Đà Nẵng được tạo thành bởi nhiều thành tố khác nhau, trong đó không thể không kể đến các hàng hóa, dịch vụ được bạn bè, du khách muôn phương biết đến như hải sản, chả bò, bánh mỳ... Giờ đây, một thành tố mới đang nổi lên: Cà-phê. Thị trường cà-phê Đà Nẵng đang dần trở thành nơi phô diễn của những thương hiệu toàn cầu, toàn quốc và địa phương. Đó là một cuộc cạnh tranh quyết liệt nhưng cũng rất thú vị.

Nở rộ quán cà-phê

Theo ông Đinh Văn Lộc-Giám đốc Cty du lịch Việt Đà, doanh nghiệp cung cấp tour chuyên nghiệp tại TP Đà Nẵng, mới khoảng 10 năm trước, du khách đến Đà Nẵng thường có cảm giác khó lựa chọn quán cà-phê, bởi lẽ, lúc đó chủ yếu là các quán cà-phê mang thương hiệu địa phương, quy mô nhỏ và dịch vụ khá ít ỏi. Đến nay, hoạt động kinh doanh cà-phê ở Đà Nẵng đang nở rộ, khắp thành phố đâu đâu cũng có quán cà-phê, tạo ra vô số lựa chọn cho người dân và du khách.

"Trong các tour đến Đà Nẵng, khách hàng của chúng tôi đánh giá rất tích cực về cà-phê Đà Nẵng. Bản thân tôi cũng đã tham quan, khảo sát ở nhiều địa phương trong nước cũng như nước ngoài, nhận thấy loại hình dịch vụ cà-phê của Đà Nẵng rất ổn. Hiện nay, chúng ta không chỉ có sự hiện diện của các thương hiệu cà-phê địa phương mà còn có các thương hiệu quốc gia, quốc tế. Bên cạnh đó, các quán cà-phê ở Đà Nẵng thường có kiến trúc đẹp, không gian rộng, thoáng đãng, có chỗ đậu xe thuận tiện hơn so với các đô thị khác... Chính điều này tạo ra sự thích thú đối với du khách khi họ khám phá "vương quốc cà-phê" Đà Nẵng" - ông Lộc nói.

Cũng như nhiều đô thị ở Việt Nam, người Đà Nẵng có thói quen cà-phê sáng từ khá lâu. Những quán cà-phê "cóc" ven đường chưa lúc nào vắng khách. Thế nhưng, chỉ cách đây ít lâu, tìm được một quán cà phê có không gian và hương vị đặc sắc luôn là điều khó đối với người bản địa. Ngoài cà-phê Long mang đậm chất "vỉa hè", khoảng mươi mười lăm năm trước, bắt đầu xuất hiện một vài không gian đáng chú ý, như Trúc Lâm Viên, Không Gian Xưa, Phố Xưa, Hợp Phố... Giờ đây, những quán cà-phê thế hệ mới đã nổi lên mạnh mẽ, trải khắp từ nội thành đến ngoại ô, từ những con hẻm nhỏ đến đường lớn lẫn sân thượng của các tòa nhà cao tầng.

Khách hàng thưởng thức cà-phê tại quán Nối Café.

Cuộc đua phong cách

Nối Café - quán cà-phê theo phong cách cổ điển nằm trong hẻm 113-Nguyễn Chí Thanh, tạo ra một không gian tách biệt với nhịp sống ồn ào, hối hả bên ngoài. Nó như khoác trên mình lớp áo thời gian với sắc xanh của những mảng rêu phong, sắc xám của những mảng tường nhỏ bị tróc vữa cùng sắc nâu đặc trưng của những đồ vật thuộc về thập niên trước. Đó là chiếc tivi trắng đen, loa phóng thanh cũ kỹ chiếc tủ gỗ bày bán những món ăn vặt xưa, hay những chiếc radio, băng cassette, những chiếc xe máy thời xưa. Anh Trường, chủ quán Nối Café cho biết, bản thân anh có sở thích chơi xe, lại mê xê dịch, những chiếc xe máy và những vật dụng trưng bày trong quán, đều là thứ anh mang về từ những chuyến đi. Ngoài nhà xưa, xe xưa, một điều đặc trưng thú vị khác ở Nối là nhạc xưa, với những tình khúc Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lê Phương Uyên... Để giữ được cái hồn của những bản tình ca, Nối Café chỉ mở bằng kho băng cối, băng cassette, đĩa CD, hoàn toàn không dùng các thiết bị hiện đại như điện thoại hay máy tính.

Đồng hành với Nối Café trong xu hướng cổ điển ở Đà Nẵng, có thể kể đến Cà-phê Vi Lan (đường Lê Hồng Phong), Cộng, Bao Cấp, Đà Nẵng 1975 và khoảng hơn một chục quán khác đã được ghi danh trong sổ tay hoặc trí nhớ của những người muốn khám phá không gian gợi nhớ nhịp sống, âm nhạc... những năm 60 - 70 của thế kỷ trước.

Bên cạnh xu hướng cổ điển, một xu hướng mới đang nổi lên là cà-phê sách, cà-phê văn phòng. Trong đó, những quán cà-phê sách vẫn luôn có được sức hút riêng của mình đối với một bộ phận khách hàng. Chị Nguyễn Thị Quỳnh Linh, chủ quán cà-phê sách Reading Corner trên đường Đinh Tiên Hoàng chia sẻ: "Mặc dù hiện nay nhu cầu đọc và mua sách của mọi người giảm đi rất nhiều nhưng hằng ngày quán tôi vẫn có khoảng 35 đến 50 khách, chủ yếu là học sinh sinh viên, đến để đọc sách và học bài, thưởng thức không gian yên tĩnh của quán. 6 năm qua tôi vẫn luôn tin vào lối đi riêng của quán mình, mỗi ngày đều đang nỗ lực để góp phần nào đó vào việc phát triển văn hóa đọc và thu hút bạn đọc đến với quán."

Song hành cùng những quán cà-phê đầy dấu ấn ở trên là những quán cà-phê nổi tiếng với sự "sang chảnh" nằm ven bờ sông Hàn thơ mộng như Memory Lounge, Namunamu Café, Aroi Dessert Café, Luxury Café... Cùng những quán cà-phê bé bé xinh xinh nằm trong lòng thành phố, phục vụ nhiều đối tượng khách khác nhau. Theo anh Trường, chủ quán Nối Café, điểm độc đáo thú vị của những quán cà-phê ở Đà Nẵng chính là tâm hồn rất riêng của từng quán. Mỗi quán lại có những cách thức khác nhau để thu hút khách của riêng mình. Đây cũng chính là một cuộc đua thú vị, ấn tượng về phong cách của các quán cà-phê ở Đà Nẵng. Tất cả tạo nên "vương quốc cà-phê" Đà Nẵng đầy sôi động và cũng không kém phần thi vị.

Xây dựng thương hiệu cà-phê Đà Nẵng

Đà Nẵng có một thương hiệu cà-phê hơn 30 năm tuổi được nhiều người biết đến, chính là cà-phê Long, với phong cách vỉa hè độc đáo, thú vị. Thế nhưng, lùi xa về quá khứ, nơi đây từng có một thương hiệu khác rất ấn tượng: Tourane. Ông Trần Quốc Cường, Giám đốc Công ty TNHH Cà-phê và Trà Tourane Đà Nẵng, người đang nỗ lực phục hồi thương hiệu này cho biết: "Khi tìm hiểu về nguồn gốc cây cà-phê ở Việt Nam, tôi khá chắc chắn rằng, Pháp đưa cà-phê vào Việt Nam lần đầu tiên năm 1857. Những cây cà-phê đầu tiên được trồng tại vùng Bà Nà, Núi Chúa trước khi phổ biến ra các nơi khác. Như vậy, có thể nói, chính Đà Nẵng là nơi khởi nguồn của cà-phê ở Việt Nam. Bởi lẽ đó, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cà-phê Tourane, cũng là cách tôi nhắc nhở mình phải đi tìm nguồn gốc cây cà-phê ở Việt Nam. Đồng thời gợi nhắc mọi người nhớ đến câu chuyện người Pháp đưa cây cà-phê đến Đà Nẵng như thế nào.

Hiện nay, ông Trần Quốc Cường đang ấp ủ ý tưởng phục hồi một phần đồn điền cà-phê ở Bà Nà, Núi Chúa, kết hợp giữa trang trại với dịch vụ, để quảng bá thương hiệu cà-phê Tourane như một thương hiệu đặc trưng của thành phố Đà Nẵng. "Tất nhiên, còn rất nhiều việc phải làm nhưng chúng tôi quyết tâm sẽ làm được một điều gì đó hữu ích với không chỉ thương hiệu cà-phê Tourane của thành phố Đà Nẵng, với tư cách là nơi khởi nguồn của cà-phê Việt Nam.

Ở một khía cạnh khác, ông Đinh Văn Lộc cho rằng, cà-phê là một trong những dịch vụ rất quan trọng trong phát triển du lịch. Du khách luôn có xu hướng tìm kiếm những thương hiệu nổi tiếng, những quán cà-phê sang trọng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Những quán cà-phê địa phương cũng rất thú vị nhưng cần phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ thì mới thực sự thu hút được các nhà tổ chức tour lẫn du khách. Trong bối cảnh hiện nay, ông Lộc cho rằng, cà-phê Đà Nẵng đã phát triển ở "tầm trung", với sự phát triển nhanh của ngành du lịch, hoàn toàn có cơ sở và điều kiện để tin rằng, ngành kinh doanh cà-phê ở Đà Nẵng sẽ phát triển lên "tầm cao". Đó là một viễn cảnh không quá xa vời.

KIM YẾN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_190935_-vuong-quoc-ca-phe-da-nang.aspx