Vướng quy định, nhiều nhà công sản giữa thành phố Huế đành bỏ trống

Sau khi di dời hàng loạt cơ quan công sở về làm việc tại Trung tâm hành chính công của tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị nằm ở trung tâm thành phố Huế bị bỏ hoang, gây mất mỹ quan đô thị và lãng phí đất đai.

Khu đất nằm ở ngã tư đường Nguyễn Huệ và Nguyễn Trường Tộ, thành phố Huế rộng khoảng 5.200 m2. Mấy năm trước, tại đây có trụ sở của các Sở Xây dựng, Du lịch, Ban Quản lý Khu kinh tế Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi các đơn vị này chuyển về làm việc tại Trung tâm Hành chính công, khu đất này được tỉnh Thừa Thiên Huế quy hoạch kêu gọi đầu tư Dự án khách sạn cao cấp Nguyễn Trường Tộ nhưng chưa ai vào đầu tư. Nằm ở vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố Huế nhưng nhiều năm qua, nơi đây bỏ trống. Các khu nhà tại khu đất này bị xuống cấp nghiêm trọng, cỏ dại, rác thải nhếch nhác... Nhiều người dân tự ý làm nơi buôn bán, ở tạm.

Khu đất góc ngã tư Nguyễn Huệ- Nguyễn Tường Tộ bỏ hoang nhiều năm

Ông Nguyễn Thanh Hoàng, ở phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế than phiền: “Những trụ sở của nhà nước để không như thế này vừa lãng phí, vừa mất mỹ quan đô thị thành phố. Huế là thành phố du lịch, nếu mấy chỗ ni đầu tư xây dựng khách sạn để thu hút khách du lịch thì tốt cho tỉnh nhiều hơn, để ri quá phí. Huế muồn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì cần phải chỉnh trang lại những khu vực này, chứ còn để như ri thì hơi khó.”

Đường Lê Lợi, con đường đẹp nhất ven bờ nam sông Hương, thành phố Huế hiện có nhiều trụ sở của các cơ quan nhà nước cũng bị bỏ hoang. Đầu năm 2022, các đơn vị như Sở Y tế, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nhà báo…, có trụ sở trên trục đường Lê Lợi đoạn từ đường Bà Huyện Thanh Quan đến Hoàng Hoa Thám đã dời về làm việc tại Trung tâm Hành chính công. Từ đó đến nay, những trụ sở cũ của các đơn vị này đều cửa đóng, then cài. Nhiều nơi không có người trông coi, ngổn ngang rác thải, bị người dân chiếm dụng buôn bán… Ông Lê Trung Thành, một người dân thành phố Huế bày tỏ bức xúc: “Những ngôi nhà này rất đẹp, ở Huế có nhiều nhà như thế này nhưng chừ không có người ở thì sẽ bị hư. Nhiều nhà bỏ hoang quá uổng, tiếc lắm. Tôi là người dân đây nhìn thấy rất tiếc, quá uổng, để không phí quá.”

Trụ sở của sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế bỏ hoang nhiều năm.

Ngoài những trụ sở cũ nằm trên các đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Tường Tộ…, thành phố Huế hiện còn nhiều vị trí “đất vàng” khác bị bỏ hoang do nhà đầu tư chậm triển khai dự án. Nhiều nhà đầu tư khó tiếp cận dự án do vướng nhiều quy định liên quan cơ chế quản lý tài sản công, luật đất đai…, dẫn đến lãng phí tài sản nhà nước và tài nguyên đất đai.

Theo quy hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, sau khi di chuyển các đơn vị về nơi làm việc mới, các khu đất nằm ở vị trí trung tâm thành phố Huế được quy hoạch xây dựng các khu thương mại, dịch vụ để kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, hiện nhiều công trình trên trên đất vẫn còn sử dụng được, theo quy định phải tổ chức bán đấu giá theo cơ chế quản lý tài sản công. Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thừa nhận, việc bỏ hoang các trụ sở cũ của các cơ quan, đơn vị rất lãng phí nhưng rất khó thay đổi do vướng các quy định, nhà đầu tư khó tiếp cận dự án…

“Trụ sở cơ quan như vậy, bây giờ bán theo cơ chế tài sản công, trả tiền một lần. Trong khi đó, bán theo cơ chế luật Đất đai thì có thể trả tiền hàng năm. Trụ sở các cơ quan dọc trục đường chính, ‘đất vàng’, bây giờ không có nhu cầu sử dụng nữa phải đập đi nhưng buộc phải mua. Chúng tôi rất bức xúc. Chúng tôi đã làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường, mong thay đổi chính sách cho phù hợp. Nếu không thay đổi thì tôi bảo đảm rằng, cả trục đường Lê Lợi, trụ sở của các cơ quan Nhà nước không thể kêu gọi đầu tư được”- ông Quý Phương nói.

Cảnh nhếch nhác bên trong trụ sở cũ của Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế.

Nhà cửa bỏ không, đầy cỏ dại.

Rác thải ngập ngụa.

Trụ sở cũ của Sở Du lịch Thừa Thiên Huế.

Mái ngói mục nát.

Nhiều căn phòng bị hư hỏng.

Rác, chất thải ngổn ngang.

Ngôi biệt thự cổ Pháp tại số 26 Lê Lợi, nơi làm việc cũ của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế

Cửa đóng, then cài

Trụ sở cũ của Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế, số 22 đường Lê Lợi

Trụ sở cũ của Sở Y tế Thừa Thiên Huế số 28 đường Lê Lợi

Vinh Thông/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/bat-dong-san/vuong-quy-dinh-nhieu-nha-cong-san-giua-thanh-pho-hue-danh-bo-trong-post1035159.vov