Vương triều rực rỡ bị lãng quên

Phát lộ Cấm Mít cho thấy từ thế kỷ XIII-XIV, vương quốc Chăm Pa rất hùng mạnh và thịnh vượng, trong khi người Việt đang vất vả chống quân Nguyên Mông xâm lược

Dấu tích của một nền văn hóa Chăm Pa rực rỡ cùng đền đài, cung điện nguy nga bị chôn vùi cả ngàn năm qua đã được phát hiện trong cuộc khai quật di chỉ vương triều Chăm Pa ở Cấm Mít (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Hơn 600 hiện vật cổ

Qua thời gian, di tích Chăm Pa tại khu vực Cấm Mít đã bị tàn phá nặng nề. Vào những năm 1980, người dân ở đây đã lấy gạch tại di tích này về xây móng nhà và các công trình phúc lợi. Các hiện vật như linga, yoni cùng bệ thờ được người dân mang về lưu giữ tại làng Dương Lâm (thôn Dương Lâm, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Vì vậy mà trong một thời gian ngắn, di tích Chăm Pa ở Cấm Mít chỉ còn lại nền móng trơ trọi. Năm 2008, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã đến khảo sát và mang về một bệ yoni cùng 2 tấm tympan. Từ đó, di tích Cấm Mít như chìm vào quên lãng.

Nhà khảo cổ Nguyễn Ngọc Chất, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chia sẻ tháng 6-2012, các nhà khảo cổ đã đến Cấm Mít và xác định nơi đây từng tồn tại những đền tháp bị chôn vùi cả ngàn năm qua. Ở diện tích khảo cổ 500 m2, dưới tầng sâu 2,5 m, những nền móng, tường bao, tháp thờ chính, tháp cổng, nhà đài… nguy nga cùng hơn 600 hiện vật cổ dần hiện ra.

Lá vàng hình voi khai quật tại Cấm Mít (trên) và Linga vàng phát hiện ở Cát TiênẢnh Hà Đặng

Kết quả khai quật cho thấy di tích Cấm Mít là tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất thấp gồm 3 đền tháp nằm ngang theo trục Bắc - Nam. Ba tháp chính đều có bình đồ hình vuông, trong đó tháp giữa có quy mô lớn nhất, được xây dựng vào khoảng thế kỷ X đến thế kỷ XI. Tháp Bắc và tháp Nam được bổ sung sau và nhỏ hơn, xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII hoặc XIV. Tháp Công và nhà dài cũng được phát hiện trong đợt khai quật này, đồng thời qua đó cũng đã khám phá ra kỹ thuật xây dựng đền tháp của người Chăm.

Theo nhà khảo cổ Nguyễn Ngọc Chất, phần móng được người Chăm chú trọng liên kết bằng các phụ gia có độ kết dính cao như nhựa thực vật, đất sét trộn với gạch non, sỏi laterite phong hóa. Qua thời gian nó vẫn trường tồn dù bị chôn sâu dưới lòng đất. Trong khi đó, các trụ tường, trụ ốp cửa... được người Chăm xưa sử dụng kỹ thuật mài chập tạo mặt phẳng cho việc khắc tạc trực tiếp hoa văn trên tường gạch.

Những bí ẩn của hố thiêng trong khu khai quật Cấm Mít khiến nhiều nhà khoa học đau đầu. Hố thiêng được xây dựng ở trung tâm nền móng tháp, thành hố xây vát taluy bằng gạch vỡ, đất laterite, đất sét trộn nhựa thực vật. Lớp trên lòng hố được lát bằng gạch, phía dưới lót lớp cát màu vàng rải cùng đá cuội. Sát đáy lại đặt hai mảnh kim loại rất mỏng, phủ lớp cát biển màu trắng xám. Trong hố còn có lẫn năm hạt thủy tinh và một số đá thạch anh nhỏ… Các nhà khảo cổ cho rằng với quy mô, kết cấu của ba hố thiêng được phát hiện trong các tháp chính cho thấy sự chú trọng đến nghi lễ và nghệ thuật phong thủy trong trấn yểm. Ngoài đền thờ các vị thần Hindu giáo (Shiva, Brahma, Vishnu…), hố thiêng còn như một tháp mộ để thờ người chết.

Theo TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, còn quá nhiều khoảng trống trong văn hóa Chăm mà chúng ta chưa biết tới và đợt khai quật này đã đưa lên khỏi mặt đất những hiện vật vô cùng quý giá, thể hiện một giai đoạn rất thịnh vượng của vương quốc Chăm Pa.

Tinh hoa di tích Cát Tiên

Sau khi khu di tích Cát Tiên (thôn 1, xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) được phát hiện vào năm 1984, các nhà khảo cổ đã thực hiện nhiều đợt điều tra, đào thám sát và sau đó là cuộc khai quật. Qua đó, phát hiện 335 hiện vật bằng đá, kim loại cùng khoảng 400 mảnh vỡ của các loại đồ gốm.

Những phát hiện khảo cổ này đã dẫn đến một cuộc hội thảo khoa học mà ở đó, các ý kiến đều thống nhất khẳng định Cát Tiên là thánh địa của một tiểu vương quốc cổ chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Cát Tiên là đỉnh cao tựu trung nhiều tinh hoa trên nhiều lĩnh vực mà không một di tích nào hiện biết trên khu vực có thể so sánh được. Đây cũng là nơi hội tụ của nhiều luồng văn hóa khác nhau trong cùng thời kỳ lịch sử. Các kiến trúc phát hiện ở Cát Tiên gần gũi với các kiến trúc Chăm Pa và Chân Lạp, đồng thời có nhiều điểm tương đồng với hệ thống các di tích văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo ở Nam Bộ.

Một cuộc khai quật hàng chục điểm trên các gò cao và vùng thấp trong và quanh khu vực Cát Tiên cũng được tiến hành sau hội thảo này, kéo dài từ cuối năm 2001 đến năm 2004. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy linga vàng ở độ sâu 3 m. Rất nhiều di vật quý cũng được phát hiện với nhiều loại hình mới như tượng nữ thần Uma đứng trên đầu con trâu; hộp bạc chạm gò hình sư tử; linga bằng đồng đúc rỗng; 1 hộp bạc hình linga phồn thực, bên trong có chứa một linga bằng vàng; 3 hộp bằng gốm hình linga phồn thực, bên trong mỗi hộp có chứa một loại linga bằng bạc, bằng sắt và một linga bằng ngà đã mủn nát... Ngoài ra, còn rất nhiều khuôn đúc đồ trang sức cùng các loại hũ, bình có vòi, ly chén nhỏ bằng gốm, cà ràng hình mõm thú…

Độc nhất Đông Nam Á

Theo đánh giá của các chuyên gia, những hiện vật này đã bổ sung và làm phong phú thêm bộ sưu tập hiện vật Cát Tiên. Trong đó, bộ sưu tập linh vật thờ linga, yoni được làm từ nhiều loại chất liệu khác nhau là sưu tập hiện vật quý hiếm mà cho tới nay chưa có một di tích khảo cổ nào ở Việt Nam và Đông Nam Á có được.

Bằng phương pháp phân tích phóng xạ cacbon và phân tích so sánh đối chiếu, các nhà khảo cổ đã định niên đại của di tích là từ thế kỷ IV-XI sau Công nguyên và có sự diễn biến qua hai giai đoạn, tương tự các giai đoạn phát triển của văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo và văn hóa Chăm Pa. Trong đó, các di chỉ cư trú, mộ táng và đền thờ thuộc giai đoạn sớm, niên đại đoán định vào thế kỷ IV-VII. Các kiến trúc tháp thờ, nhà tháp, đài thờ có niên đại khoảng từ thế kỷ VII-XI.

Kỳ tới: Lịch sử trên con tàu đắm

Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/vuong-trieu-ruc-ro-bi-lang-quen-20180420214005209.htm