Vượt khó, chinh phục ước mơ

'Chỉ có con đường học, tiếp cận tri thức mới giúp mình chọn lựa được nghề nghiệp phù hợp năng lực sở trường. Ba mẹ em luôn động viên em rằng học cũng là cách để giúp em không lặp lại vòng luẩn quẩn bất bạt làm thuê, làm mướn quanh năm như đời ba mẹ', em Lê Thị Thanh Tâm, HS lớp 9, Trường THCS Lý Tự Trọng (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) bộc bạch.

"Chỉ có con đường học, tiếp cận tri thức mới giúp mình chọn lựa được nghề nghiệp phù hợp năng lực sở trường. Ba mẹ em luôn động viên em rằng học cũng là cách để giúp em không lặp lại vòng luẩn quẩn bất bạt làm thuê, làm mướn quanh năm như đời ba mẹ", em Lê Thị Thanh Tâm, HS lớp 9, Trường THCS Lý Tự Trọng (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) bộc bạch.

Thanh Tâm chia vui cùng ba sau giải Nhì cuộc thi "Giao thông học đường" 2019.

Căn nhà cấp 4 khá cũ kỹ của vợ chồng ông Lê Bang và bà Đặng Thị Hằng nằm phía sau con đường chạy dọc tường thành của Thành cổ Quảng Trị. Nhắc đến Lê Thị Thanh Tâm, bà con khối phố từ đầu đến cuối đường đều biết. Ai cũng khâm phục nghị lực vượt khó, vươn lên trong học tập của Tâm. Cũng không khó nhận ra điều đó thông qua những tấm giấy khen treo trang trọng trên bức tường vôi cũ. Hôm nghe tin con gái đạt giải Nhì cuộc thi Giao thông học đường 2019, ông Lê Bang đang lênh đênh làm mướn trên chuyến biển dài ngày ở tận Vũng Tàu vội vã xin chủ tàu về thăm nhà, chung vui cùng con. "Tui đi làm ngư phủ thuê cho chủ tàu ở Vũng Tàu đã 17 năm nay rồi. Mỗi năm về đôi ba lần rồi đi. Biết đi xa thì con cái thiệt thòi nhưng vì cuộc sống nên đành vậy. Lần này về để chia vui cùng cháu và động viên cháu thi vào THPT. Con học tới 9 năm nhưng ít khi ba mẹ kịp về để họp phụ huynh cho con. Cũng may là các con chăm ngoan và hiểu cho cha mẹ. Đời cha mẹ cực quá rồi, chừ cố gắng đi làm để lo cho con cái chữ, mai này kiếm được công việc ổn định thì đỡ vất vả hơn", ông Bang nói.

Quê của vợ chồng ông Bang ở tận xã miền biển Triệu Lăng (H. Triệu Phong). Hơn 30 năm trước, trong cuộc mưu sinh của gia đình buổi khốn khó, ông Bang theo người mẹ nghèo bất bạt lên tận thị xã Quảng Trị làm thuê rồi cất căn nhà nhỏ định cư bên dòng Thạch Hãn. Vốn quen nghề biển nên ngày ngày ông quay về biển làm ngư phủ thuê. Được một thời gian ngắn thì bị bệnh huyết áp cao, không thể lao động nhiều giờ trên biển dưới cái nắng gắt của miền Trung, ông Bang hỏi dò và xin vào làm tận biển Vũng Tàu, bởi ở đó các tàu thường đánh cá vào ban đêm, không khí dịu mát. Suốt 17 năm ông đi về như thế để nuôi 2 đứa con ăn học. Nhà không có ruộng nên hàng ngày bà Hằng vợ ông về tận biển mua nước mắm, mắm nêm, ruốc các loại rồi rong ruổi đi bán dạo khắp các làng quê vùng đồng bằng. Cuộc sống vất vả nên lúc nào khó khăn quá thì hai vợ chồng thường động viên nhau hướng về các con để cùng vượt qua.

Thương ba mẹ, Tâm và em trai bảo ban nhau học giỏi, chăm ngoan. 9 năm liền, Tâm đều đạt học sinh giỏi, ghi tên mình vào những giải thưởng như Violympic Toán với giải nhất cấp thị xã năm lớp 7, giải ba cấp thị xã năm lớp 9… Điểm tổng kết năm tất cả các môn học của Tâm luôn đạt trên 9 điểm, trong đó môn Toán xuất sắc nhất, đạt tới 9,9 và em luôn có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi môn học này. Tâm chia sẻ: "Mỗi ngày nhìn ba mẹ vất vả nên bản thân phải cố gắng hết mình. Ngoài việc chăm chú tiếp thu bài trên lớp, về nhà em còn sắp xếp thời gian để ôn bài thật kỹ. Bài nào chưa hiểu thì hỏi thêm bạn, thầy cô".

Không chỉ học giỏi các môn văn hóa, Tâm còn đam mê tìm hiểu về kiến thức luật giao thông. Tâm nói, việc tìm hiểu đó trước hết là giúp em đi đúng luật, sau đó phổ biến thêm cho ba mẹ, bạn bè và mọi người xung quanh để cùng chấp hành, đảm bảo an toàn giao thông. Để có thể đến với cuộc thi, Tâm tìm hiểu kiến thức ở nhiều nguồn, từ trên mạng, tìm đọc ở các sách viết về luật giao thông… Tất cả đều tự học, tự mày mò tìm kiếm. Với kết quả vòng chung kết đạt 140/150 điểm, Tâm giành giải Nhì cuộc thi "Giao thông học đường" toàn quốc năm 2019. Với Tâm, thi là cách để kiểm chứng kiến thức và em cho biết sẽ tiếp tục dự thi các năm tiếp theo nếu được để nhớ sâu hơn, lâu hơn và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày trong quá trình tham gia giao thông. Chia sẻ thêm về bí quyết ghi nhớ kiến thức an toàn giao thông, Tâm cho biết: "Em không học thuộc các bài mà học đến đâu hiểu đến đó. Gặp một câu hỏi tương tự thì vận dụng vào để làm. Quan sát và suy luận thêm từ các tình huống khi xem trên máy tính và đi trên đường".

Tốt nghiệp THCS, vì điều kiện khó khăn, Tâm chọn trường THPT thị xã Quảng Trị để tiếp tục học thay vì chọn hệ chuyên ở thành phố. Thấy ba mẹ tỏ ra tiếc nuối cho con, Tâm nói dù ở đâu, chỉ cần có nỗ lực và tinh thần học tập thì sẽ học tốt. Tâm bộc bạch: "Ước mơ của em là trở thành kỹ sư công nghệ thông tin để giúp đỡ ba mẹ và góp một chút sức mình xây dựng quê hương giàu đẹp". Tin rằng, nỗ lực của Tâm sẽ thành hiện thực, như lời cô Trương Thị An - Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: "Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng Thanh Tâm vẫn luôn biết cách vượt khó vươn lên trong học tập. Nỗ lực của em là rất đáng khâm phục".

Nguyễn Hiền

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_208877_vuot-kho-chinh-phuc-uoc-mo.aspx