Vượt khó đảm bảo chương trình giáo dục

Năm học 2022 - 2023 kết thúc, dù gặp phải nhiều khó khăn do thiếu giáo viên, đặc biệt là đối với các môn chuyên biệt, nhưng 100% học sinh các khối lớp trên địa bàn tỉnh ta đều được học các môn đảm bảo theo kế hoạch, chương trình. Đó là sự nỗ lực, gồng gánh của cả hệ thống giáo dục...

Giáo viên môn Tiếng Anh Trường Tiểu học Ẳng Nưa trong tiết dạy học sinh khối lớp 3.

Giáo viên môn Tiếng Anh Trường Tiểu học Ẳng Nưa trong tiết dạy học sinh khối lớp 3.

Năm học 2022 - 2023, ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai Chương trình GDPT năm 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Theo đó, đây là năm đầu tiên Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3. Còn đối với cấp THPT có môn học tự chọn mới hoàn toàn là Nghệ thuật (gồm 2 phân môn Âm nhạc và Mỹ thuật). Trước những thay đổi đó, giáo dục Điện Biên vốn đã thiếu giáo viên lại càng thêm khó khăn. Thống kê năm học 2022 - 2023, ngành GD&ĐT Điện Biên thiếu gần 1.800 giáo viên. Trong đó, các môn chuyên biệt thiếu 211 người (môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật).

Tại huyện Mường Nhé, ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là các môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học... đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai chương trình giáo dục của cấp tiểu học và THCS. Là khó khăn rất lớn trong việc tổ chức, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên đều đã khắc phục được, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học”.

Được biết năm học 2022 - 2023, Mường Nhé còn thiếu 305 cán bộ, giáo viên theo định mức quy định. Trong đó giáo viên Tiếng Anh thiếu 18 người, Tin học thiếu 19, Âm nhạc thiếu 7, Mỹ thuật thiếu 3, Thể dục thiếu 7. Để đáp ứng nhiệm vụ năm học, ngay từ đầu năm, UBND huyện đồng ý giao Phòng GD&ĐT hợp đồng 46 giáo viên các cấp. Đối với môn Tin học, khắc phục ngay bằng việc cử 17 giáo viên (15 Tiểu học, 2 THCS) đi bồi dưỡng Tin học để dạy theo chương trình. Với môn Tiếng Anh, có 5 - 6 giáo viên phải dạy liên xã, liên trường; nhiều giáo viên phải tăng giờ, dạy quá số tiết theo định mức.

Trường PTDTBT THCS Mường Nhé cũng chung tình trạng ấy. Thầy Dương Tiến Công, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Chúng tôi hiện có 42 giáo viên đứng lớp. Trong khi có tới hơn 1.000 học sinh, trên 600 em ở bán trú. Trường hiện có 4 giáo viên Tiếng Anh, dù định mức 17 tiết/tuần nhưng thực tế mỗi giáo viên đang phải đảm nhiệm 20 - 22 tiết/tuần. Không riêng môn Tiếng Anh mà nhiều môn khác cũng thiếu, Trường đã được tăng cường thêm 3 giáo viên (Ngữ văn và Toán), song nhiều thầy cô vẫn phải đứng lớp vượt khung mới đủ bù lấp”.

Dự báo tình trạng thiếu giáo viên tiếp tục diễn ra những năm học tiếp theo, đặc biệt là các môn chuyên biệt, Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé đã tiến hành rà soát số lượng giáo viên Tiếng Anh, Tin học còn thiếu tại các đơn vị trường để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên trong hè 2022 - 2023 nhằm đáp ứng nhu cầu dạy học cho năm học 2023 - 2024. Đồng thời đăng ký với Sở GD&ĐT để phối hợp với Đại học Thái Nguyên ký kết chương trình hợp tác, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên Tiếng Anh các cấp học, nhằm đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ngoại ngữ phổ thông, đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 và chương trình ngoại ngữ hệ 10 năm. Cùng với đó tiếp tục phối hợp với Phòng Nội vụ huyện tham mưu cho UBND huyện thực hiện công tác tuyển dụng giáo viên, đảm bảo cho công tác dạy và học đáp ứng yêu cầu.

Ở các huyện, thị, thành phố khác cũng vậy. Bước vào năm học 2022 - 2023, Mường Ảng có 106 lớp học môn Tiếng Anh ở 2 cấp tiểu học và THCS. Đội ngũ giáo viên Tiếng Anh toàn huyện khi ấy chỉ có 13 người được bố trí giảng dạy tại 9 trường. Còn 3 trường tiểu học: Mường Đăng, Mường Lạn, PTDTBT Tiểu học Bản Bua vẫn trống giáo viên môn học này. “Để đảm bảo dạy và học, Phòng GD&ĐT huyện đã xin ý kiến thực hiện điều động, biệt phái và giao thêm nhiệm vụ cho giáo viên dạy liên trường trên cùng địa bàn xã. Cùng với đó động viên, lấy tinh thần tự nguyện, sẻ chia khó khăn của giáo viên trong việc tăng giờ. Nhờ đó, học sinh khối lớp 3 toàn huyện đều được học môn Tiếng Anh, các khối lớp đều đảm bảo chương trình, kế hoạch đề ra” - ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết.

Tuy nhiên tính theo định mức, đến hết năm học, Mường Ảng vẫn thiếu 5 giáo viên Tiếng Anh. Để đảm bảo cho năm học mới, huyện xây dựng kế hoạch tuyển dụng, trong đó luôn dành chỉ tiêu cho các môn chuyên biệt. Năm 2023, huyện Mường Ảng được giao 962 biên chế viên chức ngành GD&ĐT, còn thiếu 71 biên chế so với định mức quy định. Huyện tiếp tục đề nghị tỉnh giao bổ sung biên chế giáo viên đáp ứng việc dạy và học.

Bằng nhiều giải pháp khác nhau, ngành GD&ĐT tỉnh ta đã linh hoạt tổ chức tốt chương trình giáo dục các cấp, đặc biệt là dạy học các môn chuyên biệt phù hợp với điều kiện cụ thể. Không để trường, lớp nào bị gián đoạn hoặc không được học môn nằm trong chương trình giáo dục bắt buộc. Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT nhận định: “Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn tỉnh mặc dù còn thiếu nhiều, song việc triển khai Chương trình GDPT năm 2018 vẫn được tiến hành đảm bảo lộ trình, kế hoạch thời gian theo quy định. Giáo viên thường xuyên được cử đi bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đội ngũ giáo viên dạy chuyên còn thiếu ở các cấp học (Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ, Tin học, Thể dục) luôn có chỉ tiêu, liên tục được tuyển dụng bổ sung nhiều đợt trong năm, từng bước đảm bảo về cơ cấu đội ngũ, đáp ứng dạy và học”.

Nhưng để khắc phục triệt để tình trạng thiếu giáo viên, tạo thuận lợi cho những năm học tiếp theo, ngành GD&ĐT tiếp tục áp dụng những kinh nghiệm có được trong bố trí, sắp xếp, tuyển dụng giáo viên, đồng thời triển khai các giải pháp mang tính lâu dài: Tuyên truyền, vận động giáo viên học văn bằng 2; thực hiện chế độ cử tuyển ngành sư phạm các môn chuyên biệt; phân luồng học sinh, rà soát sắp xếp quy mô trường lớp để tiết kiệm biên chế, giảm áp lực cho giáo viên...

Bảo Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/giao-duc/206078/vuot-kho-dam-bao-chuong-trinh-giao-duc