Vượt khó để thích ứng dạy học Chương trình và SGK lớp 1 mới

Thực tế triển khai tại các địa phương, nhà trường cho thấy, nội dung chương trình SGK lớp 1 mới được đánh giá cao, dù còn khó khăn nhất định nhưng GV và HS đã kịp thời thích ứng trong dạy và học.

Học sinh tại Thái Bình trong một tiết học theo sách giáo khoa mới. Ảnh: Bích Hà (Báo Lao động).

Nỗ lực vượt khó

Thầy Phạm Văn Tường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long – huyện Yên Minh, Hà Giang cho biết: 100% HS của trường là người dân tộc (Mông, Dao, Giáy…).

Bước sang tuần thứ 4 triển khai Chương trình và SGK lớp 1, thầy Phạm Văn Tường nhận thấy HS đã tiếp cận được chương trình. So với triển khai chương trình Công nghệ giáo dục năm trước, Chương trình GDPT 2018SGK lớp 1 mới, HS không khó khăn trong việc đánh, ghép vần, chữ ở thời gian đầu. Hơn thế, chương trình được thiết kế với biên độ mở nên GV có thể linh hoạt vận dụng, điều phối nội dung, thời lượng phù hợp với HS. Trường đã triển khai 2 tuần làm quen chương trình lớp 1, HS được tăng cường tiếng Việt, tập làm quen nền nếp…, HS gần như đã tiếp cận được với chương trình, môn học.

Thầy Phạm Văn Tiếp – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 xã Sán Chải (huyện Si Ma Cai – Lào Cai) nhận định: Chương trình và SGK lớp 1 được thiết kế hay. Tuy nhiên, sau 4 tuần triển khai tại trường, kiến thức và thời lượng đi nhanh hơn so với tiếp nhận của HS. Nguyên nhân được thầy Tiếp chỉ ra: 100% HS người dân tộc không thông thạo tiếng phổ thông, trong đợt dịch Covid-19 phải nghỉ học khá dài nên việc làm quen với tiếng phổ thông chưa hiệu quả. Cùng đó, các em chuyển từ chơi sang học nên chưa làm quen với việc học ở tiểu học. Đặc biệt, năm nay sau tựu trường HS bước vào học tập ngay, không có tuần làm quen chương trình như những năm trước nên GV mất thời gian nhiều hơn cho việc ổn định nền nếp, tăng cường tiếng Việt. GV phải dành thời gian chuyển tải lại nội dung, chương trình từ tiếng phổ thông sang tiếng dân tộc để HS có thể dễ dàng tiếp thu hơn.

Tuy nhiên, trên tinh thần “khó đâu gỡ đó” thầy Tiếp cho biết ngành GD-ĐT Lào Cai đã chỉ đạo việc dạy học đi đúng tiếp cận của HS, không bỏ tắt chương trình để “chạy theo” tiến trình chung. Về mặt thời gian, dung lượng sẽ được GV linh hoạt trong giảng dạy để bảo đảm mục tiêu cuối cùng của lớp 1. Hơn thế, nhà trường đã tăng cường thêm 1 GV cùng hỗ trợ giảng dạy cho HS lớp 1. Như vậy, mỗi lớp 1 sẽ có 2 GV vừa dạy, vừa uốn nắn học sinh...

GS.TS Lê Phương Nga – giảng viên cao cấp Khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ: HS mới bước sang tuần học thứ 4, tôi thấy chương trình Tiếng Việt 1 chưa có gì quá nặng nề.

Để đạt được mục tiêu cuối cùng là HS biết đọc, biết viết, chương trình SGK Tiếng Việt 1 nào cũng phải thiết kế có đủ 29 chữ cái và khoảng 140 âm vần. So với chương trình Tiếng Việt lớp 1 những năm trước, chương trình Tiếng Việt 1 hiện nay tăng thêm 2 tiết/tuần. Tuy nhiên, 2 tiết tăng thêm nhằm giảm tải, cho HS có nhiều thời gian hơn để thực hành đọc, viết chữ cái và âm vần.

Mặt khác, trong SGK Tiếng Việt 1 các chủ biên đã chú ý hình thành năng lực đọc hiểu và viết sáng tạo bằng cách đưa nội dung đọc hiểu dạy ngay từ giai đoạn học vần, có nội dung viết sáng tạo (viết câu, đoạn) chứ không chỉ viết kĩ thuật như SGK theo chương trình trước đây. SGK Tiếng Việt 1 cũng sử dụng nhiều biện pháp và kĩ thuật biên soạn để hiện thực hóa các nguyên tắc tích hợp, giao tiếp, tích cực hóa hoạt động và kích thích hứng thú của học sinh… Như vậy, các tác giả không chỉ trình bày nội dung học tập mà cố gắng tối đa cách học của HS trên từng trang sách. Phương châm biên soạn đã hướng tới dễ và thú vị hóa, bảo đảm sự thành công của HS ngay từ những ngày đầu đến trường.

Về phía GV cũng nhận định, nội dung, thời lượng chương trình phù hợp, GV dễ dàng triển khai dạy học, phương pháp đơn giản, tiến trình ngắn gọn… HS dù mặt bằng chưa cao nhưng đã tiếp cận chương trình.

Cô Kiều Bích Thủy, GV dạy lớp 1 Trường Tiểu học Ninh Thắng (huyện Hoa Lư – Ninh Bình) nhận định: HS mới vào học 1 tháng với bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” nhưng khả năng tiếp thu khá ổn, không quá khó khăn trong quá trình học tập. Kiến thức trong chương trình mới gần gũi với HS. Thậm chí, so với chương trình cũ (Công nghệ giáo dục), Chương trình GDPT 2018 khá nhẹ nhàng, hợp lý với cả GV và HS.

Cô Thủy cho rằng: Năm nay, HS mầm non phải nghỉ học nhiều do dịch Covid-19 khiến việc làm quen nền nếp, kĩ năng khi vào lớp 1 khá hạn chế. Cùng đó, học lớp 1, các em chuyển từ chơi sang học nên còn nhiều bỡ ngỡ…, trong quá trình HS tiếp cận chương trình có chậm hơn một chút cũng là đương nhiên.

Theo cô Thủy, với những đặc thù trên khi triển khai Chương trình GDPT 2018, trong một lớp có HS có thể đọc được ngay âm, tiếng, từ nhưng có HS vẫn đánh vần. Điều này là bình thường trong quá trình triển khai và không có gì đáng lo lắng bởi GV vẫn phải bảo đảm được mục tiêu cuối cùng khi kết thúc năm học là giúp HS đọc thông, viết thạo 29 chữ cái và khoảng 140 âm vần. Tuần này HS chưa đọc nhanh nhưng sang tuần sau khi đã ổn định nền nếp, thói quen, cách học…, các em hoàn toàn có thể tiếp cận đúng tiến độ và thậm chí nhanh hơn so với yêu cầu.

Cô và trò Trường TH Ninh Thắng (Hoa Lư - Ninh Bình) trong tiết Tiếng Việt 1.

Nhà trường, gia đình cùng kết hợp giáo dục

Thầy Phạm Văn Tiếp cho biết: Việc hỗ trợ học tập cho HS lớp 1 khi bán trú tại trường không gặp khó khăn bởi GV sẽ thay thế bố mẹ kèm cặp từ thứ 2 - 6. Vì có thời gian gắn bó với HS trên lớp và tại trường, các thầy cô nắm bắt được khả năng, tiếp thu của từng HS. Từ đó sẽ có phương pháp và nội dung bồi dưỡng phù hợp trong giờ học tập ngoại khóa.

Ngoài ra, nhà trường cũng kết hợp với gia đình cùng hướng dẫn, kèm cặp khi HS về nhà vào 2 buổi cuối tuần. Việc tăng cường kiến thức, ngôn ngữ có thể chỉ thông qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, vui chơi… nhưng đều có tổng kết, rút kinh nghiệm thường xuyên để nâng cao hiệu quả.

Tại Trường Tiểu học Ninh Thắng (huyện Hoa Lư – Ninh Bình), để hỗ trợ HS lớp 1 tiếp cận và nhập cuộc tốt với chương trình, GV chủ nhiệm đã gặp gỡ phụ huynh để trao đổi, hướng dẫn cách kèm cặp tại nhà (nội dung kiến thức này nên hướng dẫn ra sao; quan tâm đến việc chuẩn bị đồ dùng học tập trước khi đến lớp...). Sự phối hợp này không nhằm khuyến khích hay hỗ trợ bố mẹ dạy thêm con ở nhà mà chỉ giúp phụ huynh nắm bắt được kiến thức con mình có tới đâu? Đã học gì? Học như thế nào…

HS đã học 2 buổi/ngày nên việc kèm con học tại nhà diễn ra nhiều nhất trong khoảng 30 phút. Bố mẹ chỉ kiểm tra con học gì ở lớp, có thể cho con đọc lại bài đã học trong SGK. Việc hỗ trợ việc học tập cho con phải nhẹ nhàng, có thể thông qua trò chơi, giao tiếp. Đặc biệt phụ huynh không dạy kiến thức mới, không làm thay nhiệm vụ của GV. Những vấn đề thuộc về kĩ thuật dạy học trên lớp là nhiệm vụ của GV, cha mẹ không thể, không nên thay thế. - Cô Kiều Bích Thủy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/vuot-kho-de-thich-ung-day-hoc-chuong-trinh-va-sgk-lop-1-moi-5QxokwFMg.html