Vượt khó mùa dịch

Nhiều bạn trẻ làm trong các ngành dịch vụ đã lâm vào cảnh mất việc vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Không ngồi yên chịu trận, các bạn trẻ đã thử sức với công việc mới, hướng đi mới để 'vượt khó' mùa dịch.

“Cô nuôi dạy trẻ thời vụ” là một trong những công việc được nhiều bạn trẻ lựa chọn

Tìm việc vào thời điểm này rất khó, nhưng chỉ 2 tuần sau khi nghỉ việc tại một nhà hàng, Ngọc Trâm (22 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) đã nhanh chóng có công việc mới. Phòng chống dịch Covid-19, tất cả học sinh được cho nghỉ học nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện gửi con cho ông bà, họ hàng. Nắm bắt được nhu cầu, Trâm đã hỏi từng gia đình có trẻ nhỏ trong khu mình sống, xin làm bảo mẫu. Từ đây, Trâm trở thành cô nuôi dạy trẻ thời vụ. Trâm được “tuyển” vào để giữ một học sinh lớp 4 và một bé 3 tuổi. Những tuần đầu, cô gặp không ít khó khăn khi đi làm trái ngành. Mỗi ngày giữ trẻ, Trâm được trả 300.000 đồng, tuy thấp so với mức thu nhập khi còn làm ở nhà hàng nhưng vẫn hơn là ở không chờ qua dịch. Cô cũng đã khuyên bạn bè đang thất nghiệp làm thử nhưng không phải ai cũng đạt yêu cầu và được tuyển dụng. “Các bà mẹ thường chỉ chọn những người quen biết sống gần nhà, tính tình vui vẻ hòa đồng. Nếu có nghiệp vụ sư phạm thì càng tốt, còn không, các ứng viên phải thể hiện rằng mình rất yêu trẻ con, các mẹ mới yên tâm giao phó”, Thiên Ngân (28 tuổi, ngụ quận 5, TPHCM) chia sẻ.

Ngoài làm bảo mẫu toàn thời gian, các công việc bán thời gian như gia sư, giao hàng, dịch sách tại nhà… cũng đang rất cần “nhân sự”. Trong đó, ngành “hot” nhất thời điểm này chính là giao hàng và giao đồ ăn. Nếu chăm chỉ, mỗi ngày shipper (nhân viên giao hàng) có thể kiếm được 300.000 - 700.000 đồng. “Từ khi dịch, mọi người bắt đầu đặt đồ ăn giao tận nơi nhiều hơn nên thu nhập khá hơn hẳn. Do thường xuyên phải tiếp xúc với người lạ và để đảm bảo an toàn cho bản thân, khách hàng, tôi luôn trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ như khẩu trang, kính, bao tay y tế…”, Minh Hiếu (23 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) cho biết.

Sau khi TPHCM công bố thêm nhiều ca mắc bệnh Covid-19, nhiều người đã hạn chế đến các nơi đông người và cũng ngại đi chợ, siêu thị mua thực phẩm. Việc buôn bán ế ẩm, nên Thùy Vân (27 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) đã cung cấp dịch vụ đi chợ hộ. Vân đang kinh doanh một cửa hàng nông sản sạch và cũng quen biết được khá nhiều nhà cung cấp thực phẩm nên dịch vụ đi chợ hộ đã giúp cho việc kinh doanh của cô và bạn hàng.

Khách hàng sẽ liên hệ với Vân hoặc nhân viên của cô thông qua Facebook của cửa hàng hoặc số điện thoại để đặt những thực phẩm cần mua. Vào mỗi buổi tối, cô sẽ chốt đơn hàng và liên hệ trực tiếp với nhà cung cấp. Sáng hôm sau, thực phẩm tươi ngon sẽ được giao đến cửa hàng và nhân viên sẽ giao tận nhà khách hàng. “Cách làm này sẽ giúp thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt cá được bảo quản đúng cách cho đến tận cửa người mua. Ngoài ra, thực phẩm cũng hạn chế được tình trạng tiếp xúc với nhiều người trước khi được đem về nhà”, Thùy Vân chia sẻ. Khách hàng truyền tai nhau về dịch vụ tiện lợi này, khiến số lượng đơn hàng tăng lên rất nhanh, doanh số còn cao hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát.

Đối với nhiều bạn trẻ, dịch bệnh đã khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn nhưng cũng là cơ hội để khẳng định thương hiệu với khách hàng. Thanh Thúy (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Kinh tế) chuyên kinh doanh các món đặc sản miền Tây đã tạm dừng kinh doanh các thực phẩm sống như nem chua, chả, cua tôm vì khi vận chuyển bằng xe khách sẽ không đảm bảo an toàn. Chỉ nhận đơn hàng khi cô trực tiếp về quê mua và vận chuyển. Thay vào đó, cô tăng cường các loại trái cây có nhiều vitamin C như ổi, cam, bưởi… Được nghỉ dài ngày nên Thúy còn nghiên cứu các món ăn bồi dưỡng sức khỏe và tăng cường đề kháng, sau đó quay clip lại hướng dẫn mọi người cùng làm. Thông qua những clip ngắn này, Thúy cũng nói thêm về cách phòng chống dịch Covid-19. Chỉ trong hơn 2 tháng, lượng theo dõi trang bán hàng của Thúy đã tăng thêm 3.000 và lượng khách đặt hàng cũng tăng đáng kể.

LÊ DUY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vuot-kho-mua-dich-653171.html