Vượt khó trên vùng đất dốc (tiếp theo và hết)

Bên cạnh việc phát huy sức mạnh nội lực, Sơn La chủ động mời các doanh nghiệp (DN) lớn cùng các hợp tác xã (HTX), đơn vị thu gom để xây dựng kế hoạch phối hợp, ký hợp đồng kinh tế cùng triển khai thực hiện từ khâu chăm sóc đến thu gom, chế biến, xuất khẩu (XK). Ngoài ra, Sơn La còn hướng tới chế biến sâu, tạo đầu ra bền vững cho vùng nông sản mới.

Ngày hội na Mai Sơn tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La

NDĐT - Bên cạnh việc phát huy sức mạnh nội lực, Sơn La chủ động mời các doanh nghiệp (DN) lớn cùng các hợp tác xã (HTX), đơn vị thu gom để xây dựng kế hoạch phối hợp, ký hợp đồng kinh tế cùng triển khai thực hiện từ khâu chăm sóc đến thu gom, chế biến, xuất khẩu (XK). Ngoài ra, Sơn La còn hướng tới chế biến sâu, tạo đầu ra bền vững cho vùng nông sản mới.

Kỳ 3: Để Sơn La thành vùng trồng cây ăn quả an toàn

Chủ động xây dựng thương hiệu

Dự kiến đến năm 2020, diện tích cây ăn quả tại Sơn La sẽ cán mốc con số 100 nghìn ha, sản lượng ước đạt hơn một triệu tấn. Xác định phải gắn sản xuất với thị trường (TT) tiêu thụ, Sơn La đã thành lập riêng một Ban Chỉ đạo 598 trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành, huyện ủy, UBND các huyện xây dựng kế hoạch triển khai. Đặc biệt trong ban có riêng một Tổ nghiên cứu, phân tích và dự báo TT, thường xuyên cập nhật thông tin để phục vụ công tác lãnh đạo. Tại cấp huyện cũng chia ra làm các tổ công tác chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ, XK nông sản do lãnh đạo chủ chốt đứng đầu chịu trách nhiệm. Với mỗi loại trái cây, Sơn La xây dựng kế hoạch tiêu thụ chi tiết, trong đó giao nhiệm vụ cho từng đơn vị cụ thể.

Nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu trong quảng bá, xúc tiến thương mại, Sơn La đã xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trái cây. Nếu như năm 2015, mới chỉ có quả xoài tròn Yên Châu được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý thì tới nay, Sơn La đã có thêm sáu sản phẩm quả được bảo hộ nhãn hiệu, gồm: nhãn Sông Mã - Sơn La, cam Phù Yên - Sơn La, táo Sơn tra - Sơn La, bơ Mộc Châu - Sơn La, na Mai Sơn - Sơn La, chuối Yên Châu – Sơn La.

Bên cạnh đó, Sơn La chủ động đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm TT tiêu thụ để bán các sản phẩm giúp người nông dân. Cuối tháng 7-2019, tỉnh Sơn La tổ chức hàng loạt sự kiện Nhãn và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019 tại các siêu thị lớn của Hà Nội như: Big C Thăng Long, Lotte Mart, Hapro Mart… Đến nay, đã có 67 chuỗi cung cấp hoa quả của Sơn La kết nối với các chợ đầu mối tại Hà Nội. Ngoài ra, thông qua các hội nghị, sự kiện tại các địa phương khác, Sơn La đã kết nối được với doanh nhân của các tỉnh như Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh để XK nông sản sang các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc).

Ngày 5-8-2019, quầy hàng giới thiệu nông sản an toàn, XK, quảng bá du lịch và xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La sẽ được khai trương tại Nhà khách Thanh Xuân (Hà Nội).

Từ năm 2018, Sơn La đã tổ chức nhiều hoạt hoạt động xúc tiến thương mại và coi XK chính ngạch sang TT Trung Quốc là một hướng đi bền vững. Sơn La cũng chủ động phối hợp các cơ quan chuyên môn của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để mở rộng các TT XK trái cây sang các nước khác.

Hiệu ứng từ xuất khẩu

Bên cạnh việc phát huy sức mạnh nội lực, Sơn La cũng chủ động mời các DN lớn vào chung tay cùng các HTX, đơn vị thu gom xây dựng kế hoạch phối hợp, ký biên bản hợp tác, hợp đồng kinh tế cùng triển khai thực hiện từ khâu chăm sóc đến thu gom, chế biến, XK. Hơn ba năm nay, đã có nhiều DN tìm đến với Sơn La, trong đó kể đến: Công ty CP Nông lâm nghiệp Cánh đồng vàng, Công ty CP thực phẩm XK Đồng Giao, Công ty TNHH Agricare Việt Nam, Công ty CP Thương mại & Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam, Công ty CP Nafoods Tây Bắc… Cùng với các HTX, các DN này đóng vai trò “chất xúc tác” quan trọng giúp Sơn La nhanh chóng bắt nhịp xu hướng sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn thế giới.

Chanh leo GobalGAP của Sơn La nhận được nhiều sự quan tâm của các khách quốc tế.

Năm 2018, lần đầu tiên Sơn La đưa được xoài, nhãn, thanh long vào Mỹ. Là DN đầu tiên đưa trái cây Sơn La sang Mỹ, bà Phùng Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty CP Thương mại & Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam cho biết, việc một thị trường khó tính vào loại bậc nhất thế giới chấp nhận nhập khẩu trái cây của Sơn La là tin vui cho cả nông dân và DN, tạo thế chủ động trong quá trình đàm phán ở các TT khác. “Đơn cử, năm 2018, DN chúng tôi đã giữ được ổn định mức giá nhãn Sơn La xuất sang Trung Quốc chính nhờ việc lần đầu tiên nhãn Sơn La được lên đường sang Mỹ. Còn năm nay, nhờ việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại mà giá xoài của Sơn La đã tăng lên gấp đôi so năm ngoái”, bà Hương chia sẻ.

Nhờ những giải pháp chủ động trong tiêu thụ, sáu tháng đầu năm 2019, giá trị nông sản XK toàn tỉnh Sơn La đạt 78 triệu USD, đạt hơn 50% so kế hoạch năm 2019. Đặc biệt, vụ mùa năm nay, Sơn La đã mở rộng thêm được ba thị trường XK trái cây mới tại Anh, Bỉ, Campuchia. Giờ đây, trái cây Sơn La đã trở thành một thương hiệu, xuất hiện tại nhiều siêu thị lớn trên toàn quốc và dần ghi dấu ấn ở TT XK lớn.

Hiệu ứng của thương hiệu trên các TT XK lớn cũng giúp sản xuất nông nghiệp của Sơn La đạt cả ba tiêu chí: được mùa, được giá, được thu nhập cao.

Trong sáu tháng đầu năm 2019, trung bình giá thu mua nông sản cao hơn từ 1,5 - 2 lần so năm 2018. Anh Trung Đức, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Vân Hồ chia sẻ: “Những năm trước, mận hậu mua tại vườn chỉ dao động từ 10 nghìn – 20 nghìn đồng/kg, có lúc chỉ 5.000 đồng/kg, nhưng năm nay giá tăng cao đột biến. Trung bình giá mua tại vườn lên tới 30 nghìn đồng/kg, vào lúc đầu và cuối vụ, giá mận bán lẻ ở Hà Nội và các trung tâm thương mại lớn lên tới hơn 100 nghìn đồng/kg. Có thương hiệu, có TT tiêu thụ nên nhiều hộ nông dân trồng mận năm nay thắng lớn, đạt thu nhập tiền tỷ.”

Tiến tới chế biến sâu

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lò Minh Hùng, việc đẩy mạnh sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, XK nông sản luôn được Sơn La xác định là nhiệm vụ trong tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, trong đó XK là khâu đột phá. Muốn ra được chợ lớn, trái cây không chỉ thơm, ngon, an toàn, bổ dưỡng, mà phải đáp ứng được quy chuẩn của thị trường từng nước. Để làm được điều đó, Sơn La đã đẩy mạnh việc thực hiện quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP), sản xuất hữu cơ, xin cấp mã vùng trồng XK, gắn tem nhãn điện tử thông minh, xây dựng thương hiệu...

Vai trò của các nhà máy chế biến, sơ chế, bảo quản nông sản là vô cùng quan trọng. Song đến giờ phút này, các dự án xây dựng nhà máy đều đang chậm tiến độ, mới chỉ có duy nhất Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả XK của Tập đoàn Nafoods tại huyện Mộc Châu đã đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, xu hướng sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn đã hình thành nhưng tỷ lệ còn thấp, mới đạt hơn 20% diện tích; khâu thu hoạch, bảo quản, sơ chế, nhãn, mác phục vụ XK chưa đồng bộ...

Sơ chế xoài trước khi đưa đi xuất khẩu.

Về vấn đề này, ông Lò Minh Hùng cho biết, nhìn nhận nghiêm túc về câu chuyện đầu ra, Sơn La không chủ trương phát triển đại trà, mà đang tập trung tổ chức vùng nguyên liệu sản xuất theo các tiêu chí an toàn, bảo đảm chất lượng, có sức cạnh tranh. Đây là những tiền đề để chuẩn hóa chất lượng, đưa trái cây ở các vùng sản xuất về chung một thương hiệu. Những tồn tại trong giai đoạn II của đề án trồng cây ăn quả trên đất dốc đang đặt ra cho Sơn La một bài toán cần gấp rút triển khai những giải pháp tháo gỡ, nếu không muốn nguy cơ “vỡ trận”, sản xuất mà không tiêu thụ được! Đặc biệt, Sơn La đang tập trung dùng Ngân sách nhà nước cho công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng đến chân hàng rào nhà máy để thu hút các Tập đoàn kinh tế, DN đầu tư nhà máy chế biến nông sản. Từ nay đến năm 2020, khi các nhà máy chế biến công nghệ cao đi vào hoạt động thì đầu ra cho sản phẩm trái cây sẽ ổn định hơn.

Là người đã có gần 30 năm gắn bó với việc phát triển cây ăn quả tại Sơn La, PGS. TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: Trên nền diện tích đất sạch còn tương đối nhiều, với tinh thần phát triển dựa vào khoa học cùng các cơ chế, chính sách phù hợp… Sơn La có đầy đủ tiềm năng để trở thành một vùng trồng cây ăn quả bền vững lớn của cả nước. Tuy nhiên, để làm được việc này, Sơn La cần thực hiện tốt đề án phát triển cây ăn quả đã được thông qua, xây dựng các vùng sản xuất tập trung cho một số cây ăn quả chủ lực để tránh sự phát triển manh mún, nhỏ lẻ. Đặc biệt, đề án phát triển cây ăn quả này rất cần sự vào cuộc định hướng của các bộ, ngành T.Ư, đặt trong bức tranh tổng thể về phát triển sản xuất cây ăn quả của miền bắc nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, sau câu chuyện XK quả tươi, Sơn La cũng cần nhanh chóng đẩy mạnh tiến độ các nhà máy chế biến sâu, sản xuất các sản phẩm như trái cây sấy dẻo, nước ép… làm đầu ra bền vững cho vùng nông sản.

Từ câu chuyện “vượt khó trên vùng đất dốc” của Sơn La, đồng chí Bùi Văn Thạch, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng cho rằng, nếu cấp ủy đề ra chủ trương đúng, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và được nhân dân hưởng ứng thì việc tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp chính là con đường thoát nghèo, tiến lên làm giàu bền vững cho các địa phương có điều kiện khó khăn trong phát triền công nghiệp, dịch vụ.

Hướng đi của Sơn La là phù hợp, cách thức tổ chức đang đúng, tuy nhiên tỉnh cũng cần lường trước mặt trái của kinh tế phong trào, nếu không căn cơ, bài bản thì hậu quả cho sự phát triển của địa phương là rất khôn lường.

Vì vậy, với vùng nông sản Sơn La, vấn đề lớn nhất hiện nay và những giai đoạn tiếp theo là vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục được giữ vững để liên tục cập nhật những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đi sâu vào chế biến, gia tăng giá trị trên mỗi diện tích đất trồng. Trong quá trình đó, lợi ích của người dân và cộng đồng cần tiếp tục được đặt lên hàng đầu như yếu tố cốt lõi của sự phát triển bền vững.

Sơn La xác định không phát triển cây ăn quả bằng mọi giá, mà phải xây dựng được vùng sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, ứng dụng công nghệ cao, bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường và coi đây là “gốc” trong chuỗi giá trị nông sản. Để làm được việc này, chúng tôi rất mong các bộ, ngành T.Ư sớm giúp tỉnh định hướng, quy hoạch phát triển cây ăn quả; Hỗ trợ mở rộng mã vùng trồng xuất khẩu, phát triển diện tích sản xuất nông nghiệp an toàn; Sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh.

- Đ/c Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

>>Kỳ 2: Yếu tố thị trường và sự phát triển bền vững

>>Kỳ 1: Sơn La tạo bước chuyển ngoạn mục

BÀI, ẢNH: ĐỨC TUẤN - THÁI LINH - HỒNG SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/41088802-vuot-kho-tren-vung-dat-doc-tiep-theo-va-het.html