Vượt khó trên vùng đất dốc

Từ vùng đất dốc cằn cỗi, khó canh tác, Sơn La đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, biến điểm yếu thành lợi thế, chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn, lúa nương… sang cây ăn quả, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trồng cây ăn quả trên đất dốc ở Sơn La

Kỳ 1: Sơn La tạo bước chuyển ngoạn mục

Thay đổi nhận thức, tạo chuỗi gắn kết từ sản xuất tới tiêu thụ, đến nay Sơn La đã trở thành “thủ phủ” cây ăn quả lớn nhất miền Bắc, với hơn 62.700 ha. Không chỉ chinh phục thị trường trong nước, trái cây Sơn La đã xuất khẩu (XK) sang nhiều thị trường (TT) khó tính như: Mỹ, châu Âu, Trung Đông....

Hồi sinh sau “lũ dữ”

Trong câu chuyện phát triển cây ăn quả, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất nhớ lại, thời điểm cơn lũ quét lịch sử xảy ra đêm 2-8-2017 tại xã Nặm Păm, huyện Mường La khiến năm bản gần như xóa sổ, hàng trăm ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, cuộc sống người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền lúc bấy giờ không chỉ là nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, mà còn phải tìm một sinh kế mới ổn định cuộc sống cho người dân… Vậy là khi nhà cửa, ruộng vườn còn ngổn ngang, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức họp phiên bất thường ngay trên vùng lũ để quyết định triển khai chương trình trồng cây ăn quả.

Sau khi mời các nhà khoa học đến khảo sát, tỉnh đã tuyên truyền vận động người dân góp đất, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia trồng cho đến khi cây sống mới nghiệm thu. Đến nay, xã Nặm Păm đã trồng được hơn 177 ha xoài ghép Đài Loan (Trung Quốc), bưởi da xanh, nhãn ghép. Theo tính toán, một ha đất trước đó trồng ngô chỉ thu hoạch 5-7 triệu đồng/ha thì nay với 450 cây bưởi/ha có thể cho thu hoạch hơn 200 triệu đồng. Đặc biệt, vụ xoài năm 2019 vừa qua, bà con xã Nặm Păm đã thu hoạch ba tấn quả xoài ghép, trong đó một tấn có đủ tiêu chuẩn XK. Đây là minh chứng cho một chủ trương đúng, một quyết định trúng của BTV tỉnh ủy Sơn La.

Cán bộ nông nghiệp tại cơ sở thường trực với người dân trong sản xuất.

Cùng với cơn lũ lịch sử ở Nặm Păm theo nghĩa đen, ở Sơn La còn một cơn lũ dữ theo nghĩa bóng mà sự tàn phá khủng khiếp không kém. Đó là “cơn lũ ma túy” ở hai bản Lũng Xá, Tà Dê, với 90% số hộ dân có anh em, họ hàng liên quan đến ma túy. Để giúp người dân xa rời tệ nạn, tạo công ăn việc làm cho họ, cách đây hơn một năm, BTV tỉnh ủy Sơn La và Huyện ủy Vân Hồ đã phối hợp Bộ Công an triển khai trồng 6.000 cây bơ tại hai bản Lũng Xá, Tà Dê (xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ). Ngoài ra, huyện Vân Hồ còn hỗ trợ thêm cây giống chanh leo, phân bón cho bà con sớm có thu nhập. Thời gian đầu, đều đặn hằng tuần, cán bộ nông nghiệp huyện Vân Hồ phải vào tận bản, đến từng nhà để kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây đồng thời hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho đến khi bà con thành thục.

Cùng chúng tôi đi dọc con đường dẫn vào bản Tà Dê, hai bên đường xanh mướt những hàng cây bơ vươn mình đón nắng. Anh Sồng A Tồng, trưởng bản Tà Dê vui mừng kể: Năm nay cây bơ cho ra quả bói, còn chanh leo trung bình cũng mang lại thu nhập 40 – 60 triệu đồng/1 hộ. Tin theo cán bộ, cuộc sống ổn dần, nên giờ xã, bản có cuộc họp gì bà con cũng hăng hái tham gia nghe chủ trương mới, nhất quyết từ bỏ ma túy, tìm cách làm giàu...

Từ sự chuyển đổi trong tư duy…

Đổi thay ở những vùng đất như: Nặm Păm, Lóng Luông chỉ là những lát cắt nhỏ trong “Đề án phát triển cây ăn quả trên đất dốc” của tỉnh Sơn La thời gian qua. Cách đây hơn ba năm, BTV Tỉnh ủy đã ban hành thông báo Kết luận số 121-TB/TU thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả, xác định chuyển mạnh diện tích trồng ngô, lúa nương, sắn trên đất dốc sang trồng cây ăn quả. Kèm theo đó, hàng loạt chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng được ban hành…

Tính đến năm 2018, diện tích cây ăn quả tại huyện Mai Sơn, nơi được coi là bức tranh thu nhỏ về công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Sơn La đã tăng 4,46 lần so năm 2015, đạt hơn 6.300 ha. Đặc biệt, nhờ vận dụng linh hoạt các nguồn vốn để hỗ trợ người dân thành lập hợp tác xã (HTX), áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản... Mai Sơn đã hình thành được những vùng chuyên canh cây ăn quả cho thu nhập cao.

Bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, vốn là vùng đất đỏ sỏi ruồi, sau nhiều năm trồng ngô, đất đai bị xói mòn, cây ngô không phát triển được. Người dân cũng từng trồng na nhưng không biết chăm sóc nên khi thu hoạch quả bé, vẹo vọ, hoa lợi chẳng được là bao. Vài năm nay, được sự hỗ trợ của tỉnh về nguồn vốn, kỹ thuật, người dân tập trung đầu tư thâm canh, cải tạo đất thì chính sỏi ruồi lại trở thành một nguồn dưỡng chất giúp cây na phát triển.

Na được thụ phấn nhân tạo, định hình từng quả tại HTX Mé Lếch.

Tại HTX Mé Lếch, toàn bộ diện tích trồng na của 21 hộ thành viên đã được đầu tư công nghệ tưới ẩm của Israel, giúp đưa phân bón trực tiếp hòa tan vào nguồn nước tưới. Anh Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc HTX Mé Lếch chia sẻ: Vụ mùa năm 2018, trung bình 1ha na dai mang lại lợi nhuận từ 300-500 triệu đồng, riêng 1ha na Hoàng hậu đạt lợi nhuận hơn một tỷ đồng. Để ổn định đầu ra và đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của TT, HTX Mé Lếch đã chuyển 5ha sang canh tác theo hướng hữu cơ, hoàn toàn sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn. Hiện giá na hữu cơ cắt tại vườn là 45.000 đồng/1 kg, đắt hơn 10 giá so giá na bình thường.

Thực hiện chính sách của tỉnh về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, huyện Mai Sơn cũng đang tập trung tuyên truyền và hỗ trợ thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ tại 5 HTX. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng cho biết: Chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ và minh bạch được quy trình qua camera giám sát, nhật ký điện tử, mã QR truy xuất nguồn gốc… nên thanh long của HTX Ngọc Hoàng đã XK được vào các TT khó như: Nhật Bản, Singapore, Mỹ… So trồng ngô, thu nhập của người dân tăng từ 15-20 lần.

Cùng với sự phát triển về diện tích, năm 2018, Huyện ủy Mai Sơn đã thành lập riêng một Ban chỉ đạo phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chế biến, XK các sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ nông dân XK sản phẩm quả. Từ chỗ chỉ tiêu thụ quanh vườn nhà, năm 2018, giá trị XK các sản phẩm quả của Mai Sơn đã đạt 4,8 triệu USD.

Ông Nghiêm Quang Trung, Phó phòng Nông Nghiệp huyện Mai Sơn cho biết: Sự chuyển đổi quan trọng nhất là từ tư duy của người sản xuất. Giờ đây, cơ quan quản lý không cần đi vận động từng hộ dân, mà chỉ nắm đầu mối qua các HTX. Mọi chính sách hỗ trợ cũng thông qua đây nên bà con dần quen với phương thức làm ăn mới mang tính tập thể, hướng đến TT lớn, quay vòng tiền và tái đầu tư chứ không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nữa.

… Đến một thế hệ nông dân mới

Cùng với chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, kinh tế hộ nhỏ lẻ đã trở thành “chiếc áo quá chật”, đòi hỏi một mô hình mới để hình thành chuỗi giá trị sản xuất. Năm 2017, tỉnh Sơn La đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ hình thành các HTX kiểu mới, hoạt động theo Luật HTX 2012.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La Nguyễn Thế Phương cho biết, vận động, tuyên truyền người dân, nhất là trong việc triển khai các chủ trương, chính sách mới là cả một nghệ thuật. Trước đây, khi còn là lãnh đạo ở cơ sở, có lúc đã nhìn ra được bất cập của TT nhưng để khuyên bà con là rất khó khăn. Với HTX thì khác, người dân cùng thỏa thuận, bảo ban nhau từ khâu nhập vật tư, phân bón, giống, đồng nhất quy trình trồng, chăm sóc cho đến tiêu thụ, chia sẻ lợi nhuận. Vì vậy mà nhiều chủ trương, chính sách về phát triển cây ăn quả của tỉnh đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Từ hơn 20 HTX nhỏ lẻ vào năm 2015, đến nay toàn tỉnh Sơn La đã phát triển, hình thành được 201 HTX trồng cây ăn quả. Năm 2018, lợi nhuận bình quân của các HTX trên tăng gấp đôi so cách đây ba năm, đạt 3 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, đây cũng là năm đầu tiên giá trị XK của Sơn La đạt 115 triệu USD, trong đó 98,5% là hàng nông sản, với 16 sản phẩm xuất chính ngạch sang 12 nước như: Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc… Hiệu ứng từ cây ăn quả cũng góp phần đưa thu nhập bình quân của người dân Sơn La tăng thêm 7 triệu đồng so năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo ở những huyện nghèo giảm 4,5%...

Sơn tra được thuần hóa và trở thành một trong những loại cây chủ lực giúp đồng bào vùng cao tại Sơn La thoát nghèo.

Năm 2017, tại xã Long Hẹ, một xã đói nghèo thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu, anh Thào A Hồng cùng hơn chục thanh niên tốt nghiệp đại học nhưng chưa tìm được việc làm đã vận động 121 hộ dân khác thành lập HTX Nặm Búa chuyên trồng Sơn tra, Xoài ghép, Chanh leo… đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Tuy vẫn còn nhiều vất vả nhưng Thào A Hồng tâm sự: “Mừng là nhiều anh em rời quê đi làm ăn xa nay nghe thấy chủ trương cũng quan tâm hỏi tình hình, ngỏ ý muốn quay về. Không có gì hạnh phúc hơn khi có thể sống và làm giàu được trên chính mảnh đất của mình…”.

Câu nói ấn tượng ấy đã đưa chúng tôi đến với những khát khao, đến với niềm tin vượt lên nghèo đói của một lớp thanh niên trẻ H’Mông có học thức. Có lẽ, thành công lớn nhất mà Sơn La có được hôm nay không chỉ ở con số hàng trăm triệu USD giá trị hoa quả XK, mà ở chính việc đã tạo ra được con đường, khơi dậy khát khao vươn lên cho một thế hệ nông dân mới. Đặc biệt, thành công ấy càng làm sáng rõ hơn một điều: Khi Đảng hiểu lòng dân, dẫn dắt người dân vượt khó sẽ tạo được niềm tin và sự đồng thuận từ nhân dân.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, tính đến hết năm 2018, đã có khoảng 84.030 hộ gia đình, với 445.380 nhân khẩu, chiếm 37% dân số toàn tỉnh tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả. Trên diện tích 1ha, nhiều loại cây ăn quả đã cho hiệu quả kinh tế cao như: chanh leo tím và bơ ghép thu 600 triệu đồng; xoài ghép 500 triệu đồng; nhãn ghép 360 triệu đồng; na Hoàng hậu ghép tới 1 tỷ đồng...

(Còn nữa)

BÀI, ẢNH: ĐỨC TUẤN - THÁI LINH - HỒNG SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/41076202-vuot-kho-tren-vung-dat-doc.html