Vượt lên nghịch cảnh!

Vượt lên số phận để sống là trường hợp của gia đình chị Võ Thị Kiều Liên và anh Trần Đăng Khoa (tổ 1, ấp Mỹ Hóa 3, xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang).

Phóng viên Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang trao tiền bạn đọc hỗ trợ gia đình chị Liên

Phóng viên Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang trao tiền bạn đọc hỗ trợ gia đình chị Liên

Vợ chồng chị Liên có 2 người con, con cả bị bệnh tâm thần, con thứ đã mất (do tai nạn giao thông), thế nhưng anh chị còn phải chăm sóc người mẹ già năm nay đã 86 tuổi. Cảm thương trước tình cảnh trái ngang của 2 người, chính quyền địa phương cùng bà con hàng xóm luôn sẻ chia, đùm bọc. Người có gạo cho gạo, người có cá cho cá, người thì cho rau xanh, tình thương và sự quan tâm, chăm sóc.

Thuở thiếu thời, anh Khoa (chồng chị Liễu) là thanh niên rất giỏi giang trong xóm. Anh tham gia giảng dạy tại một trường tiểu học ở địa phương. Chị Liên cũng làm nghề dạy học. Năm 1980, chị Liên sinh đứa con đầu lòng, đặt tên Huỳnh Võ Long Triều. Khi mới sinh, Triều phát triển bình thường như bao trẻ khác. “Cháu được 37 ngày tuổi thì bị sốt co giật. Mỗi lần co giật thì chết một lát rồi mới sống lại. Cháu vẫn bình thường, nhưng không ngủ được, lớn lên bị bệnh tâm thần phân liệt, nhập viện điều trị ở nhiều bệnh viện khác nhau nhưng vẫn không hết” - chị Liên kể trong nước mắt…

Đứa con kế tiếp ra đời, anh chị đặt tên Huỳnh Thanh Nghị. Chữ "Nghị" ở đây hàm nghĩa là nghị lực phi thường, nói lên ý chí, nghị lực của gia đình, vượt lên số phận để sống. Nghị học rất giỏi, thi đỗ nhiều trường và em chọn ngành kế toán để làm bạn với những con số. Nghị có rất nhiều hoài bão, ước mơ. Năm em sắp ra trường cũng là năm định mệnh cuộc đời ập đến. Tháng 9/2005, trên đường từ trường về thăm nhà, cách nhà 1km thì bị tai nạn giao thông tử vong, bao nhiêu ước mơ và hoài bão đành bỏ lại, năm ấy Nghị mới 21 tuổi.

Vợ chồng chị Liên sống trong tột cùng đau khổ, song bằng nghị lực, gia đình tiếp tục vượt lên số phận, sống có ý nghĩa từng ngày để không phụ lòng bà con, chòm xóm. Anh chị đã gác lại mọi chuyện đau buồn để tham gia công tác xã hội - từ thiện.

Thông qua Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện Phú Tân, anh chị đã tham gia mở “Gian hàng 0 đồng” tại thị trấn Phú Mỹ. Công việc hàng ngày là đi thu gom quần áo cũ của những người thừa mang đến cửa hàng cho những người thiếu. Chị Liên còn là thành viên của Ban Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, chị được phân công làm kế toán thu chi.

Ngoài công việc xã hội - từ thiện, vợ chồng chị Liên còn được 1 người thợ may giỏi nhất trong làng (ông Hai Khóa) truyền nghề may khăn đóng, phục vụ nghi lễ tôn giáo. Nhưng, do sản phẩm này không phổ biến trên thị trường, nên nghề may khăn đóng không tạo ra thu nhập đáng kể cho gia đình. Vậy là hoàn cảnh đã khó nay càng khó hơn. Những đêm trời trở lạnh, anh chị phải thức suốt đêm để chăm sóc đứa con bị bệnh mà lòng đau như cắt, bởi phận làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình lớn lên khôn ngoan. Nhưng với Triều, em có lớn nhưng không khôn ra được.

“Mỗi buổi tối, sau khi cho Triều ăn uống, tắm rửa xong, tôi phải cho cháu uống 9 viên thuốc để ngủ. uống thuốc liều rất cao, nhưng bệnh tình của cháu ngày một nặng hơn, gia đình tôi đang bế tắc” - chị Liên nói trong nước mắt.

Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang. Khi chuyển khoản, bạn đọc cần ghi rõ họ tên người được hỗ trợ.

-MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/vuot-len-nghich-canh--a340451.html