Vượt Ngục: Đỉnh cao điện ảnh 'không bao giờ' nên được tiếp tục

Trong ký ức của nhiều người, Prison Break hay đặc biệt quen thuộc với khán giả Việt bằng tên gọi 'Vượt Ngục' là một tượng đài không thể thay thế dù điện ảnh hiện đại hàng năm vẫn cho ra lò hàng loạt những bom tấn.

Sau khi có bước chạm với điện ảnh lần đầu tiên vào năm 2000 với 36K và A Man Apart (2003), Paul Scheuring nhận thấy tiềm năng phát triển của bản thân mình ở lĩnh vực truyền hình và quyết định thay đổi ngã rẽ sự nghiệp của mình đã được ông lập tức đưa ra. Mọi thứ như được định mệnh sắp đặt khi một đồng nghiệp nữ xuất hiện trước mặt Paul cùng một kịch bản phim ngắn với tựa đề khá bắt tai “Prison Break”.

Đạo diễn người Mỹ ngay lập tức bị cuốn hút vào câu chuyện và say mê phát triển nó thành một kịch bản truyền hình hoàn chỉnh đầu tiên của mình, Fox với vị thế của mình trong thế giới màn ảnh nhỏ dễ hiểu chính là nơi mà Prison Break được gửi đến. Tuy nhiên, sóng gió đầu tiên đến với Paul khi thượng tầng của Fox cho rằng cốt truyện của phim quá độc đáo so với xu hướng phim truyện truyền hình về tuổi teen và gia đình đang thịnh hành. Dù nhận ra tiềm năng cực lớn của Vượt Ngục nhưng đây vẫn là một canh bạc lớn mà hãng phim phải đánh liều, và cuối cùng Fox không đủ can đảm, Prison Break bị từ chối và đứng trước nguy cơ đi vào dĩ vãng.

Vào khoảng 20 tháng sau khi Scheuring hoàn thiện kịch bản cho Prison Break, khi mà mọi nỗ lực đều đi vào ngõ cụt, phép màu thực sự đã xảy ra khi một TV Series mới lạ trên đài ABC là Lost đã thành công ngay từ buổi ra mắt. Fox đã bị thuyết phục tuyệt đối và tin rằng khán giả cũng sẽ như vậy khi tiếp xúc với làn gió mới mẻ mà Vượt Ngục đem đến.

Bắt tay với Adelstein-Parouse Productions và Original Television, phần đầu tiên của phim chính thức được công chiếu vào 29/8/2005 và tất cả những gì chúng ta có sau đó là 2 từ “ huyền thoại.” Fox thời điểm đó biết chắc Prison Break sẽ thành công và là máy hái tiền thế hệ mới của mình, nhưng họ cũng chẳng thể nào ngờ khán giả lại đón nhận phim nồng nhiệt đến mức phải có thêm 9 tập phim được bổ sung cho phần 1 so với con số 13 theo kế hoạch ban đầu. Chiếm sóng truyền hình mỗi thứ hai hàng tuần vào 8h, phim cán mốc trung bình 9,2 triệu người theo dõi ngay từ thời điểm ra mắt, một con số quá đỗi ấn tượng với một tác phẩm có lối đi nhuốm màu bạo lực, ngôn ngữ chẳng mấy sạch sẽ và đặc biệt là lại phơi bày các mặt tối của chính phủ.

Prison Break xuất sắc đến mức VTV3 đã dành khung giờ phim truyện spotlight của mình là 22h15 kể từ năm 2010 để phát sóng “Vượt Ngục”, đều đặn thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, dù cho văn hóa của phim có thể vẫn khá nặng cho thế hệ khán giả Việt.

Lối kể truyện độc nhất

Lấy bối cảnh tưởng chừng như khá đơn giản, người anh trai đứng trước án tử với một tội ác không do mình thực hiện và người em trai đứng trước lựa chọn chấp nhận thực tế hoặc cứu mạng người ruột thịt duy nhất còn lại của mình, nhưng bức tranh lớn hơn mà nhà làm phim đã đặt quan điểm từ những giây đầu tiên của phim lại chính là “cứu như thế nào ?”. Luật pháp hay bất tuân luật pháp ?

Ở thời điểm chính trị nước Mỹ đầy biến động, bản thân một thiên tài như Michael hoàn toàn có thể tìm ra những bằng chứng đã bị che đậy trong vụ án của anh trai, nhưng không, Mike chọn cách chắc chắn hơn, đưa chính mình vào tù cùng kế hoạch tẩu thoát đã được vạch ra tới mức tiểu tiết. Dù chính Michael chưa bao giờ giải thích cho hành động của mình, nhưng với sự đối lập giữa con người học thức, hiền lành trong quyết định vứt bỏ hai chữ “công lý”, nếu có độ nhạy bén cao, có thể nhận ra rằng bộ phim từ đầu đã trình bày quan điểm về “kháng chiến” như những gì Money Heist sau này tiếp thu.

Tuy đơn giản trong cách khởi đầu câu chuyện, nhưng điểm bất ngờ cho khán giả là Prison Break quá chân thực cho một tác phẩm điện ảnh. Dù bản thân kế hoạch đã được Michael tính toán tỉ mỉ, sẽ lợi dụng ai, kiếm các vật dụng ở đâu, nhưng chỉ có một thứ mà chẳng ai có thể lường trước được, đó là yếu tố “con người”.

Nhà tù, một tổ hợp những kẻ cặn bã của xã hội hoàn toàn không phải là nơi một chàng trai da trắng, đẹp mã như Mike có thể dắt mũi, vậy nên khi chỉ vào tù được có vài phút ( tính theo thời lượng phim), kế hoạch của Mike đã chệch hướng và phải thay đổi. Nhưng lấy điểm đó làm lợi thế, mạch phim cuốn hút bởi việc liên tục tạo ra các chướng ngại cho thiên tài như Michael thể hiện tài liệu cơm gắp mắm, đẩy nhân vật chính đến chân vực rồi hú vía thoát chết trong mỗi tập phim.

Song song với sân khấu hoành tráng cho sự thông minh của Michael làm khán giả phát cuồng, cuộc chiến ngoài song sắt vẫn được tiếp tục giữa phe kháng chiến (Veronica, luật sự của Linc) cùng chính phủ ảo. Sẵn sàng giết người để bịt đầu mối, sự tàn ác của Công Ty hay thực tế là những nhà chính trị với câu cửa miệng “phụng sự đất nước” vừa đủ để tạo ra sự rùng rợn cho người xem, đồng thời nuôi dưỡng ý niệm đồng tình với tinh thần kháng chiến mà ekip sản xuất muốn hướng đến. Đương nhiên, cách chính phủ ảo trong phim vận hành cũng rất “thực tế”, ví dụ như cách xác định trọng tâm bùng nổ truyền thông hay lý thuyết xử lý khủng hoảng thông tin này bằng một khủng hoảng khác lớn hơn.

Cuối cùng, thành công của phim chẳng thể nào thiếu được dấu ấn của những diễn viên với màn hóa thân hoàn hảo. Đối với những khán giả trót yêu “Vượt Ngục”, cuộc sống trong tù chẳng thể nào được truyền tải một cách chân thật và mượt mà hơn, điều này thực chất cũng là từ kinh nghiệm mà ra khi trong dàn cast chính của phim, chỉ có Veronica Donovan (Robin Tunney) và Sofia Lugo (Danay Garcia) chưa từng phải nếm mùi song sắt.

Nhưng tất nhiên tất cả vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào tài năng diễn xuất của từng cá nhân. Ngoài Michael Scofield đẹp không góc chết cùng đôi mắt xanh mang màu buồn chẳng thể lẫn với bất cứ ai, hay Dominic Purcell vạm vỡ đúng chất một gã ưa hành động hơn lý trí, cũng có một nhân vật khác của phim có thể nói đã tiệm cận tới đỉnh trong màn hóa thân của mình là Theodore Bagwell ( Robert Knepper).

Kịch bản của phim xây dựng cho từng cá nhân là khá tròn trịa, khi ngoại trừ những cái tên tỏ ra nổi bật hơn với tính cách độc đáo, các nhân vật trong phim đều thể hiện được đa khía cạnh, và với các gã tù nhân, họ thực sự thành công trong việc tái định kiến của người xem về những kẻ phản diện, điều mà điện ảnh 2020 mới thực sự hoàn hảo trong khâu truyền tải.

Vì là một bộ phim theo từng mùa, nên việc xoay tua nhân vật chính-phụ cho từng mùa cũng được Fox làm khá hợp lý để vừa giữ được bản sắc cho nhân vật cũ mà không quá lấn át màn trình diễn của các cái tên mới.

Cái kết dang dở nhưng trọn vẹn

Nếu bạn hỏi bất cứ khán giả nào về cảm nhận chung sau khi xem hết 4 phần của Vượt Ngục, xuất sắc tuyệt đối ở hai phần đầu và đuối sức ở nửa sau sẽ là kết quả được trả về nhiều nhất. Theo ý kiến cá nhân mình, nhận định này hoàn toàn là đúng vì những con số rating đã phản ánh chính xác độ hấp dẫn của phim theo thời gian. Nếu như con số 9,2 và 9,3 triệu lượt xem trung bình vào thứ hai hàng tuần cho hai mùa đầu thì mùa thứ 3 chỉ còn 8,2 và thê thảm hơn là con số 6,2 triệu cho phần thứ 4.

Tuy nhiên đây đã là hiệu ứng chung của các tác phẩm truyền hình khi các hãng phim muốn leo thang nhượng quyền, và Prison Break cũng khó tránh khỏi những hạt sạn ngày dần nhiều. Từ một câu chuyện tập trung vào quá trình vượt ngục và các mối quan hệ của nhân vật chính, mạch phim buộc phải rẽ hướng sang cuộc “kháng chiến” được úp mở ở hai phần đầu, tính hành động được đẩy lên cao và dành đất diễn cho những gã cơ bắp như Lincoln Burrows hay lọc lõi như T-Bag, sự khôn ngoan của Michael vẫn còn nhưng chẳng thể khó đoán như trước. Plot phim cũng thay thế những cú twist gây sốc bằng sự gay cấn và hồi hộp trong các pha rượt đuổi. Nhưng có lẽ thế là quá đủ cho một câu chuyện xuất sắc như Prison Break đóng lại, và sau nhiều năm khán giả vẫn xem đi xem lại từng thước phim như một phần thỏa mãn sự hoài niệm thì Fox đã gây sốc với xác nhận màn trở lại trong phần 5 của Vượt Ngục.

Quyết định hồi sinh này phần nào chạy theo xu hướng chung của các hậu truyện trong điện ảnh hiện đại, hay thậm chí là cả những The X-Files, Twin Peaks đỉnh cao truyền hình. “Justice for Michael” là điều mà cả Fox lẫn khán giả vẫn chưa thể cảm thấy trọn vẹn khi nam chính chúng ta yêu quý không thể có cho mình một cuộc đời hạnh phúc sau từng ấy thăng trầm.

Leo thang câu chuyện là quyết định sai lầm

Vượt ngục mùa 5 cuối cùng cũng trao cho Michael Scofield và Lincoln một kết thúc có hậu, nhưng thực sự, đây cũng là cách mà Fox tự làm giảm đi tính vĩ đại trong di sản của series. Ngay từ đầu, bộ truyện đã có sẵn một lỗ hổng với cách xây dựng cốt truyện, đó là việc Mike và Linc liên tục chạy trốn rồi lại vào tù để vượt ngục và công thức tẻ nhạt này sẽ tiếp diễn chỉ cho đến khi nào hãng phim muốn cho các chàng trai nghỉ ngơi.

Hơn cả, Prison Break sa sút một phần là do mất đi tính thực tế vốn làm nên thương hiệu của mình. Sarah Wayne Callies ban đầu rời khỏi chương trình trong một cuộc tranh chấp hợp đồng ở phần 3, và trong phim người tình của Mike đã bị khai tử khi Lincoln phát hiện ra cái đầu của cô bị chặt đứt. Callies sau đó trở lại cho Prison Break mùa 4, với cái chết giả được dựng nên khá vô lý, và giờ là đến Michael. Cảm giác như cả mùa 5 đã không cung cấp nhiều ý tưởng mới, mà chỉ tạo ra một âm mưu phức tạp khác để tái hợp tất cả các nhân vật chính một lần nữa.

Dàn nhân vật được chau chuốt tỉ mỉ cũng chẳng thể để lại nhiều ấn tượng như trước. Bagwell vẫn điên và rất cuốn mắt đã tai trong từng câu thoại khung hình, nhưng cái chất riêng của một gã hiếp dâm, bệnh hoạn và phân biệt chủng tộc với một cái thiện nhỏ nhoi bên trong đã bị lu mờ hoàn toàn trong mạch truyện quá nhanh. Các nhân vật chính được xoay vòng thành phụ như Sucre, C-Note thì nhạt nhòa và không thể hiện được nhiều

Còn đối với hai nhân vật chính Linc và Mike, khá phi thực tế là sau từng ấy thời gian bị đày ải bởi một kẻ sau lưng chăm sóc vợ con của mình, Mike vẫn chẳng thể “xuống tay” với bất kỳ ai, dường như tù ngục và những cuộc bạo loạn Ogygia chẳng tha hóa anh theo lẽ tự nhiên chút nào. Về phần Linc, theo cá nhân mình đây mới thực sự là nhân vật được dành nhiều thời gian đầu tư nhất kể từ phần 2, nhưng giống như Mike, Linc chẳng hề khác bản thân mình thời điểm bị đổ oan vì ám sát Steadman của phần 1. Thiếu Mike, Linc lại quay trở về cuộc sống chộp giật và dường như chẳng cảm nhận được sự biết ơn của Linc đối với những gì Scofield đã hi sinh cho anh để có cuộc sống mới.

“Cha đẻ” của series, Paul Scheuring cho rằng Vượt ngục mùa 5 nên là hồi kết, và khán giả sẽ thực sự biết ơn nếu điều này là sự thực. Prison Break là một tượng đài lớn và bộ phim thực sự có tầm ảnh hưởng đến các khán giả Việt, vậy nên kéo dài tuổi thọ của phim lại là điều mà chẳng ai muốn xảy ra vì với những ai đã từng yêu Vượt Ngục, các ký ức về bộ phim thực sự đã quá trọn vẹn và chẳng thể nào hoàn hảo hơn được nữa, vậy nên cách tốt nhất để tri ân di sản là hãy mãi để chúng trong sự hoài niệm, tiềm thức đẹp đẽ.

fitz9

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/tin-tuc/vuot-nguc-dinh-cao-dien-anh-khong-bao-gio-nen-duoc-tiep-tuc-64549.html