Vượt qua áp lực đồng trang lứa

Mới đây, một nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, thị xã Quảng Trị, đã thực hiện đề tài nghiên cứu về áp lực đồng trang lứa đối với học sinh. Tuy đây chỉ là đề tài nhỏ trong phạm vi của một trường học nhưng lại đề cập đến tình trạng khá phổ biến hiện nay mà nhiều học sinh phải đối mặt. Hầu hết trong các trường học, vấn đề áp lực đồng trang lứa không còn quá xa lạ, dù diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau.

Một hoạt động ngoại khóa của cô trò Trường THPT Nguyễn Huệ -Ảnh: M.T

Một hoạt động ngoại khóa của cô trò Trường THPT Nguyễn Huệ -Ảnh: M.T

Áp lực đồng trang lứa là hội chứng phổ biến mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất ở học sinh, sinh viên. Hội chứng này xuất phát từ việc một số học sinh luôn so sánh bản thân với một ai đó có nhiều mặt vượt trội hơn mình, từ đó dẫn đến tự ti, bị áp lực lớn về tinh thần nên luôn ở trạng thái căng thẳng.

Nếu không biết cách để vượt qua và biến áp lực thành động lực phấn đấu, không chỉ cảm xúc bị chi phối bởi ý nghĩ tiêu cực mà hành động của các em học sinh cũng rất dễ mắc sai lầm.

Để thực hiện đề tài về áp lực đồng trang lứa, nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ đã tìm hiểu các bài viết, bài báo, video thảo luận hay công trình nghiên cứu về áp lực đồng trang lứa để có cái nhìn tổng quan về vấn đề nghiên cứu. Đồng thời các em phỏng vấn một số phụ huynh, học sinh và giáo viên trong trường về nội dung trên.

Qua khảo sát thực tế, nhóm học sinh nhận thấy áp lực đồng trang lứa là một hiện tượng khá phổ biến đối với học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ. Thông qua việc thống kê, tổng hợp và phân tích, nhóm nghiên cứu đã tìm ra một số nguyên nhân chính dẫn đến áp lực đồng trang lứa đối với học sinh trong trường. Một trong những nguyên nhân đó là do sự kỳ vọng quá lớn từ ba mẹ và thành tích nổi bật của bạn bè.

Cách so sánh với “con nhà người ta” khiến một số học sinh rơi vào trạng thái mất cân bằng và áp lực khi không thể đạt được như mong muốn của ba mẹ. Đối với giáo viên, đôi khi cách so sánh giữa học sinh này với học sinh khác, lớp này với lớp khác cũng vô tình tạo ra áp lực cho các em.

Đối với học sinh, xuất phát từ sự nhận thức chưa đúng về giá trị bản thân, không tin tưởng vào chính mình khiến một số bạn trở nên mất tự tin, luôn lấy bản thân để so sánh với các bạn khác ở nhiều tiêu chuẩn như sự đầy đủ về kinh tế; học lực; sự quan tâm của gia đình...

Mặt khác, không ít học sinh dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh như mạng xã hội, lối sống, định kiến xã hội hoặc từ người thân, thầy cô và bạn bè dẫn đến bị áp lực. Trên cơ sở kết quả điều tra, nhóm học sinh đã đề xuất một số giải pháp nhằm giúp các bạn học sinh trong trường hiểu rõ về áp lực đồng trang lứa và cách thức vượt qua áp lực đó.

Trong các giải pháp được đề xuất có một số giải pháp mang tính thực tiễn cao như lập Fanpage ‘‘Yêu bản thân - Tự tin chính mình. Tại fanpage này, nhóm nghiên cứu cập nhật hình ảnh, bài viết chia sẻ cảm nhận, cách giải tỏa áp lực đồng trang lứa.

Cách làm này giúp học sinh tự tin hơn vào bản thân mình, yêu thương mọi người xung quanh và biết hướng tới những điều tốt đẹp. Nhóm cũng đã phối hợp với Đoàn Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức diễn đàn: “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường - Vượt qua áp lực đồng trang lứa”. Đặc biệt, vở kịch: “Con nhà người ta” đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem, giúp mọi người rút ra những bài học giá trị đối với bản thân.

Cô Lê Thị Vương Trang, giáo viên hướng dẫn đề tài cho biết: trong quá trình thực hiện, nhóm học sinh còn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm thông qua các tiết trải nghiệm hướng nghiệp, sinh hoạt lớp cuối tuần, sinh hoạt đầu giờ học để giúp các bạn nắm bắt được những biểu hiện của áp lực đồng trang lứa, từ đó dần tìm cách vượt qua.

Đồng thời phối hợp với ban tư vấn tâm lí học đường đưa ra lời khuyên bổ ích cho học sinh, giúp các em thay đổi cách suy nghĩ, biến áp lực thành động lực và tin tưởng vào bản thân mình hơn.

Kết quả thực nghiệm một số giải pháp cho thấy học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ sau khi hiểu rõ hơn về áp lực đồng trang lứa đã tìm được cho mình một cách giải quyết riêng. Thay vì thu mình hay cáu gắt, một số bạn lấy đó làm động lực để phấn đấu. Nhất là việc tổ chức diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường - Vượt qua áp lực đồng trang lứa” được học sinh và giáo viên toàn trường hưởng ứng nhiệt tình.

Qua hoạt động này, nhiều bạn đã nhận biết và có thể biến áp lực thành động lực phấn đấu trong học tập và trong cuộc sống hằng ngày. Để đánh giá khách quan, trung thực và chính xác kết quả từ những giải pháp đã thực hiện, nhóm nghiên cứu tiến hành thực nghiệm 892 học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ theo phiếu khảo sát. Kết quả thu được từ các khối lớp cho thấy: 88,3 % học sinh cho rằng áp lực đồng trang lứa là tích cực, 100 % học sinh nghe và biết đến áp lực đồng trang lứa.

Xây dựng “Lớp học hạnh phúc” tiến tới xây dựng “Trường học hạnh phúc” là chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm 2019.

Một lớp học, trường học hạnh phúc khi ở đó có môi trường học tập thoải mái, vui vẻ. Áp lực đồng trang lứa nếu không được giải quyết kịp thời, về lâu dài sẽ trở thành những cản trở không nhỏ đối với việc xây dựng một môi trường học tập hạnh phúc.

Không chỉ giới hạn trong mục tiêu giảm bớt áp lực đồng trang lứa, các hoạt động mà nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ triển khai còn góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, nâng cao kỹ năng sống cho học sinh. Do đó, từ góc nhìn và những giải pháp được đưa ở trên hoàn toàn có thể áp dụng rộng rãi ở các trường học, cấp học khác nhau trên địa bàn tỉnh.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/giao-duc/vuot-qua-ap-luc-dong-trang-lua/177034.htm