Vượt qua bệnh tật để dạy giỏi

Gần 18 năm làm nghề giáo, cô Trịnh Thị Ánh Loan ở Trường THCS thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum đã có thâm niên 12 năm bồi dưỡng học sinh giỏi toán. Dưới bàn tay vàng của cô, nhiều thế hệ học sinh giỏi của địa phương đã thi và đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi toán từ cấp huyện, tỉnh đến quốc gia.

Cô Loan đang dạy HS

12 năm bồi dưỡng học sinh giỏi

Tiếp xúc với cô giáo Ánh Loan, người đối diện luôn cảm nhận sự nồng ấm, nhiệt tình với lối nói chuyện cởi mở. Cô nói: “Dù bản thân mang căn bệnh ung thư gần cả chục năm nay, nhưng chỉ cần các em hỏi bài tập là tôi hứng thú nghiên cứu, tìm phương pháp giải toán…, thế là sự mệt mỏi buồn phiền do bệnh tật cũng lướt qua”.

Nguyên do cô Loan trở thành giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi toán cũng khá đặc biệt. Đó là năm 2005, với tuổi nghề được 6 năm đang giảng dạy lớp 6 ở Trường THCS xã Thạnh Bình (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), cô được Ban giám hiệu đã ưu tiên cho về Trường THPT huyện Tân Biên học tập công tác bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn bồi dưỡng học sinh giỏi.

“Lúc về ngôi trường có bề dày thành tích ở khu vực miền Đông Nam bộ, tôi vừa ngưỡng mộ thầy cô giáo ở đây, vừa lo lắng không biết học hỏi như thế nào”, cô Loan nhớ lại. Vào các buổi chiều, khi học sinh học chuyên các môn văn hóa, cô Loan đều cắp sổ ghi chép cùng học tập với các em. Lúc đầu, các thầy cô khá ngạc nhiên, nhưng dần dà cũng quen với sự có mặt của cô Loan. Tham gia lớp, cô sẵn sàng giải bài tập, tranh luận với học sinh về cách thức tiếp cận các đề thi toán nâng cao; lắng nghe các em trình bày các bước giải bài tập, kinh nghiệm chọn sách nghiên cứu, tự bồi dưỡng đa dạng các loại bài tập ở nhà. Cô Loan cũng chịu khó lắng nghe, học tập phương pháp, kinh nghiệm hướng dẫn, giảng bài cho học sinh của các thầy cô giáo ở trường này. “Cứ thế, 3 tháng liên tục, tôi cố gắng học tập, ghi chép lại thật tỉ mỉ” - cô bộc bạch.

Năm 2006, trở về Trường THCS xã Thạnh Bình, những gì tích lũy được đã góp phần giúp cô bồi dưỡng 3/5 học sinh lớp 9 đạt giải ba và khuyến khích kỳ thi toán cấp huyện.

Từ năm 2008 đến nay, vì hoàn cảnh gia đình, cô Loan đã chuyển công tác từ tỉnh Tây Ninh về giảng dạy ở Trường THCS Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum). Tại đây, những kinh nghiệm giảng dạy tích cực tiếp tục được cô Loan truyền đạt cho học sinh. Một năm sau, nhà trường giao nhiệm vụ cho cô bồi dưỡng học sinh năng khiếu môn toán các khối 6-9 để tạo nguồn học sinh giỏi cho ngành GD&ĐT huyện Ngọc Hồi. Mỗi năm học đi qua, các học trò được cô Loan rèn luyện đều đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. 4 năm kế tiếp (2008-2012), dù đã luân chuyển công tác về trường THCS Nguyễn Huệ ở xã Sa Loong, song cô Loan vẫn tiếp tục được Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi trưng tập tăng cường hỗ trợ, phối hợp công tác bồi dưỡng học sinh giỏi ở các trường, trong đó có Trường THCS Plei Kần.

Với cô Loan, tháng ngày được đứng trên bục giảng, truyền đạt kiến thức cho các em học sinh là niềm hạnh phúc nghề đã chọn. Hơn thế nữa, cống hiến niềm say mê môn học trên, là liều thuốc tinh thần giúp cô vượt qua những cơn đau mỗi khi căn bệnh ung thư tái phát.

Niềm vui cô - trò

Cuối năm học 2016 – 2017, cô giáo Trịnh Thị Ánh Loan cùng 3 học sinh giỏi khối lớp 9B1 của Trường THCS thị trấn Plei Kần được Ban giám hiệu nhà trường khen thưởng có thành tích xuất sắc trong công tác thi đua dạy học, cũng như rèn luyện đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi môn toán cấp huyện, tỉnh. Riêng cô Loan còn được ngành GD&ĐT huyện Ngọc Hồi, Sở GD&ĐT tuyên dương là 1 trong 10 giáo viên xuất sắc, tiêu biểu có thành tích bồi dưỡng học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia.

Năm học 2016 – 2017, 3 học sinh giỏi Nguyễn Thu Phương, Bùi Lê Na, Hoàng Nhi Thảo chuyên toán ở lớp 9B1 (Trường THCS thị trấn Plei Kần) đã giành được các giải nhất, nhì và khuyến khích tại kỳ thi học sinh giải toán qua mạng Internet cấp tỉnh. Chia sẻ niềm vui đạt giải nhất cuộc thi này, em Thu Phương nói: “Mùa luyện thi học sinh giỏi bắt đầu tháng 10/2016, cũng là lúc cô Loan bị ốm nhưng cô giấu tụi em để đến lớp hướng dẫn ôn tập, làm bài tập toán nâng cao cho cả nhóm 5 bạn luyện thi học sinh giỏi ở trường”.

Phương kể, một lần bạn Thảo lên bảng giải bài tập, bạn ấy phát hiện cô ngồi sửa bài, tay cứ run run mà trán thì vã mồ hôi, khuôn mặt trắng xanh. Bạn Thảo đã hỏi thăm sức khỏe cô, có đề nghị cả lớp xin nhà trường nghỉ hôm ấy. Nhưng cô nhất quyết bảo không sao cả. Những ngày sau đó, thỉnh thoảng cô vẫn bị nóng sốt bất thường như thế kéo dài cho đến lúc kết thúc ôn tập. Sau ngày làm bài thi học sinh giỏi cấp tỉnh xong, các bạn đến nhà thăm cô. Lúc này mọi người mới biết cô bị té xỉu và được người thân đưa đi bệnh viện khám với chẩn đoán có khối u ở não, phải chuyển viện vào TPHCM để phẫu thuật, điều trị.

em Lê Na tâm sự: Cô Loan luôn là người sát cánh cùng các em. Bị bệnh hiểm nghèo nhưng cô luôn yêu đời, sôi nổi, gần gũi với học sinh. Mỗi tiết học, cô vừa dạy vừa tìm những mẫu chuyện vui tạo tâm lý thoải mái cho chúng em dễ tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm xử lý từng bài tập, đề thi tốt nhất. Vào mùa thi, các bạn gọi điện thoại hỏi cách giải bài tập vào giữa đêm, có khi vào lúc 1-2 giờ sáng, cô vẫn chịu khó hướng dẫn, lúc khác thì chuyển lời giải bài trực tiếp qua mail, facebook cho bọn em…

Điều khá thú vị là qua câu chuyện của 3 học sinh lớp 9B1 mới biết các bạn đã từng là học sinh thiếu tự tin môn toán ở cấp tiểu học. Lê Na thú nhận mình học toán dở tệ và xếp loại học lực thứ 30/40 khi học lớp 5. Nhưng lên lớp 6, may mắn học lớp cô Loan dạy, được khuyến khích, Na từng bước tiến bộ, đạt thành tích như hôm nay.

Cô giáo Loan chia sẻ, 12 năm luyện học sinh giỏi, gần như thời điểm các em bước vào mùa thi cũng là lúc đội ngũ giáo viên chuẩn bị tâm thế thi đua giáo viên giỏi. Sự trùng hợp này khiến cô giáo đã đắn đo với chọn lựa cuối cùng là vì thành tích học sinh. Vậy nên, cho đến nay, cô Loan vẫn chưa đạt được danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp nào. Đổi lại, cô nhận được sự yêu thương, quý trọng của nhiều thế hệ học sinh; sự ngưỡng mộ tài rèn học sinh giỏi, tận tâm với nghề ở đồng nghiệp, phụ huynh.

Thầy Ngô Tấn Quyết - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ngọc Hồi nhận xét: “Cô Loan là giáo viên có trách nhiệm với nghề. Dù gia cảnh của cô gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, bản thân mắc bệnh hiểm nghèo nhưng cô vẫn nỗ lực trong nghiên cứu, tự nguyện được cống hiến và mang tình yêu toán học đến cho học sinh. Cô là tấm gương điển hình về nghị lực vượt khó cho bao thế hệ giáo viên, học sinh của huyện Ngọc Hồi học tập”.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/vuot-qua-benh-tat-de-day-gioi-3640372-b.html