Vượt qua nghịch cảnh

Làng Hòa Bình (thuộc Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM) là nơi chăm sóc và nuôi dưỡng hàng chục nạn nhân chất độc da cam không lành lặn từ khi chào đời. Cũng từ nơi đây, nhiều em đã nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống.

Các em nhỏ nhiễm chất độc da cam của Làng Hòa Bình thăm cô bé chim cánh cụt Nguyễn Hoài Thương (Củ Chi)

Những bông hoa đẹp

Do di hại của chất độc da cam, Phạm Thị Thu Thủy sinh ra với hai chân từ đầu gối trở xuống teo quắt, đầu biến dạng. Bị mẹ bỏ rơi, Thủy được đưa vào Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình (quận Thủ Đức). Năm 12 tuổi, Thủy được đưa về Làng Hòa Bình, được sống trong tình yêu thương của các mẹ và các anh chị trong làng, Thủy trở nên hoạt bát, nhanh nhẹn và luôn tươi cười, yêu đời. Dù đi bằng đầu gối nhưng đều đặn mỗi ngày, Thủy đón xe buýt vượt quãng đường 3km từ Làng Hòa Bình tới Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật để học tập. Kết thúc 12 năm đèn sách, nay ở tuổi 21, Thủy vừa được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm TPHCM, Khoa Giáo dục đặc biệt, với chuyên ngành dạy người câm điếc. Thủy mong muốn sẽ làm bạn với những người kém may mắn như mình trong cuộc sống và chia sẻ với họ nguồn tri thức. Thủy tâm sự: “Ở làng hay ở trường học, em đều có bạn bị câm điếc và thấy mình còn may mắn khi có thể giao tiếp với mọi người một cách bình thường. Vì vậy em ấp ủ giấc mơ làm cô giáo dạy người câm điếc để giúp các bạn, các em có thể giao lưu được với mọi người”.

Tại Làng Hòa Bình, nhiều mảnh đời, nhiều hoàn cảnh khác nhau cũng có chung ý chí và nghị lực như vậy. Lê Minh Châu, hai chân và hai tay đều bị teo tóp, đi lại bằng đầu gối. Ngay từ nhỏ, Châu đã có đam mê với tập giấy và cây chì màu. Lớn lên, Châu không theo học đại học mà chọn học vẽ và rèn luyện tiếng Anh. Giờ đây, chàng trai 26 tuổi đã trở thành họa sĩ vẽ tranh bằng miệng nổi danh, có khả năng nói và viết tiếng Anh lưu loát, khiến bất cứ ai gặp cũng phải khâm phục về tài năng của cậu. Trần Thị Hoan, khuyết tật cụt 1 tay và cụt 2 chân, vẫn nỗ lực trở thành sinh viên Đại học Tin học - Ngoại ngữ TPHCM. Hiện Hoan đang là nhân viên công nghệ thông tin Bệnh viện Từ Dũ và là nhân vật 3 lần sang điều trần tại Quốc hội Mỹ để kêu gọi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Thái Mỹ Phương, khuyết tật chân, đã tốt nghiệp ngành Vật lý trị liệu - Đại học Y Dược TPHCM, đang là kỹ thuật viên vật lý trị liệu tại Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Từ Dũ. Nguyễn Đức, một trong cặp song thai nổi tiếng Việt - Đức, hiện là nhân viên hành chính của Bệnh viện Từ Dũ. Ngô Phúc Hậu, một trong cặp song thai đã được tách rời, tốt nghiệp ngành Dược - Đại học Nguyễn Tất Thành.

Trần Minh An, 23 tuổi, hiện đang là sinh viên năm 4 Khoa Kỹ thuật phần mềm Đại học Công nghệ thông tin TPHCM. Chất độc da cam làm cơ thể Minh An nhỏ thó, mặt, miệng và lưng bị biến dạng, hẹp thực quản. Thuở nhỏ An không tự ăn được mà phải ăn qua đường ống dẫn. Cũng vì vậy, An không thể giao tiếp bình thường với mọi người mà chủ yếu giao tiếp bằng cách viết hoặc gõ chữ trên điện thoại, máy vi tính. Quyết tâm vượt qua nghịch cảnh, năm 18 tuổi, Minh An đã mạnh dạn ghi danh vào Trường Đại học Công nghệ thông tin TPHCM với hy vọng kết nối với thế giới. Giờ đây, Minh An đang bước chặng đường cuối của giảng đường đại học, cậu vẫn luôn hài lòng với quyết định của mình.

Luôn bên cạnh các con

Làng Hòa Bình được thành lập từ năm 1990, là nơi nuôi dưỡng và điều trị cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam và trẻ khuyết tật. Mỗi năm Làng Hòa Bình đều tiếp nhận 20 - 30 em là nạn nhân chất độc da cam, chủ yếu là trẻ sơ sinh bị gia đình bỏ rơi. Trong số ấy, cũng có trẻ vượt qua được bệnh tật ở lại với các mẹ, các anh chị trong làng, nhưng cũng có nhiều trẻ không trụ lại được. Hiện làng có khoảng 60 em, trong đó có 85% số em bị nhiễm chất độc da cam thế hệ thứ hai, thứ ba.

Điều dưỡng Thái Thiên Hương, Điều dưỡng trưởng của Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Từ Dũ, cho biết: “Các con ở đây đều có những khuyết tật riêng, nhưng sự khiếm khuyết ấy không còn là rào cản vào đời. Đối với trường hợp không thể đi học nổi, ban chủ nhiệm khoa ở Làng Hòa Bình cũng cố gắng hỗ trợ học nghề để có nghề ổn định trong tương lai. Còn với những trẻ đi học được, chúng tôi luôn theo sát, động viên, sau khi tốt nghiệp cấp 3, dựa trên sở thích và đam mê của các con, chúng tôi hướng nghiệp để các con lựa chọn ngành nghề phù hợp. Chúng tôi hỗ trợ hết sức để động viên tinh thần, sức khỏe và tạo mọi điều kiện về thiết bị học tập để các con tự tin phấn đấu”.

Dù tuổi đã ngoài 80 nhưng bác sĩ Tạ Thị Chung, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, người đã gắn bó với Làng Hòa Bình ngay từ ngày đầu thành lập, vẫn ngày ngày đến thăm các cháu, chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống và trong học tập, giải thích để các cháu hiểu và biết vươn lên. Đó còn là những nỗ lực của tập thể y bác sĩ và nhân viên Làng Hòa Bình, không quản ngại gõ cửa nhiều nơi để vận động nguồn lực giúp các cháu có cuộc sống tốt nhất.

PHƯƠNG UYÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vuot-qua-nghich-canh-537365.html