Vượt qua những thách thức để bảo đảm cuộc sống cho mọi trẻ em

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam tháng 11 vừa qua, bà Catherine Russel, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã có buổi trò chuyện cùng phóng viên về những khó khăn và thách thức mà Việt Nam phải đối mặt sau đại dịch Covid-19 trong việc bảo đảm mọi khía cạnh trong cuộc sống của trẻ em.

Bà Catherine Russell trong buổi trao đổi, phỏng vấn với Báo Nhân Dân.

Phóng viên: Việt Nam đang chịu tác động kinh tế-xã hội sâu rộng của đại dịch Covid-19. Theo UNICEF, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tới mọi mặt trong cuộc sống của trẻ em từ sức khỏe thể chất đến sức khỏe tinh thần, dinh dưỡng; việc học tập và bảo vệ các em khỏi bạo lực cũng như tiếp cận nước sạch và vệ sinh. Bà đánh giá thế nào về điều này?

Bà Catherine Russel: Đại dịch mang đến những thách thức cho trẻ em ở khắp mọi nơi. Chúng ta cần quan tâm đến một số vấn đề quan trọng.

Trẻ em dưới 5 tuổi ít được tiêm phòng đầy đủ hơn so năm 2019. Ước tính, khoảng 245.000 trẻ em ở Việt Nam lỡ một hoặc nhiều mũi tiêm quan trọng của vaccine DPT (bạch hầu-ho gà-uốn ván) trong lịch trình tiêm phòng định kỳ trong năm 2021.

Thứ nhất, việc tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em bị thụt lùi. Điều này đáng lo ngại vì chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong tiêm chủng trong những năm qua và hiện đang phải chứng kiến những thành tựu bị chững lại. Vì thế, chúng tôi đang cố gắng để trẻ được tiêm bổ sung những mũi tiêm còn thiếu.

Hoạt động của bà Catherine Russell ở Gia Lai trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam (Ảnh: UNICEF).

Thứ hai, nhiều gia đình bị đẩy vào cảnh nghèo khó do Covid-19. Đây là vấn đề toàn cầu. Người lớn bị thiếu việc làm, bị thất nghiệp. Trẻ em bị gián đoạn học tập, đây là vấn đề đáng lo ngại nhất của mọi quốc gia. Tất cả các quốc gia đang chật vật để việc học tập có thể trở lại bình thường. Chúng ta đã thấy trong thực tế số trẻ em không biết đọc đã tăng lên. Có một số em mặc dù đã 10 tuổi nhưng không thể đọc được các câu đơn giản và cũng không thể giải được các bài toán đơn giản.

Vì vậy, đây chắc chắn là mối quan tâm lớn đối với UNICEF cũng như của các quốc gia, vì trẻ em là tương lai của đất nước. Nếu trẻ em không được giáo dục, không khỏe mạnh, điều đó cũng thực sự gây tổn hại cho đất nước.

Tại Việt Nam, một điều tích cực mà tôi muốn đề cập là các bạn đã ứng phó rất hiệu quả và đã tiêm chủng được cho rất nhiều người. Điều đó chứng tỏ rằng, Chính phủ Việt Nam có thể thực hiện thành công những việc to lớn, những việc quan trọng. Vì vậy, chúng tôi mong Chính phủ có thể thực hiện điều tương tự trong hỗ trợ những trẻ em bị bỏ lại phía sau.

Phóng viên: Theo bà, làm thế nào để Chính phủ Việt Nam có thể cân bằng nhu cầu phát triển và tăng trưởng của mình với nhu cầu của trẻ em? Và UNICEF có kế hoạch hỗ trợ vấn đề này thế nào?

Bà Catherine Russel: Tôi nghĩ, những gì tất cả các chính phủ cần làm là họ phải bảo đảm rằng những nỗ lực để phát triển, để tiến bộ không bỏ rơi bất kỳ ai. Mọi trẻ em đều cần được quan tâm và đây là một thách thức đối với trẻ dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Chính phủ cần bảo đảm rằng trẻ em và các gia đình nghèo có đủ nguồn lực cần thiết để sống, và trẻ em cần được nuôi dưỡng để không bị thấp còi, để các em không bị suy dinh dưỡng nặng.

Bà Catherine Russell ở Gia Lai trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: UNICEF)

Tôi đến đây mới được một vài ngày và đã được chứng kiến một số điều. Tôi thấy Việt Nam đã làm được rất nhiều việc ấn tượng, đặc biệt trong phát triển kinh tế. UNICEF đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1975 và trong suốt quá trình đó Việt Nam đã có nhiều đổi thay to lớn. Nhưng vẫn còn có một số thách thức...

Vì vậy, chúng ta cần bảo đảm để những người yếu thế được có mặt trong sự phát triển của đất nước. Tôi nghĩ rằng, Chính phủ Việt Nam có thể giải quyết được điều này và UNICEF sẽ là một đối tác đáng tin cậy trong mỗi bước đi.

Theo UNICEF, hiện nay Việt Nam vẫn còn gần 20% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, nghĩa là các em có chiều cao thấp hơn so với tuổi của mình và điều này có tác động tiêu cực xuyên suốt cuộc đời của các em. Trong các nhóm dân tộc ít người, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi gần như cao gấp đôi và gần ngang bằng với tỷ lệ của các nước như Mozambique, Tanzania và Nepal. Suy dinh dưỡng cấp tính vẫn còn là mối nguy hiểm hiện hữu với gần 230.000 trẻ em hằng năm, và trong số đó chỉ khoảng 10% các em được điều trị. Đây là là tình trạng khẩn cấp thầm lặng.

Phóng viên: Bà có thể chia sẻ những vấn đề nghiêm trọng trẻ em đang phải đối mặt?

Bà Catherine Russel: Tôi muốn nói tới 2 vấn đề mà bản thân quan ngại: đầu tiên là bảo vệ trẻ em, bảo đảm gia đình có đủ nguồn lực để bảo vệ trẻ em, để các em không phải chịu sự xâm hại, các em được ăn đủ dinh dưỡng. Vấn đề lớn thứ hai cũng liên quan đến điều này là suy dinh dưỡng nặng. Như tôi nói, đây là vấn đề rất đau lòng khi chứng kiến.

Chúng ta đã có giải pháp cho điều này, đó là các sản phẩm điều trị có thể giúp các trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng hồi phục trong thời gian ngắn. Nhưng theo UNICEF, ở Việt Nam có tới 230.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng và chỉ có 10% các em này được điều trị, đây là một con số đáng buồn. Và tôi nghĩ, khi bạn gặp những trẻ em này, thấy tình trạng của các em, bạn sẽ nhận thấy các em khó có khả năng chống lại bệnh tật, vì các em quá yếu nên rất dễ bị nhiễm bệnh. Và trẻ bị suy dinh dưỡng nặng thường tái mắc bệnh nhiều lần. Vì vậy, cuối cùng, chi phí tốn kém hơn vì các em liên tục phải điều trị.

Cho nên tôi thấy, việc phòng ngừa là vô cùng quan trọng, bảo đảm các em được ăn uống đầy đủ sẽ giúp ngăn ngừa suy dinh dưỡng nặng ngay từ đầu. Nếu các em chẳng may bị suy dinh dưỡng nặng chúng ta cần cho các em điều trị kịp thời bằng sản phẩm điều trị. Chúng ta đều biết cần phải làm thế nào, đây chỉ là vấn đề về cam kết.

Phóng viên: Bà nhận định thế nào về nỗ lực của Việt Nam trong việc chăm sóc trẻ em?

Bà Catherine Russel: Trong một số lĩnh vực về trẻ em, Việt Nam thực hiện khá tốt. Và tôi nghĩ, Việt Nam là nước dẫn đầu trong khu vực, cũng có thể được coi là dẫn đầu trên thế giới. Nhưng có một số trẻ em bị bỏ lại phía sau và đó chính là những thách thức hiện nay. Chúng ta cần bảo đảm các trẻ em này, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật cần được hỗ trợ để các em không bị bỏ lại phía sau. Và châm ngôn của UNICEF là: Vì mọi trẻ em. Mọi trẻ em đều phải được hiện hữu trong sự thịnh vượng và phát triển bởi vì cuối cùng đó là điều tạo nên một quốc gia hùng mạnh, nơi mọi người đều khỏe mạnh, được học hành và có thể tham gia kiến tạo nên những điều tốt đẹp trong xã hội.

Phóng viên: Theo bà, Việt Nam cần phải làm những gì trong thời gian tới để vượt qua những thách thức này và bảo đảm cuộc sống cho mọi trẻ em?

Bà Catherine Russell ở Gia Lai trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: UNICEF)

Bà Catherine Russel: Chúng ta cần làm tốt hơn trong việc phân bổ nguồn lực cho các trẻ em yếu thế như trẻ khuyết tật, trẻ dân tộc, những trẻ em gần như không có nguồn lực gì. Điều này sẽ giúp bảo đảm trẻ em trong các gia đình nghèo và có hoàn cảnh khó khăn được ăn uống đầy đủ, được bảo vệ và giáo dục tốt hơn.

Chúng ta cũng cần nhiều hơn nữa những nhân viên công tác xã hội được đào tạo chuyên nghiệp để giúp ngăn chặn, bảo vệ, thực hiện các giải pháp can thiệp để giải quyết bạo lực đối với trẻ em.

UNICEF sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ và các đối tác để tất cả trẻ em, đặc biệt là những em dễ bị tổn thương nhất được tiếp cận với các dịch vụ và những hỗ trợ cần thiết.

UNICEF cũng khuyến nghị, Việt Nam cần thiết phải tăng đầu tư tài lực và nhân lực thông qua tiến trình lập kế hoạch và ngân sách cấp quốc gia và địa phương để bảo đảm thực hiện quyền của mọi trẻ em và thu hẹp khoảng cách đang lớn dần giữa các nhóm dân số.

Việc tăng nguồn lực của chính phủ đặc biệt được khuyến nghị để giải quyết các vấn đề sau: Phòng, chống suy dinh dưỡng; Tăng độ bao phủ của nước sạch và vệ sinh môi trường; Mở rộng trợ cấp xã hội cho trẻ em; Củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em; Thúc đẩy các giải pháp học tập kỹ thuật số cho mọi trẻ em.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

NHẬT ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vuot-qua-nhung-thach-thuc-de-bao-dam-cuoc-song-cho-moi-tre-em-post725105.html