'Vượt qua rào cản'

Sau khi gây sức ép cho Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ-những quốc gia có thương vụ vũ khí lớn với Nga, Mỹ tiếp tục tạo 'rào cản' ngăn Ai Cập mua vũ khí từ Moscow. Tuy nhiên, Ai Cập dưới thời Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi với chính sách đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí được cho là sẽ kiên quyết 'vượt qua rào cản' thay vì thỏa hiệp với Washington.

Theo tờ The Wall Street Journal, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo và người đứng đầu Lầu Năm Góc Mark Esper gần đây đã gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Mohammed Ahmed Zaki một bức thư với nội dung cảnh báo rằng, Washington có thể áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Cairo nếu nước này mua máy bay chiến đấu Su-35 từ Nga. Hai quan chức của Mỹ nhấn mạnh, Ai Cập có nguy cơ bị trừng phạt theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) nếu nhận bàn giao vũ khí hiện đại từ Nga. Điều đó ít nhất sẽ gây khó khăn cho giao dịch quân sự và hỗ trợ an ninh của Mỹ đối với Ai Cập. Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, chính quyền Mỹ cũng từng đưa ra cảnh báo tương tự đối với Ai Cập để nước này chấm dứt hợp đồng mua máy bay chiến đấu của Nga.

CAATSA được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2017, cho phép nước này đưa ra lệnh trừng phạt nhằm vào những quốc gia thực hiện hợp đồng mua bán vũ khí quy mô lớn với Nga. Mỹ bắt đầu tích cực đưa luật này ra làm “rào cản” sau khi một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ quyết định mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất. Các chuyên gia nhận định, chính sách trừng phạt là công cụ duy nhất mà Mỹ có thể sử dụng trong cuộc đấu tranh quy mô lớn chống lại việc xuất khẩu vũ khí của Nga. Theo RT, ông Yuri Rogulev, Giám đốc Quỹ nghiên cứu Mỹ mang tên Franklin Roosevelt thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow nhận định, Washington đang cố gắng đảm bảo vị trí thống trị trên thị trường vũ khí toàn cầu bằng việc đe dọa áp lệnh trừng phạt đối với các quốc gia mong muốn sở hữu vũ khí Nga. Trong khi đó, ông Rakesh Krishnan Simha, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế cho rằng, vũ khí Nga có lợi thế cạnh tranh là chất lượng cao và giá cả phù hợp. Do đó, việc Mỹ dùng CAATSA để đe dọa các nước muốn mua vũ khí Nga không những khó có tác dụng mà còn gây ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Washington với các nước.

Máy bay chiến đấu Su-35 do Nga sản xuất. Ảnh: RIA Novosti.

Trong hàng chục năm qua, Mỹ cung cấp hàng tỷ USD viện trợ quân sự và tài chính cho Ai Cập, cũng như bán hàng loạt máy bay chiến đấu F-16 cùng nhiều loại khí tài hiện đại cho quốc gia Bắc Phi này. Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi năm 2018, ông chủ Nhà Trắng hứa sẽ bán cho Cairo 20 máy bay chiến đấu F-35. Kể từ đó đến nay, Cairo từng nhiều lần kêu gọi Washington thực thi cam kết trên. Tuy nhiên, “vấn đề này liên tục bị bác bỏ ở các cấp độ làm việc dù được thường xuyên nhắc đến trong mọi cuộc gặp giữa quan chức Ai Cập và Mỹ”, một quan chức Mỹ cho biết. Hơn thế, Lầu Năm Góc còn đang thực thi chính sách không bán F-35 cho bất kỳ quốc gia nào tại Trung Đông ngoài Israel. Dự kiến, lệnh cấm trên có thể có hiệu lực trong nhiều năm tới. Điều này khiến cam kết của Tổng thống Mỹ Donald Trump với người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi khó trở thành hiện thực. Do đó, đây được coi là một trong những nguyên nhân thúc đẩy Ai Cập tìm đến Nga.

Đầu năm nay, Ai Cập đã ký thỏa thuận mua hơn 20 máy bay chiến đấu Su-35 do Nga sản xuất với số tiền 2 tỷ USD. Hợp đồng này nằm trong kế hoạch hiện đại hóa không quân Ai Cập. Việc Ai Cập bỏ ra số tiền lớn trên để sở hữu máy bay chiến đấu Nga sẽ góp phần nâng cao năng lực không chiến của Ai Cập. "Su-35 không chỉ giúp Ai Cập sánh ngang với các cường quốc khu vực, mà còn mang tới lợi thế rõ ràng trong những trận không chiến, cho phép họ tấn công những mục tiêu như máy bay cảnh báo sớm của đối phương", Tạp chí Military Watch nhận xét.

Dù các quan chức cấp cao Mỹ liên tục gây sức ép đối với Ai Cập nhưng hiện chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Cairo sẽ từ bỏ hợp đồng với Moscow. Giới chuyên gia cho rằng, Cairo sẽ không sẵn lòng thực hiện yêu cầu của Mỹ trong bối cảnh cần ưu tiên hiện đại hóa không quân để theo kịp các nước láng giềng. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với RIA Novosti, tướng Gamal Mazlum, cựu Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược của Bộ Quốc phòng Ai Cập cho biết, từ lâu, Ai Cập đã theo đuổi chính sách đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí và đã mở rộng hợp tác theo hướng này với nhiều quốc gia trong những năm gần đây. Ông Gamal Mazlum khẳng định: “Ai Cập muốn xây dựng mối quan hệ cùng có lợi với tất cả các đối tác. Kể từ khi cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak quyết định đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí và trong thời của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi, chính sách này sẽ ngày càng được mở rộng. Do đó, Cairo sẽ không từ chối hợp tác kỹ thuật quân sự với Moscow, bất chấp sự đe dọa từ Washington”.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/vuot-qua-rao-can-603053