Vượt rừng săn 'kỳ hoa' nơi đại ngàn Tây Nguyên

Sâu trong những cánh rừng già ở Gia Lai, có những dãy núi thâm u bốn mùa chứa nhiều sản vật quý, trong đó có loại địa lan Hài Vân Nam Gia Lai. Đây là loài lan được ví như 'kỳ hoa', giá bán cao nên được rất nhiều thợ rừng săn tìm.

Vượt rừng tìm lâm sản

Cuối năm, ấy cũng là lúc Tây Nguyên vào mùa khô. Đêm tù mù trong cái lạnh, ngày thì nắng và gió lao xao. Những cánh rừng trải qua một mùa mưa thì trở nên tươi tốt.

Thợ rừng Nguyễn Sỹ Đắc bên cạnh cây lan Hài Vân Nam Gia Lai tìm được.

Những ngày giữa tháng Chạp, cũng là mùa gió lạnh nhất ở Tây Nguyên, chúng tôi có dịp theo chân anh Nguyễn Sỹ Đắc (24 tuổi, trú thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, Gia Lai) vào rừng. Hành trình săn loài lan quý bắt đầu từ 5h sáng. Anh Đắc đi cùng với một người bạn nữa, tên Rơ Châm Ban (trú xã Ia Ka, huyện Chư Păh).

Cả hai đều là những thợ rừng có tiếng, thông thuộc từng gốc cây, vạt rừng, có tài trèo cây cao và vách núi rất nhanh.

Tờ mờ sáng, cả nhóm gùi theo gạo, đồ bảo hộ, dây leo, cuốc nhỏ… hướng về đỉnh núi Ia Kreng, huyện Chư Păh.

Dọc hành trình khoảng 20km hầu như toàn đường đất khó đi (chúng tôi di chuyển bằng xe máy), anh Đắc tâm sự, do không có đất đai canh tác, từ nhiều năm qua, các anh lập nhóm chuyên đi rừng săn các lâm sản phụ như lan, mật ong, nấm. Thu nhập có ngày 5-6 triệu đồng nhưng cũng có hôm vất vả cả ngày vẫn phải về tay trắng.

Cây lan Hài Vân Nam Gia Lai nở hoa. Ảnh: Hồ Sỹ Đắc.

Đi mãi, hướng về rừng đầu nguồn thủy điện Ia Ly, rồi đến đầu nguồn thủy điện Sê San, cuối cùng cánh rừng lớn cũng hiện ra trước mắt.

Anh Đắc cho hay, ngoài khả năng leo núi, vượt thác và kinh nghiệm đi rừng thì việc chinh phục cây cao đã giúp anh tìm hái được những sản vật có giá trị, có thêm thu nhập nuôi sống gia đình.

"Mục tiêu của chuyến đi lần này là phải "săn" bằng được loài địa lan có tên là Hài Vân Nam đang được một số khách ở TP.HCM, Lâm Đồng đặt hàng. Loại lan này khi nở hoa có màu hồng rất đẹp, có giá từ 800.000 – 1.000.000 đồng/kg.

Loài lan hài này hiếm lắm, giá cao hơn các loài khác, màu hài hòa rất bắt mắt. Nó phân bố trên các đỉnh núi cao, có những cây chỉ xuất hiện ở độ cao hơn 1.000m", anh Đắc cho hay.

Ngồi sau xe máy anh Đắc, anh Rơ Châm Ban kể, xưa rừng còn nhiều thì việc tìm lan Hài Vân Nam không khó lắm. Tuy nhiên, giờ rừng thưa hơn nên phải băng từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác, may mắn lắm mới thấy được cả cụm vài chục cây.

"Giờ chúng chỉ có ở khu vực rừng nguyên sinh, muốn lấy thì phải vượt thác, leo lên các đỉnh núi cao. Chính vì vậy, khi gặp loài lan này chúng tôi chỉ lấy một nửa, còn lại để chúng tiếp tục phát triển, nhân rộng những mầm non mới", Ban chia sẻ.

Hiểm nguy rình rập

Theo anh Đắc, người săn tìm lâm sản phải có tính kiên nhẫn, chịu khó và luôn đối mặt, chấp nhận nguy hiểm. Với những người đã thạo đi rừng thì mỗi ngày cũng có thu nhập từ 400.000 – 600.000 đồng. Nếu gặp những bãi lan, nấm lớn, có giá trị thì số tiền thu về cao gấp vài lần.

Người thợ rừng bên cạnh thành quả là lan Hài Vân Nam.

"Mấy tháng trước, nhóm tôi phát hiện được một bãi lan Hải Vân Nam, bán được 6 triệu đồng. Trước đó, nhóm cũng tìm thấy nhiều loại nấm linh chi, nấm lim xanh, nấm cổ cò, sâm cau… bán với giá vài triệu đồng/kg", anh Đắc khoe.

Anh cho hay, trước đây cũng có nhiều người dân đổ xô vào rừng săn "lộc trời". Để cải thiện thu nhập cho gia đình, đôi khi họ phải đánh cược với mạng sống của mình trên những cây cao hoặc vách núi chót vót. Tuy nhiên, đến nay cũng ít người đi rừng, do họ đa phần đã vào Nam làm công nhân, vả lại nghề này rất nguy hiểm.

"Biết là nguy hiểm nhưng chẳng còn cách nào khác. Chỉ có liều như thế mới có cơ hội kiếm được tiền triệu, trang trải cuộc sống gia đình", Đắc chia sẻ và cho hay, người đi rừng bắt buộc phải có kỹ năng vì không có công cụ hỗ trợ nào khác. Ngoài khỏe mạnh, dẻo dai, những người thợ rừng còn phải giỏi leo trèo và có "thần kinh thép", không sợ độ cao.

Chưa kể, khi vào rừng sâu rất dễ gặp các loại bò sát nguy hiểm như rắn, rết, côn trùng, hoặc chạm phải những cây độc như lá ngón, cây sơn, nấm độc… Làng của anh đã có nhiều người phải bỏ mạng khi đi lấy lan ở rừng sâu.

Nói đoạn, anh Đắc chỉ về hướng một mỏm đá cạnh bờ suối, nơi có cây gỗ mục đường kính hơn người ôm đổ ngã từ chục năm trước: "Năm ngoái đào được mấy cây chỗ đó, có để lại mấy cây nhỏ cho nó mọc. Chắc giờ đi vào sẽ có cây to". Vậy là anh tháo cuốc, lấy rựa, ra hiệu chúng tôi theo sau.

Đúng như Đắc nói, quanh thân cây mục xuất hiện một cụm cây lan hài. Đắc cho hay, cây này năm ngoái chỉ bằng đầu ngón tay. Nói rồi Đắc dùng đầu rựa khẽ cạy xung quanh, bứng lên đưa cho mọi người cùng xem: "Một cây này chắc được 200.000 đồng, phải cuối mùa mưa mới lên hoa. Giờ ta lấy rựa đào gốc những cây lớn. Những cây nhỏ để lại năm sau".

Sau chuyến đi rừng một ngày, nhóm chúng tôi chỉ săn được vài cây lan Hài Vân Nam Gia Lai loại nhỏ. Dọc đường đi mọi người cũng tranh thủ hái một ít nấm cổ cò, cây dây máu bổ huyết…

"Hôm nay kể như không ăn thua, nghề đi rừng là vậy đó! May mắn thì kiếm được vài triệu đồng một lần đi, song có khi nhiều ngày cũng chẳng được gì. Biết vậy nhưng vì mưu sinh nên chúng tôi vẫn chấp nhận", Đắc tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thành Phước, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly cho hay, những người dân sống gần rừng thường lập từng nhóm nhỏ để vào rừng tìm lâm sản phụ. Vì đây cũng là một nguồn thu nhập của bà con nên ban quản lý thường tuyên truyền, vận động việc thu hái các loại lan, nấm vừa đủ, tạo sự cân bằng cho sự phát triển của tài nguyên rừng.

"Nhiều nhóm thợ rừng cũng đã có ý thức, chỉ lấy một nửa số lâm sản tìm được. Số còn lại họ để sinh sôi, phát triển để tránh cạn kiệt nguồn gen. Khi phát hiện các loại thực vật quý hiếm, anh em cũng báo ngay để lực lượng bảo vệ rừng có phương án bảo vệ", ông Phước cho hay.

Tạ Hồng Phúc

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vuot-rung-san-ky-hoa-noi-dai-ngan-tay-nguyen-19224021218555135.htm