Vượt sông Đồng Nai vào Sài Gòn

Quá trưa ngày 27/4/1975, trên đường phố Long Thành mới yên hẳn tiếng súng. Chúng tôi tiến theo dọc phố, cảnh tượng thật hãi hùng.

Mấy chiếc xe tăng, thiết giáp của ta bị phá hủy, anh em trên xe hy sinh trong mọi tư thế, rất thương tâm. Có chiến sĩ bị cháy trơ cả xương ống chân mà bàn chân vẫn còn chiếc giày vải lủng lẳng. Có chiến sĩ trên bụng chỉ còn cái xanh tuya rông, cháy nham nhở. Hai bên đường, xác anh em nằm rải rác. Bất giác tôi nhẩm đếm thiệt hại: Hơn 50 chiến sĩ. Có điều lạ, tất cả đều cháy đen, cả trên xe lẫn các góc phố. Bọn lính ngụy thật khốn kiếp, chắc chúng đã đổ xăng đốt các chiến sĩ sau khi hy sinh.

Người dân chào mừng quân giải phóng tiến vào Sài Gòn tháng 4/1975

Người dân chào mừng quân giải phóng tiến vào Sài Gòn tháng 4/1975

Có lẽ rút kinh nghiệm trận Long Thành, hôm sau, để chắc thắng và thắng nhanh nên pháo binh và xe tăng của ta nã đạn vào Nhơn Trạch dày đặc. Bộ binh tấn công giữa ban ngày. Chúng tôi theo dõi diễn biến trận đánh như xem một cuốn phim.

Sáng sớm 30/4, chúng tôi đã có mặt ở Cát Lái, chuẩn bị vượt sông Đồng Nai.

Cả một “rừng” pháo của ta đang chĩa nòng về bên kia sông. Đúng là một cuộc triển lãm pháo binh, đủ các loại: 85 ly nòng dài, lựu pháo 122 ly, cao xạ 37 ly, có cả những khẩu pháo 105 và 155 ly chiến lợi phẩm đang được mấy chiếc xe GMC khổng lồ kéo tới. Tất cả sẵn sàng cho giờ G.

Bên kia sông rất yên ắng, có lẽ địch cũng sẵn sàng, chuẩn bị nghênh tiếp. Đang ngồi với mấy chiến sĩ trong tiểu đội thì một chiến sĩ quê Hải Phòng đến ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Trong kia có một lò ấp trứng vịt hay lắm”. Tôi vội vã đi theo. Một cảnh tượng thật buồn cười, vây quanh một cái chảo to tướng, nước đang sôi sùng sục, 3-4 chiến sĩ bộ binh, mỗi cậu giữ một cái dây, buộc vào một cái túi lưới đầy trứng, thả trong chảo, đợi trứng chín như đi câu. Hay quá, cả tháng nay chưa được một miếng tươi vào bụng. Tôi vội vàng kiếm lấy một cái túi và tham gia cuộc chơi.

Bỗng một chiến sĩ thò mặt vào, gào lên: “Chạy đi!”. Đang ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì thì tôi thấy xuất hiện một viên sĩ quan, tay lăm lăm khẩu súng ngắn, quát lên dữ tợn: “Ai cho lấy trứng của dân?”. Mấy cậu lính ù té bỏ chạy, có cậu sợ quá, vứt cả túi trứng lại. Tôi cũng phóng ra ngoài nhưng kiên quyết không chịu buông “chiến lợi phẩm”. Vừa chạy còn vừa nghĩ “chẳng hiểu trứng đã chín chưa?”.

Về đến tiểu đội, đúng lúc được lệnh xuống xuồng. Khẩu 12,7 ly được đặt luôn trên khoang xuồng để sẵn sàng nhả đạn. Bên cạnh là xuồng của các anh em bộ binh. Theo kế hoạch hiệp đồng, khi pháo binh giã sang bên kia khoảng 30 phút thì xuồng sẽ vượt sông.

Không ai bảo ai, chờ đợi rất căng thẳng. Sài Gòn chỉ còn cách khúc sông này không xa. Khoảng cách giữa chiến tranh và hòa bình cũng rất gần. Đứa nào may mắn sang được tới bờ, đứa nào vĩnh viễn giã từ anh em, nằm lại... Chỉ cần một quả pháo trúng xuồng khi đang giữa dòng thì... Nhìn anh em quây quanh, những người cùng mình đùa giỡn với “tử thần” mấy năm nay mà thấy thương vô cùng!

Để phá tan bầu không khí căng thẳng, tôi giơ túi trứng lên: “Ăn đi!”. Mỗi thằng nhón một quả ngồi bóc. Thật tuyệt, liều thuốc an thần rất hữu hiệu. Trứng chưa chín, lòng đỏ còn sền sệt, nhưng rất ngon. Nhiều năm sau này, cứ mỗi lần ăn trứng chần, tôi lại nhớ đến quả trứng vịt bên bờ sông Đồng Nai ngày 30/4 năm ấy.

Một lúc sau, bỗng thấy bờ bên kia nhốn nháo, bóng lính ngụy chạy toán loạn. Đơn vị nào hay đặc công đã tấn công? Không phải. Tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng súng. Một tin sốt dẻo truyền đi rất nhanh. Trên radio, Tướng Nguyễn Hữu Hạnh kêu gọi binh sĩ buông súng. Binh sĩ Sài Gòn đang vứt súng tháo chạy. Chúng tôi được lệnh vượt sông. Xuồng nổ máy rẽ nước băng băng. Không thấy một sự phản kháng nào từ bên kia sông.

Cập bờ, anh em nhanh chóng tháo súng, hành quân. Có lệnh dừng lại chấn chỉnh quân trang, quần áo chỉnh tề, trước khi tiến vào thành phố.

Một chiếc xe ba bánh nổ phành phạch, dừng lại bên hàng quân. Bên thành xe vẽ hình một cô gái xinh đẹp đội mũ rộng vành, tay cầm một chai nước ngọt, bên cạnh có dòng chữ “Tôi thích Top” to tướng. Người lái xe ngả mũ kính cẩn: “Mời các quý ông lên xe”.

Chúng tôi tiến vào Sài Gòn trên chiếc Lambro ba bánh chở quá tải, ì ạch chuyển bánh, nổ phành phạch, phun khói đen kịt… Dừng xe ở quận 9 (bây giờ là quận 2), chúng tôi tiếp tục tiến về bến phà Thủ Thiêm. Hai bên phố, dân chúng vỗ tay reo hò. Những chai nước ngọt rải đầy hai bên đường như hàng rào danh dự đón chào đoàn quân chiến thắng.

Từ sau năm 1975 đến nay, tôi chưa có dịp qua Long Thành. Chắc thị trấn đã thay đổi nhiều lắm. Tôi cứ thầm ước, giá như chỗ ngã ba, gần cái tháp nước mọc lên một tượng đài: Một chiếc xe tăng bị phá hủy, trên xe anh em ta hy sinh trong mọi tư thế, để ghi lại mãi mãi cái giá phải trả cho chiến thắng năm xưa, thì có lẽ rất ý nghĩa. Nhân kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4/1975, tôi xin gửi một nén nhang về thị trấn bé nhỏ phương Nam xa xôi, kính dâng lên hương hồn của các liệt sĩ, những đồng đội của tôi đã nằm lại Long Thành.

Nhân đây, tôi cũng xin mạn phép thay mặt anh em bộ binh E101, Sư đoàn 325 xin lỗi ông chủ lò ấp trứng vịt bên bờ sông Đồng Nai (nếu còn sống). Mong ông đại xá cho những người lính trẻ. Cũng chỉ tại chiến tranh.

Như Thìn

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vuot-song-dong-nai-vao-sai-gon-534521.html