Vượt trùng dương

Khi những chiếc tàu chở nhiên liệu mang cờ Iran cứ nối tiếp nhau vào cảng Venezuela bất chấp những lệnh tuyên bố trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ, người ta dễ đặt ra câu hỏi: 'Uy quyền' của nước Mỹ đã không còn như trước nữa?

Tổng thống Maduro cảnh báo EU ngừng "gây rối" tại Venezuela

Tự mình cứu mình

Việc Iran thông báo sẽ đưa 5 tàu chở nhiên liệu tới Venezuela vào đầu tháng 5 vừa qua đã gây bất ngờ với khá nhiều người. Vào thời điểm đó, tình hình ở Trung Đông đang có dấu hiệu nóng trở lại sau giai đoạn chìm lắng vì đại dịch COVID-19. Mỹ - quốc gia luôn giữ thái độ thù địch với cả Iran và Venezuela - vẫn đang duy trì những lệnh cấm vận nghiêm ngặt lên hai quốc gia này.

Với quyết tâm ngăn chặn một-chương-trình-tên-lửa-có-thể-có của Iran và bảo vệ những đồng minh của mình trong khu vực, chính quyền Tổng thống Donald Trump luôn quan tâm tới bất cứ động thái nào của phía Iran và luôn tỏ ra hết sức cứng rắn. Những quả tên lửa hồi đầu năm bắn thẳng vào vị tướng của quân đội Iran vẫn là bài học nhãn tiền đối với bất cứ ai dám thách thức lại sức mạnh Mỹ.

Thế nhưng, bất chấp những lời đe dọa sử dụng vũ lực của Mỹ, Iran vẫn quyết định đưa đoàn tàu của mình lên đường vào hôm 17-5. Tới lúc này, cả 5 chiếc tàu ấy đều tới đích.

Những cái bắt tay như thế này đang khiến Mỹ đau đầu.

Nhìn từ phía Iran, nước đi lần này tuy có mạo hiểm nhưng chắc chắn đã được tính toán kỹ và thậm chí là cần thiết. Trước hết, nhiên liệu không phải là mặt hàng bị cấm giao dịch giữa Iran với Venezuela. Không có một nghị quyết nào của Liên Hợp quốc cấm các quốc gia này trao đổi hàng hóa với nhau.

Thêm vào đó, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế cả đôi bên, hành động tăng cường giao dịch giữa Iran và Venezuela lại càng trở nên cần thiết. Venezuela, do bị ảnh hưởng bởi những lệnh cấm của Mỹ trong 2 năm qua, đang rơi vào cảnh thiếu thốn nhiên liệu trầm trọng. Ước tính 1,5 triệu thùng nhiên liệu được Iran mang tới lúc này (có giá trị khoảng 45 triệu USD) sẽ giúp giải quyết khó khăn của đất nước Nam Mỹ trong một tháng, đồng thời đem về lượng tiền đáng kể cho Iran trong bối cảnh họ cũng đang gặp khó khăn thời gian qua.

Khi đại dịch COVID-19 lan tràn, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu thế giới giảm mạnh, Iran không thể bán được cho các đối tác lớn nên họ cần một người mua mới. Hai đối tác, một có hàng, một có tiền, dù cho có khó khăn ngăn trở thế nào họ cũng sẽ tìm cách để đến được với nhau. Ngoài ra, khi đã đưa được tàu tới Venezuela, Iran còn có thể đem gì đó trở về từ Nam Mỹ, để giải quyết những khó khăn khác của mình.

Không chỉ vậy, ở một khía cạnh nào đó, câu chuyện này cũng đang khiến cho thế giới chú ý trở lại tới dầu mỏ - mặt hàng thiết yếu nhưng đang mất giá trên thị trường thế giới. Cứu được giá dầu, cũng có nghĩa là cứu được cả hai nền kinh tế vốn rất phụ thuộc vào nguồn thu từ mặt hàng này.

Bên hô, bên ứng

Nhưng dù sao, hành động của cả Iran và Venezuela lúc này cũng là một sự thách thức nghiêm trọng đối với “thể diện” nước Mỹ. Nằm ở Nam Mỹ - vùng ảnh hưởng truyền thống của Mỹ, dưới sự lãnh đạo của chính quyền cánh tả từ thời Hugo Chavez đến nay, Venezuela luôn là cái gai trong mắt Washington. Chưa bao giờ, Mỹ có được cái cớ để can thiệp sâu vào tình hình nội bộ của Venezuela như kể từ sau cuộc bầu cử năm 2018 làm chia rẽ nghiêm trọng đất nước này.

Dù chưa đạt được mục đích cuối cùng là lật đổ chính quyền của tổng thống đương nhiệm Maduro nhưng Mỹ đang khá thành công với những biện pháp cấm vận và chắc chắn sẽ không từ bỏ mục tiêu.

Trong khi đó, dù luôn giữ thái độ cứng rắn, Iran có lẽ vẫn không phải là đối thủ của Mỹ trong một cuộc xung đột tiềm tàng. Chúng ta hẳn còn nhớ hồi đầu năm, khi những quả tên lửa của Mỹ hạ sát tướng Soleimani, dù rất tức giận, Iran cũng chỉ phản ứng hạn chế. Nhưng lần này, khi "quốc tế hóa" những căng thẳng trong khu vực bằng cách tiến vào sân sau của Mỹ, Iran đang phát đi một thông điệp rất đáng chú ý.

Chính vì mức độ nghiêm trọng của vụ việc lần này nên cách để Iran và Venezuela chuẩn bị đương đầu với Mỹ cũng rất "nóng". Iran ngay từ đầu đã đưa ra những cáo buộc phản đối Mỹ lên Liên Hợp quốc. Họ không ngần ngại gọi chính quyền Mỹ là "cướp biển" nếu dám đụng đến hàng hóa của họ. Iran đã hết sức chủ động trong cuộc chơi này.

Đội tàu Iran được chào đón tại Venezuela.

Trước đó, những vụ việc như mang xuồng cao tốc ra áp sát tàu hải quân Mỹ trên vịnh Ba Tư hay thử nghiệm phóng vệ tinh quân sự có thể coi là những bước đệm thăm dò. Iran có niềm tin rằng: Chính quyền của ông Trump, vì đang ngập trong những khó khăn nội bộ, sẽ cố tránh những rắc rối khác ở bên ngoài.

Còn với Venezuela, hành động diễn tập quy mô lớn ngay trên bờ biển trước khi chiếc tàu đầu tiên cập bến cũng là chưa có tiền lệ. Quân đội Venezuela đã được huy động ở mức tối đa bởi họ biết mình đang đứng trước thách thức gì. Tất nhiên, nếu người Mỹ không nổ súng trước, chẳng đời nào quân đội Venezuela lại làm điều đó. Có điều, khi những quả tên lửa phòng ngự bờ biển của Venezuela được lắp lên bệ phóng với lời cảnh báo rõ ràng, đó vẫn là một hành động cực kỳ dũng cảm của chính quyền ông Maduro, giữa muôn trùng vây.

Hành động lần này của Iran và Venezuela dường như rất ăn ý với nhau, để cùng thách thức những lệnh cấm mang đậm màu sắc “uy quyền Mỹ”. Một “cuộc chơi tất tay” của những người bạn có chung một kẻ thù.

Lốc xoáy trong sân sau

Hành động đưa tàu vượt đại dương tới Nam Mỹ của Iran không chỉ đơn giản là một cuộc giao dịch riêng của hai nước. Sẽ thật ngây thơ nếu nghĩ rằng Iran và Venezuela dám làm điều gì đó nếu không có sự ủng hộ ngấm ngầm của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc như Nga hay Trung Quốc. Từ góc nhìn toàn cầu, những hành động này của Iran và Venezuela cũng chỉ là các vận động trong tổng thể một tiến trình xây dựng trật tự thế giới mới...

Nối tiếp những sự kiện ở Syria hay Lybia gần đây, chúng ta thấy rõ tiếng nói của Mỹ tại các điểm nóng trên thế giới đang giảm sút nhanh chóng. Lúc này, Venezuela đang dần trở thành một chiến địa mà người Mỹ đã nhìn thấy thất bại. Từ chỗ là "gã sen đầm quốc tế”, nước Mỹ đang bị các đối thủ tiến sâu vào sân sau của mình. Nếu Iran và Venezuela cũng có thể hợp tác với nhau để vượt qua những lệnh cấm của Mỹ thì điều gì có thể ngăn cản các quốc gia khác làm điều tương tự?

Ngay lúc này, chiến lược kiềm tỏa của Mỹ ở Venezuela có thể nói là đã thất bại. Việc không thể huy động được cộng đồng quốc tế rộng rãi đứng về phía mình hòng lật đổ chính quyền của ông Maduro đã kéo theo việc tiếng nói của Mỹ trong các vấn đề khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nên nhớ, ngoài các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ thì còn có cả các nước trong khu vực như Mexico, Bolivia, Uruguay hay Nicaragua vẫn đang đứng về phía ông Maduro. Những quốc gia này hoàn toàn có thể trở nên tự tin hơn để không tán đồng các quan điểm của Mỹ, khi được khích lệ bởi sự dũng cảm của Iran và Venezuela..

Từ nay, có lẽ nước Mỹ sẽ phải tiếp cận những vấn đề trong khu vực theo một cách nhìn hoàn toàn khác, nếu không muốn một liên minh đối nghịch với họ chính thức hình thành.

Tử Uyên

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/vuot-trung-duong-599637/