Washington buộc phải xóa ván cờ Iraq bằng nước cờ của mình?

Mỹ biết sẽ đến lúc ván cờ Iraq bị xóa bởi chính nước cờ 'xây dựng cơ cấu xung đột quyền lực-tạo thế chân vạc trong phân chia quyền lực', nhưng....

Tổng thống Iraq tuyên bố từ chức trong bối cảnh bất ổn chính trị chưa có hồi kết

Theo RIA Novosti, ngày 26/12, Tổng thống Iraq Barham Saleh đã đệ đơn từ chức lên Quốc hội Iraq trong bối cảnh bất ổn trong cả đời sống chính trị lẫn đời sống xã hội tại quốc gia Trung Đông này vẫn chưa có hồi kết.

"Tôi bày tỏ với các thành viên Quốc hội rằng tôi sẵn sàng từ chức Tổng thống để cho quý vị đưa ra quyết định mà quý vị cho là phù hợp”, Văn phòng Tổng thống Iraq cho công bố thư của Tổng thống Saleh gửi cơ quan lập pháp nước này.

Đặc biệt, trong bức thư của mình, ông Saleh tuyên bố rằng, ông phản đối việc Fatah, đảng chính trị do Iran hậu thuẫn trong Quốc hội Iraq, đề cử Thống đốc tỉnh Basra Asaad al-Eidani làm tân Thủ tướng Iraq.

Tổng thống Iraq Barham Saleh

Tổng thống Iraq Barham Saleh

Xin nhắc lại, ngày 24/12, các nhà lập pháp Iraq đã thông qua luật bầu cử mới nhằm mang đến cơ hội giành ghế nghị sĩ tốt hơn cho những ứng cử viên độc lập hay không thuộc đảng phái chính trị nào, theo AP.

Luật bầu cử mới phân chia 18 tỉnh của Iraq thành một số khu vực bầu cử và theo tỷ lệ 1 nghị sĩ /100.000 dân. Luật bầu cử mới đã cấm các đảng phái chính trị chạy vị trí, điều trước đây từng giúp một đảng hay liên minh dễ chiếm trọn số ghế tại một tỉnh.

Thay vào đó, số ghế sẽ trao cho đảng hay liên minh chính trị nào nhận được số phiếu nhiều nhất tại khu vực bầu cử. Luật bầu cử mới được xem là đáp ứng yêu cầu của làn sóng người biểu tình, vốn đã khiến Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi từ chức.

Chưa biết luật bầu cử mới có đáp ứng được yêu cầu của người biểu tình hay không, bởi họ yêu cầu tân thủ tướng phải là người độc lập về chính trị và ứng cử viên không được hậu thuẫn bởi các tổ chức chính trị bị cho là tham nhũng và thiếu năng lực.

Mặc dù Quốc hội 329 ghế của Iraq được bầu hồi tháng 5-2018 với nhiệm kỳ 4 năm, vậy nhưng người biểu tình lại muốn có cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn với luật bầu cử mới công bằng hơn.

Chính vì vậy, chỉ vài giờ sau khi ông Asaad al-Eidani được đề cử làm tân Thủ tướng Iraq, người biểu tình tại nhiều tỉnh phía Nam Iraq như Basra, Karbala và Najaf đã lại xuống đường, và cuối cùng đền lượt Tổng thống Saleh xin từ chức.

Thế chân vạc mà Mỹ xác lập cho ván cờ Iraq thời hậu Saddam đã sụp đổ

Giới phân tích cho rằng, việc Quốc hội Iraq thông qua luật bầu cử mới cũng khó có thể cứu vãn được tình hình hỗn loạn trên cả chính trường Iraq lẫn đời sống chính trị Iraq, vì đó chỉ là phần ngọn của vấn đề.

Gốc rễ của vấn đề chính là nền tảng vận hành của hệ thống chính trị cần phải được xác lập lại, nhằm đảm bảo nhà nước Iraq là thực thể chính trị đại diện cho toàn dân Iraq, đảm bảo cho lợi ích quốc gia phải luôn được đặt trước lợi ích đảng phái.

Nghĩa là phải sửa đổi Hiến pháp vốn được Mỹ đình hình cho Iraq thời hậu Saddam Hussein, trong đó xác lập thế chân vạc trên cả chính trường và trong đời sống chính trị Iraq - mà được xem là đã đưa Iraq vào vòng xoáy vô định hơn một thập kỷ qua.

Hiến pháp Iraq - do Mỹ định hình - quy định Tổng thống thuộc về đại diện của người Kurd, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội phải thuộc về đại diện của lực lượng Hồi giáo dòng Shiite, được Mỹ xem là một cách phân chia quyền lực cân bằng tại Iraq.

Iraq luôn vô định trong hơn thập kỷ qua

Nhìn qua có vẻ đây là một cơ cấu hợp lý, đảm bảo nhà nước Iraq là đại diện cho toàn xã hội nên xã hội sẽ ổn định, nhà nước có quyền lực. Tuy nhiên, phân tích kỹ thì đây là nguyên nhân chính gây bất ổn cho đời sống chính trị và đời sống xã hội Iraq.

Đơn giản là việc phân chia quyền lực ở Iraq bị chi phối bởi lợi ích phe phái chính trị, mà ở đó lực lượng Hồi giáo dòng Sunni vốn chi phối đời sống chính trị Iraq ở thời Saddam Hussein gần như mất hẳn trong cơ cấu quyền lực.

Song đáng nói hơn là với cơ cấu phân chia quyền lực mới bằng định chế thay vì theo cơ chế đã khiến lợi ích quốc gia của Iraq luôn nghiêng ngả theo mâu thuẫn lợi ích giữa các phe phái trên chính trường nước này.

Đặc biệt, nhằm nâng cao vị thế cho người Kurd, Mỹ đã cố tình tạo thế chân vạc trên cả chính trường Iraq lẫn đời sống chính trị Iraq thời hậu Saddam Hussein, khi người Kurd có mặt trong chính quyền trung ương nhưng vẫn được xác lập cơ chế tự trị.

Trên chính trường Iraq, thế chân vạc được hình thành thông qua phân chia quyền lực giữa lực lượng người Kurd với lực lượng chính trị Hồi giáo dòng Shi'ite có vai trò chi phối chính trường và lực lượng chính trị Hồi giáo dòng Sunni có quyền lực hạn chế.

Trong đời sống chính trị Iraq, thế chân vạc được tạo nên từ sự tồn tại của cộng đồng người Kurd ở bắc Iraq có quyền tự trị song song với cộng đồng người Hồi giáo dòng Shi'ite chiếm số đông dân cư Iraq và cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni thiểu số.

Rõ ràng, với mưu đồ muốn xóa bỏ hoàn toàn tàn dư của chế độ Saddam Hussein và nâng cao vị thế cho người Kurd trong xã hội Iraq, Washington đã đưa đất nước Iraq vào vòng xoáy bất ổn vô định bằng có một cơ cấu quyền lực xung đột.

Song với tình hình Iraq hiện nay, cơ cấu quyền lực xung đột đã mất tác hiệu khi tất cả các định chế đều không thể xác lập, còn thế chân vạc trên cả chính trường lẫn trong đời sống chính trị đã sụp đổ khi người dân muốn quyền lực thuộc về người không đảng phái.

Washington phải xóa ván cờ Iraq bằng chính nước cờ của mình... chỉ vì Putin

Theo giới phân tích, chính trường Iraq sẽ không nghiêng ngả, đời sống chính trị Iraq không hỗn loạn, đời sống xã hội không bất ổn, dù với cơ cấu quyền lực xung đột và thế chân vạc trong phân chia quyền lực, nếu Mỹ giúp xây dựng chủ thuyết chính trị cho Iraq.

Ông Putin giúp Nga chiếm ưu thế trước Mỹ trong việc chiếm trái tim Hồi giáo

Chủ thuyết chính trị là giá trị tinh thần của cả cộng đồng dân tộc, phát huy được bản sắc của văn hóa dân tộc, từ đó mới có khai quật sức mạnh quốc gia. Từ chủ thuyết sẽ tạo hình nên ý thực hệ cốt lõi cho một quốc gia.

Các thực thể chính trị dựa vào chủ thuyết để xây dựng cương lĩnh chính trị, chương trình hành động, từ đó mới kỳ vọng được nhân dân ủy thác quyền lực. Như vậy, nếu thiếu chủ thuyết thì mọi cố gắng của các lực lượng chính trị đều như bèo bọt.

Lợi ích Mỹ, sức mạnh Mỹ không thể khỏa lấp được lỗ hổng thiếu chủ thuyết. Khi thiếu chủ thuyết thì các nước cờ chính trị đều chỉ là những mẹo vặt, khi đó Quyền - sức mạnh nhà nước - không gắn liền với Lực – quyền lực nhân dân.

Tại sao một yếu tố quá quan trọng như vậy trong xác lập quyền lực mà Washington lại thiếu trong ván cờ mới của mình ở Iraq thời hậu Saddam? Giới phân tích cho rằng nguyên nhân chính là tác hiệu bởi chiến lược đối ngoại của Tổng thống Nga Putin.

Vị tổng thống thứ 2 của nước Nga thời hậu Xô Viết xây dựng chiến lược đối ngoại "chỉ ưu tiên xây đối tác, không chú trọng kết đồng minh", qua đó ngăn Washington tái lập đối đầu ý thức hệ, sau khi thế giới đơn cực xoay quanh trục Mỹ kết thúc.

Chiến lược đối ngoại của ông Putin khiến Washington không dám hỗ trợ các lực lượng thân Mỹ xây dựng chủ thuyết chính trị tại các bàn cờ mới, từ đó dẫn đến hậu quả là Mỹ không thể hoàn thành bất cứ ván cờ nào thời hậu Xô Viết, chứ không chỉ ở Iraq.

Trong những bàn cờ chính trị thời Chiến tranh Lạnh, Washington đều giúp các lực lượng thân Mỹ xây dựng chủ thuyết chính trị, mà mục đích là tạo nên đối lập ý thức hệ, từ đó hình thành nên thế giới lưỡng cực Xô - Mỹ.

Tuy nhiên, khi không tái lập được đối đầu ý thức hệ, Washington không dám hỗ trợ lực lượng thân Mỹ xây dựng chủ thuyết chính trị, vì nó có thể bị Nga khai thác cho các nước cờ của mình, thậm chí lật ngược thế cờ của Mỹ.

Bởi lẽ bản chất nền tảng vận hành hệ thống chính trị của Mỹ và Nga gần như tương đồng, điểm khác duy nhất là của Mỹ xây dựng trên Nhân quyền-mang tính phổ quát, của Nga xây dựng trên Dân quyền-đảm bảo yếu tố riêng biệt của từng quốc gia.

Ngăn tái lập đối lập ý thức hệ, Putin khiến Washington trả giá trong nhiều ván cờ

Khi Washington mang "mô hình Mỹ" sang các bàn cờ mới sẽ chắc chắn sẽ có nhiều sự lệch pha và đây là cơ hội cho người Nga "bám thắt lưng Mỹ đánh Mỹ". Vì vậy, các lực lượng thân Mỹ tại các bàn cờ mới không được Washington giúp xây chủ thuyết.

Hậu quả là tất cả các bàn cờ chính trị Washington sắp đặt thời hậu Xô Viết, đều thất bại, trong đó có bàn cờ Iraq. Thực ra, Washington biết trước hậu quả nhưng không dám khắc phục để tránh chính quyền Putin “té nước theo mưa”, mà sẽ gây thảm họa cho Mỹ.

Như vậy, Mỹ biết sẽ đến lúc ván cờ Iraq bị xóa bởi chính nước cờ "xây dựng cơ cấu xung đột quyền lực-tạo thế chân vạc trong phân chia quyền lực", nhưng vẫn phải đi nước cờ này. Rõ ràng, Washington đã phải tự xóa ván cờ Iraq bằng chính nước cờ của mình chỉ vì ông Putin.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/washington-buoc-phai-xoa-van-co-iraq-bang-nuoc-co-cua-minh-3394122/