Washington không còn muốn cứu dầu đá phiến?

Cuộc khủng hoảng dầu như một cú sốc buộc Mỹ phải nhìn lại mình, song dường như Washington lại xem đó là cơ hội hiệu chỉnh-ép buộc đồng minh....

Mỹ vẫn dọa rút quân, bất chấp Ả-rập Saudi đã cắt giảm sản lượng dầu

Theo Reuters, trong cuộc điện đàm với Thái tử Ả-rập Saudi Mohammad bin Salman hôm 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo rằng, Washington sẽ buộc phải rút quân khỏi Ả-rập Saudi nếu Riyadh không cho cắt giảm sản lượng khai thác dầu.

Sự việc khiến Thái tử Mohammad bin Salman rất bất ngờ, đến mức ông đã yêu cầu các trợ lý của mình rời khỏi phòng làm việc để thảo luận về chủ đề này với nhà lãnh đạo Mỹ một cách riêng tư.

Washington từng ra tối hậu thư cho Riyadh, nếu vương quốc dầu mỏ không cắt giảm sản lượng dầu. Người đứng đầu Nhà Trằng cho biết, không thể ngăn Quốc hội Mỹ đưa ra các biện pháp chống lại Riyadh, gồm cả việc rút quân, nếu tối hậu thư bị bác.

Reuters, ngày 8/4 từng đưa tin, các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, đứng đầu là hai Thượng nghị sĩ Kevin Cramer và Dan Sullivan đã xây dựng một dự luật, mà theo đó Washington sẽ loại bỏ các hệ thống phòng thủ và rút quân đội Mỹ khỏi Ả-rập Saudi.

Washington luôn định vị lợi ích Mỹ trong quan hệ với đồng minh

Washington luôn định vị lợi ích Mỹ trong quan hệ với đồng minh

Cụ thể, theo nội dung Dự luật Cramer-Sullivan, lực lượng binh sĩ Mỹ, hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo Patriot và các hệ thống phòng thủ THAAD sẽ được rút khỏi Vương quốc dầu mỏ và chuyển tới những nơi khác ở Trung Đông.

Động thái này được xem là cách mà chính giới Mỹ gây sức ép với đồng minh Ả-rập Saudi, buộc Riyadh phải xuống nước trong cuộc họp của các nước từng tham gia cơ chế trong-ngoài OPEC, dự kiến diễn ra ngày 9/4, để thảo luận về việc cứu giá dầu.

Theo nguồn tin Reuters có được, Thượng nghị sĩ Kevin Cramer đến từ Bắc Dakota, giàu dầu mỏ bậc nhất của Mỹ và Thượng nghị sĩ Dan Sullivan đến từ Alaska, một bang sản xuất dầu thô khác của Mỹ, muốn Riyadh phải chủ động cắt giảm sản lượng.

Nếu Riyadh không đáp ứng yêu cầu của Washington, thì không những Mỹ bỏ mặc Ả-rập Saudi trong cuộc đối đầu với Iran, mà còn tạo ra những hiệu ứng bất lợi cho Riyadh tại vùng đất nóng, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Qatar vẫn chưa kết thúc.

Sau đó, trong cuộc họp của OPEC+ diễn ra ngày 9/4 và cuộc họp của G-20 diễn ra ngày 12/4, các nước tham gia cơ chế trong-ngoài OPEc đã thông qua thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử ở mức 9,7 triệu thùng/ngày, nhằm ổn định giá dầu.

Theo đó, trong tháng 5 và tháng 6/2020, Nga và Ả-rập Saudi mỗi nước sẽ giảm sản lượng 2,5 triệu thùng/ngày. Từ tháng 7 đến tháng 12/2020, OPEC+ sẽ giảm 7,7 triệu thùng/ ngày, và từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022 sẽ giảm 5,8 triệu thùng/ngày.

Như vậy, chưa biết tối hậu thư của Washington có khiến Riyadh nhụt chí hay không, nhưng việc cắt giảm sản lượng dầu đã diễn ra theo đúng tinh thần của tối hậu thư mà Washington gửi tới Riyadh.

Vậy mà ngay trong những ngày đầu tiên thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu theo tinh thần các cuộc họp của OPEC+ và nhóm G-20, Washington lại bất ngờ lặp lại lời đe dọa rút quân, bỏ mặc Riyadh. Một điều quá khó hiểu.

Washington đã tận dụng cơ hội từ cuộc khủng hoảng giá dầu để ép đồng minh

Đe dọa rút quân khỏi Ả-rập Saudi cho thấy mục đích của Washington không còn là cứu dầu đá phiến Mỹ

Reuters đưa tin, mới đây Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette đã tuyên bố với báo giới rằng, Washington có quyền sử dụng bất kỳ công cụ nào để bảo vệ các nhà sản xuất dầu trong nước, bao gồm cả việc hậu thuẫn quân sự.

Như vậy là đã rõ, để cứu ngành sản xuất dầu đá phiến Mỹ thì Washington sẵn sàng sử dụng những công cụ phi thị trường, những biện pháp cạnh trang không lành mạnh, trong đó có cả việc dùng công cụ vũ khí.

Tuy nhiên, như giới phân tích nhừng nhận định, việc Washington sử dụng công cụ vũ khí - mà trong trường hợp này là dọa rút quân khỏi Ả-rập Saudi - để cứu ngành dầu đá phiến Mỹ chỉ còn ý nghĩa "đùa chút chơi" mà thôi.

Bởi lẽ công cụ này không còn đắc dụng với Washington, mà nguyên nhân là bởi vị thế của Mỹ trên bàn cờ chính trị thế giới đã sụt giảm nghiêm trọng, khiến cho chiêu trò kinh tế hóa chính trị trở nên trơ trẽn và đồng minh sẵn sàng trở cờ với Mỹ.

Không những vậy, hiệu quả của vũ khí Mỹ trong việc bảo trợ đồng minh đang là một vấn đề cần mổ xẻ, khi Ả-rập Saudi liên tiếp gánh chịu hậu quả nặng nề từ các cuộc tấn công của lực lượng Houthi, đặc biệt là vụ cháy các giếng dầu hồi năm ngoái.

Hơn nữa, cảnh báo của Washington được đưa ra sau khi Riyadh không tỏ động thái với kế hoạch thành lập liên minh giữa Mỹ với Ả-rập Saudi nhằm phối hợp trong điều tiết thị trường dầu mà Bộ Năng lượng Mỹ để xuất, trở thành lời "hù không thể dọa".

Với thực tế như vậy, rõ ràng Dự luật Cramer-Sullivan nhằm cho phép Washington sử dụng công cụ vũ khí để ép Riyadh bất chấp Ả-rập Saudi đã giảm sản lượng dầu không hẳn chỉ là nhằm cứu dầu đá phiến Mỹ khỏi cơn hấp hối hiện nay.

Vì cứu ngành sản xuất dầu đá phiến Mỹ là làm sao phải giúp tăng giá dầu, mà để dầu tăng giá thì việc giảm sản lượng cung ứng cho thị trường dầu toàn cầu là quan trọng nhất đối với nước xuất khẩu dầu như Ả-rập Saudi. Và Riyadh đã làm điều đó.

Rõ ràng, việc Mỹ dọa rút quân khỏi Ả-rập Saudi chỉ là mượn cớ cứu dầu phiến Mỹ để thực hiện mục đích khác lớn hơn. Theo giới phân tích, Washington muốn dịp này hiệu chỉnh đồng minh, buộc Riyadh phải hy sinh cho lợi ích Mỹ trong mọi trường hợp.

Hình ảnh các cơ sở sản xuất dầu của Ả-rập Saudi bị tấn công

Đây được xem là "cái giá phải trả" đối với Riyadh cho việc có những chuyển động lệch pha với Washington và để ngăn chặn nguy cơ Ả-rập Saudi có thể lệch chuẩn Mỹ, từ đó làm ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích của Mỹ tại vùng đất nóng.

Điều này khiến người ta liên tưởng tới việc Mỹ ban hành Luật Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố, cho phép gia đình của các nạn nhân trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001 được đệ đơn kiện Ả-rập Saudi.

Mặc dù Tổng thống Obama đã cảnh báo việc thông qua đạo luật sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa Mỹ với Ả-rập Saudi, một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông, nhưng Capitol Hill đã bác phủ quyết của tổng thống.

Như vậy, khi lợi ích Mỹ chưa được đảm bảo hay không gia tăng như kỳ vọng, công cụ sức mạnh sẽ được sử dụng và các đồng minh luôn là đối tượng được Washington hướng tới đầu tiên, buộc phải móc hầu bao để đảm bảo hay làm gia tăng lợi ích Mỹ.

Với lời cảnh báo của Tổng thống Trump gửi tới Thái tử Ả-rập Saudi Mohammad bin Salman về việc rút quân khỏi Ả-rập Saudi bất chấp vương quốc dầu mỏ đã giảm sản lượng dầu, cho thấy hoàn toàn có khả năng Dự luật Cramer-Sullivan trở thành luật.

Mà khi việc cho phép Mỹ sử dụng công cụ vũ khí để ép đồng minh phải đảm bảo hay gia tăng lợi ích Mỹ, được luật hóa, thì nguy cơ Ả-rập Saudi lại phải sử dụng công cụ giá dầu phục vụ cho các mưu đồ của Mỹ, như đã từng trong hơn bốn chục năm.

Vậy là, dù thời thế đã thay đổi nhưng Mỹ vẫn chưa thay đổi, chưa chịu hòa nhập với thế giới, trên cơ sở nghĩa vụ chung-quyền lợi chung. Cuộc khủng hoảng dầu như một cú sốc buộc Mỹ phải nhìn lại mình, song Washington lại xem đó là cơ hội hiệu chỉnh-ép buộc đồng minh.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/washington-khong-con-muon-cuu-dau-da-phien-3401381/