WB chỉ ra nhiều điểm hạn chế quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam

Ngày 27/3, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức công bố báo cáo quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm ở Việt Nam, những thách thức và cơ hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi công bố báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Ảnh: DN

Nghiên cứu của WB tại Việt Nam tập trung vào chuỗi giá trị của thịt lợn và rau ăn lá để tìm các nguy cơ an toàn thực phẩm (ATTP) tại Việt Nam, thời gian thực hiện nghiên cứu là từ tháng 8/2016 đến tháng 2/2017.

Theo báo cáo, hiện tại Việt Nam có khoảng 80% thịt lợn và 85% rau được bày bán tại các chợ bán lẻ truyền thống và những người sản xuất nhỏ chiếm ưu thế trong chuỗi giá trị, trong đó 76% lợn được giết mổ trong các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ với điều kiện vệ sinh kém.

Báo cáo của WB cũng chỉ rõ, hiện có bằng chứng khoa học cho thấy ô nhiễm thực phẩm ở Việt Nam còn tương đối phổ biến. Nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ nhiễm mối nguy hại vi sinh vật như salmonella trong thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng vẫn còn tương đối cao (tương ứng khoảng 30%-40%). Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại kháng sinh tràn lan trên diện rộng cũng tăng nguy cơ để lại tồn dư trong thực phẩm.

Ngoài ra, theo WB, một số chất kích thích tăng trưởng, chất cấm trong chăn nuôi cũng được sử dụng làm chất tạo nạc vẫn tương đối phổ biến, chưa kể, nhiễm bẩn kim loại nặng và và các chất hữu cơ bền vững trong môi trường, trong đó có dioxin cũng được ghi nhận tại một số địa phương.

“Hệ thống giám sát hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào các sự kiện, ví dụ thống kê các vụ ngộ độc. Chưa kể theo báo cáo, hiện đã có một số phòng xét nghiệm của nhà nước, viện nghiên cứu và tư nhân với năng lực kỹ thuật, tương đối tốt và phần lớn được chứng nhận, song thông tin về thực tế vận hành của các phòng xét nghiệm vẫn còn hạn chế. Mỗi năm có hàng trăm nghìn mẫu thực phẩm được phân tích nhưng thông tin về các kết quả xét nghiệm, mức độ tin cậy và tính đại diện của các mẫu xét nghiệm lại không được báo cáo một cách có hệ thống”, báo cáo WB chỉ rõ.

Với những hạn chế và tồn tại nêu trên, báo cáo của Ngân hàng thế giới khuyến các nhà quản lý Việt Nam nên tiến hành các nghiên cứu để tập trung vào các chiến lược hợp tác hướng tới tuân thủ, dự phòng các vụ ngộ độc và ngành công nghiệp thực phẩm nên áp dụng hình thức tự kiểm tra, kiểm soát các mối nguy sinh học phổ biến ngay tại trang trại, nơi sản xuất thay vì áp dụng hình thức thanh tra- xử phạt đối với ATTP mà các quốc gia khác trên thế giới đã bỏ từ lâu.

Tại lễ công bố báo cáo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam biểu dương và ghi nhận nỗ lực của WB và cho rằng những khuyến khi của Ngân hàng Thế giới đưa ra khá phù hợp. Phó Thủ tướng cho rằng, để quản lý ATTP, có 3 Bộ là Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thông và Công Thương, chỉ cần mỗi Bộ làm tốt chức năng của mình việc quản lý ATTP đã được thực hiện tốt. Tuy nhiên để làm tốt hơn nữa việc quản lý ATTP, cần tăng cường năng lực ở tất cả 4 cấp, từ trung ương tới tỉnh, huyện, xã- phường bởi sản xuất ở Việt Nam chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ.

Với khuyến nghị của WB về nâng cao năng lực xét nghiệm của các phòng thí nghiệm, công bố công khai kết quả kiểm nghiệm cho cộng đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong điều kiện Việt Nam chưa có thói quen dựa vào bằng chứng, các phòng xét nghiệm, thí nghiệm đang dần hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu, việc cần làm trước tiên là cần có phương tiện lưu động để kiểm tra, xét nghiệm nhanh ngay tại nơi sản xuất hoặc tại chợ các chỉ tiêu ATTP để có khuyến cáo tới cộng đồng.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ngan-hang-the-gioi-chi-ra-nhieu-diem-han-che-quan-ly-an-toan-thuc-pham-o-viet-nam.aspx