WB: Nga giảm 6% GDP, Mỹ suy thoái, Trung Quốc tăng nhẹ

Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu và giá dầu ở mức thấp chưa từng có trong lịch sử, kinh tế Nga và Mỹ đón nhiều tin buồn.

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây dự báo nền kinh tế Nga dự kiến sẽ giảm 6% GDP trong năm nay do tác động của đại dịch COVID-19 và giá dầu thấp. Số liệu này cao hơn dự báo của Nga (giảm 5%) .

Đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu.

Đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu.

Cũng theo báo cáo, vào năm 2021, nền kinh tế Nga dự kiến sẽ tăng 2,7%, cao hơn đáng kể so với dự báo tháng 1 chỉ là 1,8%.

Theo các chuyên gia của WB, việc giảm thu ngân sách liên bang do giá dầu giảm sẽ được bù đắp từ Quỹ phúc lợi quốc gia, khi quỹ này vào đầu năm 2020 có xấp xỉ 9% GDP của đất nước.

Trong khi đó, Bộ Phát triển Kinh tế Nga đưa ra dự báo, GDP năm 2020 giảm 5%, năm 2021 tăng 2,8%, năm 2022 tăng 3%, năm 2023 tăng 3,1%.

Năm 2020, GDP quý I tăng 1,8%, quý II giảm 9,5%, các quý tiếp theo giảm xuống còn 6,3% và 5,2%.

Bộ này cho rằng, giá dầu Urals năm 2020 bình quân sẽ ở mức 31,1 USD, tăng trưởng dần đến năm 2021 lên 35,4 USD và đến năm 2023 là 45,6 USD. Theo Bộ này, nền kinh tế Nga sẽ trở lại mức tăng trưởng trước khủng hoảng sớm nhất vào nửa đầu năm 2022.

Cũng chịu tác động không nhỏ của thị trường dầu là Mỹ nhưng Washington phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn bao gồm cả dịch bệnh toàn cầu bởi là quốc gia có số người nhiễm và tử vong cao nhất thế giới. Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng như cuộc biểu tình, bạo loạn thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động xã hội, kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, tính năng động của nền kinh tế số một thế giới được chứng minh thông qua hoạt động tích cực trên sàn chứng khoán đầu tuần này, các chỉ số chứng khoán ngập tràn sắc xanh, tỷ lệ thất nghiệp giảm bất ngờ, minh chứng cho những chuyển động trở lại của kinh tế Mỹ hậu COVID-19.

Dự báo của WB cho thấy, nền kinh tế Mỹ được dự báo giảm 6,1%, phản ánh sự gián đoạn liên quan đến các biện pháp kiểm soát đại dịch.

Nhưng theo dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), Mỹ có thể sẽ phải mất cả thập kỉ tới để phục hồi nền kinh tế đất nước sau nhưng hậu quả của đại dịch mang lại.

CBO cảnh báo rằng đại dịch sẽ làm giảm trong sản lượng kinh tế tích lũy trong 10 năm tới, tương đương 3% GDP trong thập kỷ này. Không tính đến lạm phát, thiệt hại tổng cộng là 15,7 nghìn tỷ USD, tương đương 5,3% GDP. Suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng là kết quả của việc đóng cửa kinh doanh và giãn cách xã hội thời gian dài. Ngoài ra, việc các năng lượng rớt giá gần đây dự báo sẽ làm giảm nghiêm trọng đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực năng lượng.

Các giải pháp gần đây, trong đó có gói kích thích kinh tế trị giá hơn 2 nghìn tỷ đô la sẽ chỉ phần nào xoa dịu tình hình suy thoái bởi đại dịch trong điều kiện kinh tế hiện nay.

Theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế, GDP quý II/2020 của Mỹ có thể giảm đến 40% so với cùng kỳ năm vừa qua.

Cùng ngày WB gửi đi dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, Cục Nghiên cứu Kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) tuyên bố kinh tế nước này đã chính thức bắt đầu suy thoái vào tháng 2, chấm dứt quãng thời gian tăng trưởng dài kỷ lục gần 11 năm. Hãng tin AP dẫn lời nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ nhiều khả năng phải mất 2 năm hoặc hơn để đạt được mức độ sản xuất và tỉ lệ lao động có việc làm như thời điểm trước suy thoái. Tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ được dự báo vẫn ở mức 10% hoặc cao hơn vào cuối năm nay.

Đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc, bà Ceyla Pazarbasioglu, Phó Chủ tịch Khối Tăng trưởng Bình đẳng, Tài chính và Định chế của WB cho rằng quốc gia này sẽ vẫn đạt được tăng trưởng trong năm nay. Mức tăng trưởng ước đạt 1%. Con số này thấp hơn nhiều so với mốc 6,1% hồi năm ngoái.

Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2020, Trung Quốc sẽ tăng trưởng hơn 1%, trong khi kinh tế Mỹ giảm gần 6% – tệ hơn mức giảm 3% toàn cầu.

Thực tế là Bắc Kinh cũng chấp nhận câu chuyện "không đặt mục tiêu tăng trưởng" cho năm 2020. Lần đầu tiên sau khoảng hai thập kỷ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP. Nhiều nhà kinh tế học đánh giá việc từ bỏ mục tiêu tăng trưởng hy vọng sẽ cải thiện chất lượng tăng trưởng và dự đoán nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng khoảng 1-3%.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/wb-nga-giam-6-gdp-my-suy-thoai-trung-quoc-tang-nhe-3405523/