WB: Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để tăng cường khả năng cạnh tranh trên toàn cầu

Xuất khẩu suy giảm diễn ra đồng loạt, nhưng các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE) ở Đông Á - Thái Bình Dương, kể cả Trung Quốc, đã và đang chịu ảnh hưởng rõ rệt.

Trong báo cáo cập nhật kinh tế của Ngân hàng Thế giới tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) với tiêu đề “thích ứng rủi ro” được công bố sáng nay, WB dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực sẽ giảm từ 6,3% năm 2018 xuống còn 5,8% năm 2019; 5,7% và 5,6% cho năm 2020 và 2021, do tăng trưởng xuất khẩu và các hoạt động chế tạo, chế biến giảm đồng loạt.

Theo báo cáo, tăng trưởng nửa đầu năm năm 2019 của khu vực này đã giảm đà do sức cầu trên toàn cầu yếu đi và bất định về chính sách thương mại tăng cao. Xuất khẩu suy giảm diễn ra đồng loạt, nhưng các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE) ở Đông Á - Thái Bình Dương, kể cả Trung Quốc, đã và đang chịu ảnh hưởng rõ rệt. hoạt động kinh tế toàn cầu vẫn chưa khởi sắc trong quý 3 năm 2019 do suy giảm tiếp tục diễn ra.

Các chỉ số về hoạt động kinh tế và lòng tin của doanh nghiệp vẫn xấu đi còn các chỉ số về thương mại cũng tiếp tục theo hướng suy giảm, khi đơn đặt hàng xuất khẩu cho tháng 8 giảm xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua.

Các nền kinh tế lớn trong khu vực chứng kiến tăng trưởng đầu tư chững lại. Tại Trung Quốc, đầu tư giảm do tăng trưởng đầu tư tư nhân yếu đi. Tại Malaysia, tình trạng bất định tăng lên đang tạo áp lực cho lòng tin của doanh nghiệp, kết hợp với việc rà soát lại các dự án hạ tầng lớn và chuẩn bị kết thúc một số dự án trung hạn, khiến cho đầu tư giảm xuống lần đầu tiên trong gần 4 năm qua vào nửa đầu năm 2019. Tình trạng bất định chính trị ở Thái Lan cũng làm đình trệ quá trình ra quyết định và gây áp lực làm giảm đầu tư công.

WB dự báo tình hình kinh tế toàn cầu vẫn mong manh với rủi ro lớn theo hướng suy giảm. Tăng trưởng toàn cầu dự kiến giảm xuống 2,5% trong năm 2019 so với 3% trong năm 2018 do những yếu kém ở cả các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và thị trường mới nổi quy mô lớn. Tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ giảm từ 2,2% năm 2019 xuống còn 1,5% bình quân cho giai đoạn 2019-2021, còn tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi được dự báo sẽ giảm còn 3,8% trong năm 2019 so với 4,4% năm 2018, trước khi phục hồi lên mức 4,4% bình quân cho giai đoạn 2020 - 2021.

Báo cáo nêu rõ căng thẳng thương mại tăng lên gây nguy cơ dài hạn cho tăng trưởng trong khu vực. Mặc dù một số nước trước đây hi vọng được hưởng lợi từ sự sắp xếp lại của trật tự thương mại toàn cầu, như sự thiếu linh hoạt trong các chuỗi giá trị toàn cầu là yếu tố hạn chế sự vươn lên của ác quốc gia tại khu vực trong ngắn hạn.

“Mặc dù các doanh nghiệp đang tìm cách né thuế quan, nhưng các quốc gia đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương khó có thể thay thế vai trò của Trung Quốc trong các chuỗi giá trị toàn cầu trong ngắn hạn do hạ tầng còn hạn chế và quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ”, ông Andrew Mason, chuyên gia kinh tế trưởng của WB khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Báo cáo cảnh báo rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài sẽ tiếp tục gây hại cho tăng trưởng đầu tư trong khu vực. Suy giảm nhanh hơn dự kiến tại Trung Quốc, khu vực đồng Euro,Mỹ và Brexit diễn ra không trật tự, có thể làm suy yếu sức cầu bên ngoài với các loại hàng hóa xuất khẩu của khu vực.

WB cảnh báo nợ ở mức cao và đang tăng lên ở một số nền kinh tế đang gây hạn chế cho chính sách tài khóa và tiền tệ của họ. Ngoài ra, bất kỳ thay đổi đột ngột nào về tình hình tài chính tàon cầu cũng dẫn tới chi phí vay nợ tăng cao cho khu vực, làm suy giảm tăng trưởng tín dụng, tiếp tục gây áp lực cho đầu tư tư nhân và tăng trưởng kinh tế khu vực.

Vì vậy, WB khuyến nghị các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương nếu còn dư địa chính sách, các công cụ chính sách có thể được sử dụng một cách thận trọng để hỗ trợ tăng trưởng. Bên cạnh đó, theo WB, trong bối cảnh phải đối mặt với áp lực tăng chi, điều quan trọng là phải cải thiện chất lượng chi tiêu và đảm bảo bền vững tài khóa. Bên cạnh đó, xây dựng một chiến lược quản lý nợ tốt là yếu tố quan trọng để chính phủ quản lý nguy cơ rủi ro từ danh mục nợ.

WB khuyến nghị các quốc gia trong khu vực nên tập trung tăng cường chiều sâu hội nhập, trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ - Trung làm suy giảm thương mại toàn cầu. Các nền tảng thương mại toàn cầu gồm Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), nhằm tập hợp các quốc gia ASEAn và sát vùng nước Ấn Độ - Thái Bình Dương và việc mở rộng Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là cơ hội để nâng cao tăng trưởng năng suất thông qua xử lý những rào cản về thương mại hàng hóa và dịch vụ, đẩy mạnh hợp tác tế. Hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn còn giúp ASEAn hoàn thành mục tiêu trở thành thị trường kinh tế duy nhất - Cộng đồng Kinh tế ASEAN, hoặc AEC - vào năm 2025.

Về kinh tế Việt Nam, WB đánh giá triển vọng vẫn tích cực trong trung hạn dù vẫn còn những rủi ro theo hướng suy giảm. Tăng trưởng GDP theo giá so sánh dự báo sẽ giảm đà từ 7,1% năm 2018 xuống mức trên dưới 6,6% năm 2019, do tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và tăng trưởng sản xuất nông nghiệp yếu hơn. Tốc độ tăng trưởng dự kiến tiếp tục đà giảm trong các năm 2020 và 2021 xuống tốc độ bền vững hơn là 6,5%, phù hợp hơn với mức sản lượng tiềm năng.

WB cảnh báo Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý kinh tế trên toàn cầu, do mở cửa thương mại mạnh mẽ và dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ tương đối hạn chế. Căng thẳng thương mại leo thang và suy giảm toàn cầu mạnh hơn so với dự kiến có thể gây sức ép cho đà tăng trưởng của Việt Nam.

WB cho rằng nếu những cải cách cơ cấu, tài khóa và khu vực ngân hàng được thực hiện mạnh mẽ hơn, thì sẽ giúp giảm thiểu những rủi ro suy giảm và hỗ trợ tăng trưởng cao bền vững. Ông cũng cho rằng chính phủ Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để đảm bảo khả năng cạnh tranh trên toàn cầu, Việt Nam cần tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp tư nhân, nhà nước và nước ngoài.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/wb-viet-nam-can-no-luc-gap-doi-de-tang-cuong-kha-nang-canh-tranh-tren-toan-cau-3523523.html