Web-drama Việt: Bắt đầu những cuộc chơi nghiêm túc

Thông tin phim 'Bệnh viện Thần Ái', web - drama (phim chiếu online) Việt đầu tiên về đề tài trinh thám, tâm linh, hài hước sẽ ra mắt trong thời gian tới đây đang nhận được sự chú ý của khán giả. Với sự đầu tư chỉn chu, hy vọng 'Bệnh viện Thần Ái' sẽ 'châm ngòi' cho những cuộc cạnh tranh về chất lượng phim online, góp phần xây dựng thị trường giải trí lành mạnh trên mạng internet.

Chờ đợi cú "hích" từ "Bệnh viện Thần Ái"

Đạo diễn Văn Công Viễn, người được coi là "ông vua sitcom" đảm nhận vai trò tổng đạo diễn của "Bệnh viện Thần Ái". "Bệnh viện Thần Ái" xoay quanh nhân vật Minh San (do Thúy Ngân thủ vai) mắc một bệnh lý liên quan đến võng mạc nên thị lực giảm sút, có nguy cơ bị mù vĩnh viễn may mắn được hiến tặng giác mạc từ một người chết não. Sau cuộc phẫu thuật, Minh San thấy lại ánh sáng nhưng gặp rắc rối khi trước mắt cô luôn xuất hiện hình ảnh một người bác sĩ. Cũng từ đây, nhiều tình huống ly kỳ đã xuất hiện trong cuộc hành trình tìm kiếm sự thật của Minh San.

Phim có độ dài 16 tập, bấm máy từ ngày 28/3, dự kiến phát hành trên Youtube từ ngày 3/5 tới đây. "Bệnh viện Thần Ái" muốn chuyển tải thông điệp là, tham vọng không xấu nhưng bất chấp tất cả để đạt được mục đích thì sớm hay muộn cũng sẽ phải trả giá. Tình yêu chân thành và lòng nhân ái mới có thể mang lại sự bình an và hạnh phúc thực sự.

"Bệnh viện Thần Ái" được kỳ vọng sẽ "làm nên chuyện" khi có sự góp mặt của Lê Hoàng Phương - đạo diễn của nhiều MV ca nhạc được giới trẻ yêu thích cùng dàn diễn trẻ "hot" hiện nay như Thúy Ngân, "Mr Cần Trô" Xuân Nghị, Quang Trung, Kim Nhã, Nam Anh, Dũng Bino, Minh Trang, Khánh Vân, Thùy Dương…

Dàn diễn viên tham gia dự án web-drama "Bệnh viện Thần Ái" - bộ phim được kỳ vọng sẽ gây sốt trong thời gian tới.

Dàn diễn viên tham gia dự án web-drama "Bệnh viện Thần Ái" - bộ phim được kỳ vọng sẽ gây sốt trong thời gian tới.

Tổng đạo diễn Văn Công Viễn bày tỏ tâm huyết dành cho dự án. Anh chia sẻ rằng, "Bệnh viện Thần Ái" là tác phẩm web-drama đầu tay của anh, bộ phim dù chỉ chiếu online nhưng được sản xuất theo chuẩn điện ảnh và chất lượng được đặt lên hàng đầu. Đây cũng là web - drama Việt đầu tiên có cố vấn diễn xuất là người nước ngoài. Đạo diễn Văn Công Viễn đã mời Choi Hansol, một diễn viên Hàn Quốc được đào tạo bài bản tại Đại học Kyonggi tham gia cố vấn phim.

Theo nhiều nguồn tin, kinh phí để sản xuất "Bệnh viện Thần Ái" không hề nhỏ. Ban đầu, ekip dự tính chi phí cho mỗi tập phim kéo dài 30 phút khoảng 200 triệu đồng nhưng sau đó, con số này đã "đội lên", chạm mức 300 triệu đồng. Đây là khoản kinh phí khá cao so với mặt bằng chung nếu đầu tư sản xuất phim truyền hình với dung lượng mỗi tập khoảng 45 phút. Chưa biết phản ứng của khán giả ra sao khi "Bệnh viện Thần Ái" được trình chiếu trên Youtube nhưng những gì đang diễn ra có thể thấy sự nghiêm túc, chỉn chu và đặt nhiều kỳ vọng của ekip sản xuất.

Cũng trong thời điểm này, ekip sản xuất phim "Chị Mười Ba - phần kết Thập tam muội" (đạo diễn Tô Gia Tuấn, Khương Ngọc) cho biết, bộ phim đã cán mốc 650 nghìn lượt xem, doanh thu ước tính gần 50 tỷ đồng sau thời gian ngắn ra rạp. Điều đáng quan tâm là "Chị Mười Ba - phần kết Thập Tam Muội" là phim điện ảnh có "gốc" từ web-drama được trình chiếu trên mạng trước đó. Đây là phim có nội dung khá nhạy cảm khi khắc họa cuộc tranh giành địa bàn khốc liệt giữa hai băng nhóm giang hồ cộm cán là An Cư Nghĩa và Hắc Hổ Hội. Rõ ràng, sự thành công của "Chị Mười Ba - phần kết Thập Tam Muội" có sự hậu thuẫn không nhỏ của các fan web-drama "Thập Tam Muội".

Góp phần xây dựng môi trường giải trí lành mạnh trên internet

Với giới trẻ, web-drama không phải là điều gì xa lạ. Khi internet phát triển và Youtube ngày càng phổ biến, web - drama thực sự bùng nổ và trở thành xu hướng được khán giả trẻ quan tâm. Không chỉ các nghệ sĩ, nhóm sáng tạo mà nhiều đơn vị sản xuất chuyên nghiệp cũng bước vào sân chơi này. Một vài năm trở lại đây, web-drama Việt bắt đầu được các nhà sản xuất tập trung đầu tư với nhiều thể loại phim khác nhau.

Chủ đề cổ trang, cung đấu bùng nổ trên web-drama trong năm 2018. Lý giải của "hiện tượng" này, nhiều khán giả cho rằng, là do "cơn sốt" ăn theo một số phim cổ trang đình đám Trung Quốc được trình chiếu online. Tất nhiên, phim cổ trang, cung đấu "made in Việt Nam" được xây dựng theo hướng pha hài hước để chiều thị hiếu khán giả. Đáng chú ý như "Bổn cung giá lâm" của danh hài Thu Trang, "Nam Phi liên hoàn kế" của Nam Thư, "Hoàng Hậu họ Huỳnh" của Huỳnh Lập, "Kỳ án cung Diên Thọ" của công ty giải trí QUAD Entertainment…

Có thể thấy rằng, phim cổ trang, cung đấu Việt Nam trình chiếu online chủ yếu nhằm mục đích giải trí, thiếu đầu tư về nội dung, trang phục cho các diễn viên trong phim. Đôi khi, những tiếng cười trong phim trở nên nhạt nhẽo, lạc điệu. Ban đầu, phim thường có lượng người xem đông đảo nhưng sau đó giảm nhiệt đáng kể.

Tâm linh, kinh dị cũng là chủ đề được nhiều nhà sản xuất web-drama khai thác. Đáng chú ý như "Ai chết giơ tay" của Huỳnh Lập, "Cương Thi Biến" của Duy Khánh. Dù khai thác thể loại phim tâm linh, kinh dị nhưng những bộ phim này thường được "gài" thêm yếu tố, tình tiết hài hước để gây cười. Ngoài ra, web-drama Việt còn khai thác chủ đề về học trò, giới trẻ, tình yêu, giới tính. Thể loại phim này phổ biến là phim ngắn một tập và không thực sự thu hút khán giả.

Thực tế cho thấy, phim online về đề tài giang hồ, xã hội đen, thế giới ngầm lại có khả năng gây bão hơn cả. Với phim "Thập tam muội", Thu Trang trở thành nữ nghệ sĩ hài đầu tiên được trao nút vàng Youtube. Chỉ ngay sau khi phát sóng hai tập đầu tiên, "Thập tam muội" đã đạt hơn 36 triệu lượt xem. Một con số đáng mơ ước trên Youtube. Tiếp sau đó, Nam Thư cũng nhận giải thưởng này với phim về giang hồ có tên "Thập tứ cô nương".

Một cảnh trong web-drama "Thập tứ cô nương".

Một xu hướng chuyển dịch đáng chú ý là nếu như trước đây, web - drama nhan nhản những nội dung hài nhạt, câu view thì gần đây, đã xuất hiện một vài dự án được đầu tư chỉn chu về kịch bản, diễn viên, bối cảnh… Rõ ràng, thị hiếu thưởng thức của khán giả ngày càng cao đòi hỏi web-drama phải được đầu tư nghiêm túc. Trong cuộc cạnh tranh ấy, việc đầu tư chất lượng sản phẩm chính là yếu tố tiên quyết giữ chân khán giả.

Tôi cho rằng, web-drama là xu thế phát triển tất yếu của môn nghệ thuật thứ bảy trong thời kỳ công nghệ số. Web drama có nhiều lợi thế vượt trội so với phim truyền hình hay điện ảnh. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ và số người dùng internet trên khắp thế giới, web-drama có thị trường khán giả vô cùng tiềm năng. Bên cạnh đó, nhà sản xuất cũng tự do tìm kiếm, khai thác đa dạng các mảng đề tài, không bị bó buộc kiểm duyệt như phim truyền hình, điện ảnh.

Dù chưa được xem là dòng phim chính thống nhưng sức ảnh hưởng của thể loại phim này với giới trẻ lại rất lớn. Chính vì vậy, mỗi sản phẩm được đầu tư chỉn chu, tâm huyết sẽ góp phần hướng người xem đến những nội dung trong sáng, lành mạnh. Trong bối cảnh đầy rẫy "video bẩn" trên youtube, khi video tục tĩu, bạo lực của những đối tượng côn đồ, hành xử theo kiểu xã hội đen lại thu hút hàng chục triệu lượt xem thì câu hỏi, làm thế nào để xây dựng được môi trường giải trí lành mạnh trong đó có web - drama được rất nhiều người quan tâm.

Ngoài giải trí, web-drama cũng phải có chức năng giáo dục, định hướng khán giả đến những giá trị chân - thiện - mỹ như những sản phẩm nghệ thuật khác. Mặc dù Youtube đã có quy định về kiểm duyệt âm nhạc, hình ảnh, nội dung… nhưng chưa thể làm một cách triệt để. Nghệ sĩ cần phải là những người tiên phong, góp phần xây dựng môi trường giải trí lành mạnh trên mạng internet thông qua sáng tạo những bộ phim có nội dung lành mạnh, mang tính giáo dục cao hướng đến khán giả, nhất là đối tượng khán giả trẻ.

Tường Phạm

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/web-drama-viet-bat-dau-nhung-cuoc-choi-nghiem-tuc-540360/