WEF ASEAN 2018: Tìm động lực phát triển cho nền kinh tế

Tinh thần doanh nghiệp (DN) và Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ chính là bánh lái, là đôi cánh của nền kinh tế, cũng chính là hai động lực phát triển quan trọng nhất trong giai đoạn mới.

Đó là nhận định của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về chủ đề của Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 sẽ diễn ra từ ngày 11-13/9 tới, tại Hà Nội.

Thưa ông, với tư cách là Chủ tịch VCCI, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa chủ đề WEF ASEAN 2018: “Tinh thần DN và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”?

Theo tôi, đây là chủ đề phản ánh được động lực chính cho sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới và khu vực trong thời gian tới. Hiện nay, Thủ tướng cũng như Chính phủ luôn yêu cầu phải tìm ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Rõ ràng, động lực đó không có gì khác là phát huy cao độ tinh thần DN và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Cho nên, tinh thần DN và Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng chính là hai động lực phát triển quan trọng nhất của nền kinh tế.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.

Theo ông, DN Việt có thể tận dụng được cơ hội gì ở Diễn đàn này?

WEF trước hết là một “phiên chợ ý tưởng”, nơi các nhà hoạch định chính sách, giới doanh nhân, các nhà nghiên cứu, các cơ quan truyền thông, các tổ chức xã hội sẽ “chụm đầu” bàn về các vấn đề của kinh tế thế giới và khu vực.

Khi tham gia vào Diễn đàn, các DN có cơ hội tiếp xúc với các DN toàn cầu, tiếp cận với những xu hướng chính của nền kinh tế thế giới, những xu hướng về quản trị, công nghệ. Điều này rất quan trọng đối với các DN Việt Nam, bởi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, chúng ta cần nâng cấp DN, cần chuyên nghiệp hóa trình độ quản trị và hiện đại hóa về công nghệ. Và ở Diễn đàn này, chúng ta có thể thấy được hết những xu hướng đó của nền kinh tế thế giới, từ đó có thể xác định tầm nhìn, cơ cấu lại DN của mình để đáp ứng nhu cầu của hội nhập.

Bên cạnh đó, DN có điều kiện gặp gỡ các nhà hoạch định chính sách, các DN toàn cầu, từ đó có cơ hội tìm ra cơ hội đầu tư kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Đây cũng là cơ hội rất tốt để các DN quảng bá về mình, tìm đối tác hợp tác đầu tư kinh doanh.

Được biết, nhân dịp WEF ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2018 sẽ được tổ chức. Đây là sáng kiến của chủ nhà Việt Nam và cũng lần đầu tiên trong khuôn khổ WEF có một hội nghị như thế. Vậy tại VBS 2018, những vấn đề gì sẽ được thảo luận?

VBS 2018 sẽ là diễn đàn nhằm giới thiệu về môi trường đầu tư kinh doanh, cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực mà nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng cho các DN nước ngoài. VBS 2018 cũng là cơ hội rất tốt cho các DN Việt Nam thiết lập quan hệ đầu tư kinh doanh với các đối tác trên toàn thế giới.

Với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy: Kết nối & Sáng tạo”, tại phiên khai mạc của VBS 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Borge Brende sẽ có bài phát biểu và đối thoại với cộng đồng DN, thảo luận vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị ASEAN và toàn cầu. Phiên thứ hai của VBS 2018 tập trung giới thiệu những cơ hội mới trong kinh doanh của Việt Nam, với sự tham gia thảo luận của lãnh đạo các Bộ, ngành như: Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Giao thông Vận tải... và các tổ chức quốc tế cũng như DN.

Tham dự Hội nghị dự kiến có hơn 1.200 đại diện DN, bao gồm DN hàng đầu thế giới là thành viên WEF, DN từ các nền

kinh tế lớn (Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, ASEAN….), các hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam, Đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao, kinh tế và các tổ chức quốc tế.

Thưa ông, tại sao VBS 2018 lại nhấn mạnh vào hai yếu tố Kết nối và Sáng tạo?

VBS 2018 nhấn mạnh đến tính kết nối và sáng tạo ở Việt Nam, đây cũng là thông điệp, là mong muốn của DN Việt Nam trong việc định hướng làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam trong thời gian tới. Bạn hãy đầu tư vào Việt Nam để cùng chúng tôi tăng cường kết nối, tăng cường sáng tạo.

Hiện nay, tính kết nối của nền kinh tế Việt Nam với thế giới đang là điểm mạnh của nền kinh tế Việt Nam bởi độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất cao. Bên cạnh đó, tính kết nối của các DN Việt Nam với các DN nước ngoài tại Việt Nam cũng là một vấn đề mà Việt Nam cần đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các FDI và DN trong nước.

Về tính sáng tạo, Chính phủ đã có một loạt chủ trương thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thời điểm hiện tại không còn là lúc Việt Nam phát huy lợi thế như lực lượng lao động đông đảo, giá rẻ hay tài nguyên dồi dào mà Việt Nam phải dựa vào năng lực cạnh tranh, đó chính là lợi thế về địa chính trị, địa kinh tế, là khả năng kết nối, khả năng hội nhập, đặc biệt là khả năng sáng tạo của con người Việt Nam.

Vậy DN Việt Nam có kế hoạch tận dụng cơ hội này thế nào? Thưa ông.

Có thể khẳng định rằng, quá trình chuẩn bị cho sự kiện đang rất suôn sẻ, sự hợp tác của Việt Nam với WEF rất tốt. Mọi sáng kiến, đề xuất của Việt Nam đều được WEF hoan nghênh và chấp thuận. Đây cũng là lần đầu tiên có một hội nghị như VBS được tổ chức bên cạnh các hội nghị của WEF. Cũng có thể nói thêm rằng, các DN rất háo hức tham gia Diễn đàn, không chỉ những DN trong khu vực ASEAN mà còn nhiều DN ở Mỹ, Nhật Bản, châu Âu cũng sẽ đến với sự kiện này.

Nhân dịp WEF ASEAN 2018, bên cạnh các cuộc tiếp xúc đa phương, VCCI sẽ tổ chức các cuộc tiếp xúc song phương giữa các DN Việt Nam với các đối tác lớn, trong đó có thể kể tới cuộc gặp Thượng đỉnh song phương giữa các DN Việt Nam với các DN Mỹ ngay trước thềm của VBS 2018 và WEF ASEAN 2018. Cuộc gặp này sẽ bàn về quan hệ hợp tác trong tương lai của DN Việt Nam và DN Mỹ.

Xin cảm ơn ông!

Gia Phú

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/wef-asean-2018-tim-dong-luc-phat-trien-cho-nen-kinh-te-77345.html