WHO cảm ơn Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 của WHO

Trong cuộc họp báo ngày 27-4 tại Geneva, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gửi lời cảm ơn Việt Nam cùng một số quốc gia, tổ chức và cá nhân khác 'vì những đóng góp gần đây' cho Kế hoạch Ứng phó và Chuẩn bị chiến lược của WHO trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (giữa) tại buổi họp báo về Covid-19 tại trụ sở ở Geneva (Ảnh: WHO)

NDĐT- Trong cuộc họp báo ngày 27-4 tại Geneva, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gửi lời cảm ơn Việt Nam cùng một số quốc gia, tổ chức và cá nhân khác “vì những đóng góp gần đây” cho Kế hoạch Ứng phó và Chuẩn bị chiến lược của WHO trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Tại cuộc họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros nói: “Tôi xin cảm ơn Trung Quốc, Bồ Đào Nha và Việt Nam vì những đóng góp gần đây của họ cho Kế hoạch Ứng phó và Chuẩn bị chiến lược của WHO”, và gửi lời cảm ơn tới hơn 280 nghìn cá nhân, tập đoàn và tổ chức đã đóng góp cho Quỹ phản ứng đoàn kết của WHO.

Người đứng đầu WHO nói, mặc dù các biện pháp phong tỏa đã giúp tình hình Covid-19 tại châu Âu lắng dịu, WHO vẫn tiếp tục kêu gọi các nước thực hiện việc truy dấu, cách ly, kiểm tra và điều trị tất cả các ca Covid-19, truy dấu mọi tiếp xúc, để bảo đảm duy trì xu hướng giảm lây nhiễm.

Tuy nhiên, WHO cảnh báo, đại dịch Covid-19 "còn lâu mới kết thúc". WHO tiếp tục quan ngại các xu hướng ngày càng tăng ở Châu Phi, Đông Âu, Mỹ Latinh và một số nước châu Á khi nhiều ca nhiễm mới và hợp tử vong không được báo cáo ở nhiều quốc gia do khả năng xét nghiệm thấp.

Người đứng đầu WHO cho biết, WHO đang tiếp tục hỗ trợ các quốc gia bằng hỗ trợ kỹ thuật thông qua các văn phòng khu vực và quốc gia của WHO và với các nguồn cung cấp thông qua các Chuyến bay Đoàn kết.

Trong tuần vừa qua, WHO đã chuyển hỗ trợ cho hơn 40 quốc gia ở châu Phi và nhiều kế hoạch khác đã được lên kế hoạch.

Trên toàn cầu, WHO đã vận chuyển hàng triệu mặt hàng thiết bị bảo hộ cá nhân tới 105 quốc gia, các thiết bị hỗ trợ phòng thí nghiệm tới hơn 127 quốc gia. WHO sẽ gửi thêm hàng triệu triệu thiết bị hỗ trợ trong những tuần tới và sẽ tăng cường sự chuẩn bị hơn nữa.

Cuối tuần này, WHO sẽ khởi động Kế hoạch Ứng phó và Chuẩn bị chiến lược giai đoạn hai, với ước tính các nguồn lực cần thiết cho giai đoạn tiếp theo của phản ứng toàn cầu.

Covid-19 làm gián đoạn dịch vụ tiêm phòng

Tại cuộc họp báo, WHO cũng cảnh báo, Covid-19 vẫn đang làm gián đoạn các dịch vụ y tế thông thường, đặc biệt là dịch vụ tiêm chủng cho trẻ em ở các nước nghèo nhất.

Ông Tedros bày tỏ lo ngại rằng, sức khỏe của trẻ em đang bị đe dọa bởi tác động của đại dịch Covid-19 đối với các chương trình tiêm chủng các loại bệnh khác.

“Trẻ em có thể có nguy cơ tương đối thấp với tình trạng bệnh nặng và tử vong do Covid-19, nhưng có nguy cơ cao mắc các bệnh khác vốn có thể phòng ngừa bằng vaccine”, Tổng giám đốc WHO Tedros nói.

Mỗi năm, hơn 116 triệu trẻ sơ sinh, chiếm 86% số trẻ vừa ra đời trên toàn thế giới, được tiêm phòng. Tuy nhiên, hiện nay trên toàn thế giới, khoảng 13 triệu người đã bị ảnh hưởng do các chương trình tiêm chủng thường xuyên chống lại các bệnh bao gồm bại liệt, sởi, dịch tả, sốt vàng và viêm màng não bị chậm trễ trong bối cảnh các quốc gia dồn sức chống đại dịch Covid-19.

Tổng giám đốc WHO dẫn nguồn từ Liên minh Vaccine toàn cầu (GAVI) cho biết, hiện có 21 quốc gia ghi nhận sự thiếu hụt vaccine chống lại các bệnh khác do các quy định hạn chế biên giới và gián đoạn đi lại do đại dịch gây ra.

Ông Tedros nói: “Số ca mắc sốt rét ở khu vực cận Sahara châu Phi có thể tăng gấp đôi’, đề cập đến tác động tiềm tàng của Covid-19 đối với các dịch vụ tiêm chủng sốt rét thường xuyên.

Người đứng đầu WHO cho biết, tổ chức này đang hỗ trợ các quốc gia trong khu vực để ngăn chặn tình trạng này xảy ra.

Tổng giám đốc WHO Tedros nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn có một con đường dài phía trước và còn rất nhiều việc phải làm”, và rằng chỉ có những hành động đúng đắn mới có thể ngăn chặn được làn sóng lây nhiễm thứ hai.

“Tôi tiếp tục kêu gọi thế giới cùng nhau đoàn kết và đoàn kết trong mỗi quốc gia để đương đầu với đại dịch này, đồng thời để ngăn chặn giai đoạn tiếp theo của đại dịch, và xây dựng một thế giới lành mạnh hơn, an toàn hơn, công bằng hơn cho mọi người, ở mọi nơi”, ông Tedros kêu gọi.

N.T

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44266902-who-cam-on-viet-nam-trong-cuoc-chien-chong-covid-19-cua-who.html