WHO cảnh báo về phản ứng quá mức với dịch Covid-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18-12 cảnh báo về những phản ứng quá mức đối với dịch Covid-19 sau các diễn biến hoảng loạn gần đây như đổ xô mua khẩu trang, hủy bỏ các sự kiện và mối lo về du thuyền nhiễm bệnh trong bối cảnh số người chết tăng lên 1.868.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18-12 cảnh báo về những phản ứng quá mức đối với dịch Covid-19 sau các diễn biến hoảng loạn gần đây như đổ xô mua khẩu trang, hủy bỏ các sự kiện và mối lo về du thuyền nhiễm bệnh trong bối cảnh số người chết tăng lên 1.868.

Ngành công nghiệp du thuyền trở thành tâm điểm chú ý khi hàng trăm người bị nhiễm bệnh trên tàu bị cách ly ngoài khơi Nhật Bản. Ảnh: AFP

Ngành công nghiệp du thuyền trở thành tâm điểm chú ý khi hàng trăm người bị nhiễm bệnh trên tàu bị cách ly ngoài khơi Nhật Bản. Ảnh: AFP

Số ca lây nhiễm bên ngoài Trung Quốc “rất nhỏ”

Hơn 72.000 người hiện đã bị nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc và hàng trăm người khác ở nước ngoài, nhưng WHO nhấn mạnh, số ca bệnh lây nhiễm bên ngoài Trung Quốc chiếm tỷ lệ “rất nhỏ” và tỷ lệ tử vong vẫn thấp.

AFP dẫn nguồn tin từ tổ chức này cho biết, dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại lớn cho kinh tế toàn cầu, với việc Trung Quốc bị tê liệt bởi các biện pháp kiểm dịch rộng lớn. Các Cty lớn như nhà sản xuất iPhone của Apple và Cty khai khoáng khổng lồ BHP đã đưa ra cảnh báo lợi nhuận sụt giảm. Các hội chợ thương mại, giải đấu thể thao và sự kiện văn hóa đều đã bị gián đoạn, trong khi một số nước đã cấm khách từ Trung Quốc, nhiều hãng hàng không dừng bay tới Trung Quốc.

Ngành du lịch nhiều quốc gia cũng đang bị thiệt hại nặng nề, nhất là các quốc gia Châu Á. Sau Trung Quốc đại lục, đến lượt Đặc khu Hồng Kông “bơm” thêm tiền để đối phó với sự bùng phát Covid-19. Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 18-2 cho biết chính quyền sẽ tăng tiền hỗ trợ để đối phó Covid-19 lên 28 tỷ HKD (khoảng 3,6 tỷ USD) so với mức 25 tỷ HKD đã cam kết trước đây, để giảm tác động đối với nền kinh tế gặp khó khăn của thành phố này.

Ngành du thuyền đang trở thành tâm điểm chú ý lớn khi hàng trăm khách bị phát hiện nhiễm Covid-19 trên du thuyền Diamond Princess ngoài khơi Yokohama, Nhật Bản, và một khách trên du thuyền Westerdam đã xuống bến ở Sihanoukville, Campuchia bị phát hiện nhiễm bệnh khi đã đến Malaysia. WHO, từng khẳng định các hạn chế đi lại là không cần thiết, hiện tiếp tục bác bỏ đề xuất nên dừng tất cả các chuyến du lịch trên biển. “Các biện pháp nên được thực hiện tương ứng với tình hình. Các biện pháp chặn như vậy có thể không giúp ích gì”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên ở Geneva, Thụy Sĩ. WHO cũng khen ngợi Trung Quốc vì các biện pháp phòng chống dịch bệnh rất quyết liệt, bao gồm phong tỏa tỉnh Hồ Bắc, với số người bị cô lập lên tới 56 triệu.

WHO gần đây liên tiếp đưa ra nhiều tuyên bố trấn an cộng đồng quốc tế, chỉ ra rằng, Covid-19 có tỷ lệ tử vong khoảng 2%, thấp hơn dịch SARS hay MERS. 80% số ca bệnh là nhẹ. Bên ngoài tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, dịch bệnh ảnh hưởng tới một tỷ lệ rất nhỏ người dân.

Cuộc đua tìm vaccine

Trong khi dịch bệnh vẫn hoành hành, cuộc đua tìm vaccine và thuốc đặc trị càng nóng hơn bao giờ hết.

Trong tuyên bố mới nhất ngày 18-2, chính phủ Australia thông báo sẽ dành một khoản tài chính trị giá lên tới 2 triệu AUD (khoảng 1,34 triệu USD) cho các nhà khoa học, nhằm thúc đẩy tiến trình phát triển vaccine phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, số tiền nói trên sẽ được trao cho Quỹ Nghiên cứu Y tế Tương lai với hy vọng phát triển thành công vaccine Corona mới và những nghiên cứu về Covid-19. Cùng ngày, Nhật Bản tuyên bố bắt đầu thử nghiệm dùng thuốc HIV điều trị cho người nhiễm Covid-19. Phát biểu họp báo thường kỳ, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị bắt đầu thử nghiệm lâm sàng bằng cách sử dụng thuốc HIV để điều trị cho người nhiễm Covid-19”. Tuy nhiên, ông Suga nhấn mạnh sẽ không đề cập đến thời điểm cho lưu hành loại thuốc mới.

Trong bối cảnh này, Chủ tịch phòng Thương mại Liên minh Châu Âu (EU) tại Trung Quốc, ông Joerg Wuttke ngày 18-2 cảnh báo, thế giới có thể đối mặt với sự thiếu hụt kháng sinh nếu không sớm giải quyết được các vấn đề về nguồn cung của ngành dược phẩm do sự bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc. Phát biểu tại hội nghị bàn tròn ở Bắc Kinh, ông Wuttke cho biết việc đồng bộ hóa nguồn cung kháng sinh ở Trung Quốc đã bị cản trở do sự bùng phát Covid-19.

KHẢ ANH

Giám đốc bệnh viện Vũ Hán tử vong vì nhiễm Covid-19

Truyền thông Trung Quốc ngày 18-2 đưa tin: ông Lưu Trí Minh, Giám đốc bệnh viện Vũ Xương ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc tử vong sau khi phải “giành giật sự sống” vì nhiễm Covid-19.

Bác sĩ Lưu tử vong vào 10 giờ 30 ngày 18-2 sau khi mọi nỗ lực cứu chữa bất thành. Tờ People Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 17-2 đăng Twitter cho biết bác sĩ Lưu Trí Minh qua đời do nhiễm Covid-19 nhưng sau đó xóa bài đăng. Một quan chức y tế tỉnh Hồ Bắc sau đó cho biết bác sĩ đang “phải giành giật sự sống”. Mâu thuẫn quanh tình trạng của bác sĩ Lưu Trí Minh giống với trường hợp bác sĩ Lý Văn Lượng đầu tháng này. Truyền thông nhà nước Trung Quốc ban đầu cũng đưa tin bác sĩ Lý đã chết, nhưng Bệnh viện Trung ương Vũ Hán bác bỏ, nói rằng anh đang trong tình trạng nguy kịch. Vài tiếng sau đó, bệnh viện xác nhận bác sĩ qua đời.

T.VĂN

Các sòng bài ở Macau mở cửa trở lại

Các sòng bài ở Macau sẽ được mở cửa trở lại vào ngày 20-2 sau khi nhà chức trách bãi bỏ lệnh phong tỏa kéo dài 2 tuần trên toàn thành phố nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Quyết định cho phép nền công nghiệp chủ chốt của Macau hoạt động trở lại được đưa ra sau khi thành phố này không phát hiện thêm bất cứ ca nhiễm bệnh mới nào trong 2 tuần qua, với con số bệnh nhân được xác nhận chỉ là 10 người. Thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha trước đó trong tháng đã triển khai biện pháp đóng cửa chưa từng có tiền lệ đối với tuyệt đại đa số lĩnh vực giải trí sinh lời của thành phố này, trong đó có các sòng bài, hộp đêm và nhiều quán bar.

T.LINH

Triều Tiên tái khẳng định không có ca nhiễm Covid-19

Ngày 18-2, tờ báo chính thức của đảng Lao động Triều Tiên Rodong Sinmun tái khẳng định rằng không có trường hợp nào được xác nhận là nhiễm dịch Covid-19 trên lãnh thổ nước này, trong bối cảnh xuất hiện suy đoán cho rằng Bình Nhưỡng có thể đang che giấu một đợt bùng phát dịch bệnh.

Rodong Sinmun công bố một bài viết trong đó, một quan chức y tế đã nhấn mạnh rằng “không có trường hợp đơn lẻ nào được xác nhận” nhiễm Covid-19. Theo quan chức này, các biện pháp phòng ngừa trên quy mô toàn quốc, trong đó có việc nhanh chóng triển khai một hệ thống cách ly khẩn cấp sau đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc, đã thành công trong việc ngăn chặn lây lan virus này.

T.NGUYÊN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_220464_.aspx