WHO cảnh báo xuất hiện nhiều biến thể nguy hiểm

Đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường do sự xuất hiện thêm nhiều biến thể có khả năng lây lan nhanh. Biến thể Delta của vi-rút SARS-CoV-2 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá sẽ trở thành biến thể chủ đạo, gây ra phần lớn các ca bệnh trên toàn thế giới trong vài tháng tới. Hiện biến thể này đã lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ, được phát hiện trong hơn 75% số mẫu bệnh phẩm phân tích chuỗi gien tại nhiều quốc gia lớn.

Xét nghiệm Covid-19 cho trẻ em ở Israel.

Xét nghiệm Covid-19 cho trẻ em ở Israel.

Trong danh sách biến thể gây lo ngại của WHO còn có ba biến thể khác là Alpha, Beta và Gamma phát hiện lần đầu lần lượt tại Anh, Nam Phi và Brazil. Số quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận phát hiện biến thể Alpha là 180, Beta là 130 và Gamma là 78. Tại Mỹ, Bệnh viện Houston Methodist, hệ thống bệnh viện ở bang Texas, đã xác nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể Lambda vốn được phát hiện lần đầu tại Peru và đã lan rộng khắp Nam Mỹ.

Dịch bệnh tại nhiều nước đang trở nên trầm trọng hơn do sự lây lan của biến thể Delta. Malaysia ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 trong ngày cao chưa từng thấy, với 199 ca và ghi nhận thêm 11.985 ca nhiễm mới. Nga thông báo có thêm 23.704 ca nhiễm do biến thể Delta bùng phát mạnh. Vùng Lazio, khu vực chung quanh thủ đô Rome của Italia có số ca mắc biến thể Delta chiếm hơn 60% tổng số ca mắc.

Trước diễn biến phức tạp do sự lây lan của các biến thể mới, nhiều nước mở rộng chương trình tiêm chủng và thay đổi các quy định phòng, chống dịch. Chính phủ Đức đã gia hạn quy định cách ly đối với người nhập cảnh đến từ các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao đến giữa tháng 9. Mỹ đang có kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm chủng, theo đó cân nhắc đưa trẻ dưới 12 tuổi vào diện tiêm vắc-xin vào trước cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới.

Kết quả của một nghiên cứu vừa công bố trên Tạp chí y khoa New England cho thấy, hai mũi vắc-xin phòng Covid-19 của hãng Pfizer hoặc AstraZeneca có hiệu quả ngăn ngừa biến thể Delta gần tương đương với hiệu quả trước biến thể Alpha. Theo đó, hai mũi tiêm của Pfizer có hiệu quả 88% ngăn ngừa ca bệnh có triệu chứng do nhiễm biến thể Delta, tỷ lệ này với biến thể Alpha là 93,7%. Hai mũi tiêm của AstraZeneca có hiệu quả 67% trước biến thể Delta và 74,5% ở biến thể Alpha.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/who-canh-bao-xuat-hien-nhieu-bien-the-nguy-hiem-656346/